(KTSG Online) – Nội dung này nằm trong một loạt đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), góp ý với Ngân hàng Nhà nước về chính sách cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
- Dự thảo sửa Thông tư 01 và 03 có đáp ứng kỳ vọng?
- NHNN muốn kéo dài thêm sáu tháng cơ cấu nợ vì dịch bệnh Covid-19
Hoãn trả nợ trong giai đoạn giãn cách
Hiệp hội Ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung mới cho dự thảo thông tư, là quy định hoãn trả nợ cho các khách hàng trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cho đến hết 15 ngày sau ngày công bố chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16 (trừ trường hợp khách hàng tự nguyện thực hiện trả nợ, tài khoản khách hàng có đủ số dư để thu nợ).
Theo ghi nhận, thực tế hiện có nhiều khách hàng ở trong vùng dịch, không thể đến các tổ chức tín dụng để nộp tiền trả nợ. Các ngân hàng đánh giá đây là trường hợp bất khả kháng.
Sau đó, các khoản nợ ở trên sẽ được giữ nguyên nhóm nợ khi khách hàng trả đầy đủ nợ gốc, lãi, hoặc được đồng ý gia hạn, cơ cấu nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16. Nếu không đủ điều kiện thì chuyển thành nợ quá hạn.
Theo đánh giá, hiện nay, các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng chiếm tới khoảng 70-80% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng, khiến cho số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18-5-2021 đến thời điểm dự thảo thông tư có hiệu lực là rất lớn.
Hiệp hội cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ thực trạng nguy cơ nợ xấu tăng đột biến, từ đó đề nghị ban hành một nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiệp hội cho rằng quan điểm xây dựng thông tư của cơ quan quản lý là thận trọng, an toàn hệ thống, không để các tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đây là lần thứ ba sửa đổi Thông tư 01 liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngân hàng bởi đại dịch Covid-19. Nếu theo những quy định mới về thời gian theo dự thảo thì không loại trừ khả năng sửa đổi lần thứ tư, vì dịch bệnh đã diễn biến phức tạp hơn rất nhiều lần so với kịch bản ban đầu.
Mở rộng phạm vi hỗ trợ
Theo hiệp hội đánh giá, Thông tư 03 ban hành tại thời điểm tháng 5 vừa qua đã không lường trước được tình hình dịch bùng phát trở lại, nên đối tượng khách hàng có khoản nợ phát sinh từ 10-6-2020 và quá hạn trước 17-5-2021 đã không được Thông tư 03 hỗ trợ.
Đến nay, dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 01 lại chỉ đề cập đến khoản nợ phát sinh từ 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 và quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến ngày thông tư có hiệu lực.
Như vậy, đối tượng khách hàng có khoản nợ phát sinh từ 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 và quá hạn trước ngày 17-5-2021, lại không được hỗ trợ trong giai đoạn bùng dịch lần thứ tư này.
Về góp ý cụ thể, VNBA cũng kiến nghị điều chỉnh quy định cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện theo phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022, sửa lại thành “đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19”, tức trở về như quy định cũ tại Thông tư 01 ban hành tháng 3-2020.
Hiệp hội cũng đề xuất thay đổi quy định thời hạn cơ cấu nợ "không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng cơ cấu lại hạn trả nợ hoặc từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu”, vì chưa phù hợp thực tế với các khoản vay trung, dài hạn.
Thay vào đó, các ngân hàng kiến nghị cho phép cơ cấu nợ "tối đa 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay". Lý do vì các nhà băng vẫn phải trích 100% dự phòng trong ba năm nên sẽ “không dám cơ cấu vốn trung dài hạn một cách vô tận”.
Các ngân hàng cũng cho rằng các quy định cụ thể về thời gian như dự thảo hiện chưa hợp lý vì tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể xác định thời gian kết thúc.
“Việc quy định thời gian phát sinh số dư nợ của khoản nợ như dự thảo khó có thể đảm bảo bao quát các diễn biến khó lường của dịch, dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 nhiều lần, gây chậm trễ, không kịp thời trong việc hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn”, hiệp hội đánh giá.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đề xuất đưa yếu tố “dòng tiền bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19” vào tiêu chí xác định hỗ trợ, thay vì yếu tố doanh thu đơn thuần.
Lý do các ngân hàng giải thích là một số ngành nghề có thể chưa ghi nhận doanh thu sụt giảm trên báo cáo tài chính, trong khi gặp khó khăn về dòng tiền để trả các khoản nợ đến hạn.
Hiệp hội cũng đề xuất cho phép cơ cấu nợ đối với dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì đây là hình thức cấp tín dụng phổ biến. Đồng thời, số lượng khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng thực tế cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.