Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 lên 30 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 lên 30 tỉ đồng

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Luật Chứng khoán sửa đổi được Chính phủ trình bày trước Quốc hội chiều 6-6 đã đề xuất nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 lên 30 tỉ đồng. Và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra ý kiến băn khoăn về nội dung này.

Đề xuất nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 lên 30 tỉ đồng
Nghi thức đánh cồng khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Hà Nội của Viettel Post. Ảnh: Vân Ly

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng (Khoản 1 Điều 14 và Khoản 1 Điều 31 của dự thảo Luật) có hai loại ý kiến khác nhau.

”Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: cần nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỉ lên 30 tỉ đồng để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng: quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỉ lên 30 tỉ đồng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp”, ông Thanh nói.

Vị đại diện của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết đa số ý kiến thành viên của ủy ban này tán thành với tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô của thị trường hiện tại.

Mặt khác, với tính chất phức tạp và rủi ro của thị trường chứng khoán, quy định nâng mức vốn điều lệ sẽ hạn chế những rủi ro cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính còn thấp khi tham gia vào thị trường.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỉ lên 30 tỉ đồng sẽ chỉ tác động đến khoảng 18% các công ty đại chúng đang hoạt động.

Ông Thanh nói: “Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của điều Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa cơ sở của việc đưa ra đề xuất về mức vốn trên, đồng thời đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội của quy định này đối với các đối tượng liên quan”.

Một số ý kiến nhất trí với loại ý kiến thứ hai và cho rằng, hiện nay hơn 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với mức vốn trung bình khoảng 11 tỉ đồng. Việc quy định tăng mức vốn điều lệ như dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Khoản 2 Điều 29 của dự thảo Luật), ông Thanh cho biết có 2 loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm khơi thông dòng vốn hỗ trợ các doanh nghiệp này trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc chào bán chứng khoán cho đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thuộc phạm vi của dự thảo Luật do những đặc điểm riêng khác với doanh nghiệp thông thường. Do vậy, đề nghị không quy định tại dự thảo Luật.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết xây dựng hành lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng trên thị trường chứng khoán. Điều này cũng phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với đặc điểm có mức vốn thấp, mức độ rủi ro cao, khó đáp ứng được những điều kiện vay vốn của các ngân hàng nên thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định của Luật, tính linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện và tránh ảnh hưởng chung đến TTCK, Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về điều kiện và tổ chức vận hành thị trường vốn dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.

Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Điều 51 của dự thảo Luật). Ông Thanh cho hay có ý kiến cho rằng theo quy định tại dự thảo Luật thì nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không biết rõ được quy định về tỉ lệ mà mình được quyền sở hữu trên thị trường chứng khoán là bao nhiêu. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư hiện hành quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng lại không quy định về tỉ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn thiếu niềm tin để tham gia và đẩy mạnh đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng, dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc đối với tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để tạo sự minh bạch và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Trên cơ sở đó, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện. Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán giao dịch mua bán chứng khoán diễn ra liên tục trong ngày và có thể ngay lập tức làm thay đổi tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư, cũng như tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, đề nghị Chính phủ giải trình thêm về biện pháp kỹ thuật để quản lý giao dịch chứng khoán phù hợp với Luật Đầu tư.

Ngoài những góp ý, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Chứng khoán sau hơn 10 năm thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới