Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất

L.Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết trần tín dụng của các ngân hàng không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bất động sản mà còn ảnh hưởng đến dòng vốn của các doanh nghiệp sản xuất. Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tháng 8, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng cải cách tư vấn thủ tục hành chính của Chính phủ đã đề nghị nới trần tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Khó khăn trong tiếp cận vốn vay”, đó là nhận định của Ban IV sau một cuộc khảo sát định kỳ với doanh nghiệp thuộc 16 tổ chức hiệp hội: 6 đại diện doanh nghiệp (DN) nhóm sản xuất (Hiệp hội Thép VN, Hiệp hội Nhôm thanh định hình VN, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN, Liên minh Hỗ trợ công nghiệp VN); 5 đại diện DN nhóm dịch vụ (Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN; Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam-ASEAN, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT VN, Hội đồng Tư vấn du lịch) và đại diện nhóm DN địa phương (Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương, các hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, thành phố Đà Nẵng, TPHCM).

Cộng đồng doanh nghiệp nói chung, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn do ngân hàng "cạn room" tín dụng - Ảnh: Q.H

Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH- ĐT), khu vực kinh tế tư nhân đang có những dấu hiệu phục hồi khi số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76.233 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 13,6% so với cùng kỳ), và có 40.667 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 55,6% so với cùng kỳ), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động lại lên 116.900 doanh nghiệp (tăng 25,4% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ, tiếp sức theo nhiều hình thức khác nhau để tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng khó vay vốn nói trên vì một số yếu tố được các hiệp hội phản ánh như (a) quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay; (b) dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn; (c) ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, khi NHNN kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không còn room tín dụng để cho doanh nghiệp vay.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản - ban IV nhận định trong báo cáo gửi Thủ tướng và nêu lý do: 1/ không có tiền trả lương cho người lao động; 2/ không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm Covid vừa qua. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước.

“Do đó, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới room tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên. Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát”, ông Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Trưởng ban IV, nhận định.

Hiện nay, việc thiếu vốn lưu động do hậu quả của hơn hai năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu; cộng với chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao: tỷ giá đô la Mỹ/đồng VN đã tăng từ đầu năm và tăng mạnh thời gian gần đây do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Tỷ giá tăng làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng đồng đô la. Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine kéo dài làm tăng áp lực lên chi phí vận tải và logistics vốn đã tăng rất cao trong hơn hai năm dịch, kéo theo sự tăng giá của một loạt mặt hàng.

Doanh nghiệp còn phải đối diện với số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm: sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường. Ngoài ra, việc đồng Việt Nam mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như yen hay euro khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.

Như vậy, để giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, Ban IV đề xuất Chính phủ: (1) tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi; (2) đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40.000 tỉ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỉ đồng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.

Cơ quan này cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản; bên cạnh mục tiêu kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

1 BÌNH LUẬN

  1. Phương án tốt nhất là mở room cho các đối tượng được vay hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31 của chính phủ. Kể từ ngày nghị định có hiệu lực (20/5) đến nay, gần như hoạt động giải ngân của ngân hàng cho các đối tượng này bị giẫm chân tại chỗ. Với đà này, gói hỗ trợ 40 ngàn tỷ chắc chắn lập lại tình trạng “tiền treo, ngồi chờ”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới