(KTSG Online) - Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung nhiều nhóm được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Đề xuất ô tô kinh doanh dưới 9 chỗ ngồi không phải lắp camera giám sát
- Những cơn đau ‘ngầm’ trên thị trường bất động sản
Theo đó, ngoài các nhóm theo quy định, ban soạn thảo đề xuất bổ sung thêm nhóm lao động thuộc các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, lao động ở các vùng đặc biệt khó khăn, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ và trí thức trẻ tình nguyện.
Song song đó, nhiều địa phương cũng chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên sau khi xuất ngũ, thanh niên tình nguyện có cơ hội được đi làm ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ Lao động cho biết rất ít người lao động trong 5 nhóm ưu tiên hưởng theo luật hiện hành được thụ hưởng chính sách. Theo báo cáo, từ năm 2017 đến nay, chỉ mới gần 1.800 lao động được hỗ trợ.
Nguyên nhân đưa ra là do các quy định chưa bao quát đầy đủ các nhóm cần được hỗ trợ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.
Trong những năm qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững. Từ năm 2016 - 2020, cả nước có 627.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Sau đại dịch, nhiều quốc gia mở cửa thị trường lao động, số lượng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài tăng cao, đạt 142.779 người vào năm 2022 và tăng lên gần 160.000 người vào năm 2023.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn hỗ trợ ước đạt khoảng 570 tỉ đồng. Cụ thể, ngân sách nhà nước là 270 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 200 tỉ đồng, vốn huy động khác là 100 tỉ đồng với bình quân khoảng 115 tỉ đồng mỗi năm.