(KTSG Online) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Tờ trình quyết định bãi bỏ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, quy định mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Trong đó, cơ quan này đề xuất thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng.
- Nhu cầu tăng đẩy giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long lên cao trong tuần qua
- Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua chuyển phát nhanh, nhằm tránh thất thu thuế, phù hợp thực tế, TTXVN đưa tin.
Bộ Tài chính cho biết, chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ được áp dụng theo Quyết định 78/2010 của Chính phủ, trong khi Luật thuế giá trị gia tăng không đề cập. Đây là quyết định được thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo.
Trước đây, hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới một triệu đồng khi gửi qua đường chuyển phát nhanh được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn quốc tế và đảm bảo công bằng trong thuế, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách này.
Để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới và đảm bảo công bằng trong cạnh tranh, nhiều quốc gia đã tiến hành điều chỉnh chính sách thuế. Điển hình như Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Singapore đã đồng loạt bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ.
Theo cơ quan quản lý, chính sách miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ được ban hành vào năm 2010 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh hệ thống hải quan còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, chính sách này đã không còn phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước hiện hành.
Tại Việt Nam, mỗi ngày có từ 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển qua các sàn thương mại điện tử. Việc bãi bỏ chính sách này sẽ góp phần bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước.
Theo thống kê, năm 2023, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua đường chuyển phát nhanh đã lên tới 27.700 tỉ đồng. Việc bãi bỏ chính sách miễn thuế VAT đối với loại hàng hóa này có thể mang lại nguồn thu khoảng 2.700 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.