Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất trái luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất trái luật

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

(TBKTSG) - Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng vừa đưa ra đề xuất về quy định người dân chỉ được sở hữu nhà chung cư có thời hạn, khi hết hạn buộc phải trả lại nhà. Dự kiến sẽ đề nghị đưa nội dung trên vào Luật Nhà ở (sửa đổi) vào năm 2012. Dù đây mới chỉ là một đề xuất và sẽ còn... xa lắm mới đi vào cuộc sống nhưng có thể khẳng định ngay đó là một đề xuất trái luật.

Trước hết, người dân khi đã mua nhà, bao gồm cả nhà chung cư, là đã có quyền sở hữu đối với căn nhà đó. Không một văn bản pháp luật nào quy định về quyền sở hữu có thời hạn. Điều 171 Luật Dân sự quy định các trường hợp chấm dứt quyền sở hữu, trong đó cũng không có quy định về hết thời hạn sở hữu.

Luật Nhà ở năm 2005 cũng quy định rất rõ ràng, đầy đủ về quyền sở hữu nhà ở của công dân; trong đó điều 4 quy định: “Công dân có quyền có chỗ ở thông qua việc tạo lập nhà ở hợp pháp hoặc thông qua việc thuê, mượn, ở nhờ nhà ở theo quy định của pháp luật. Người tạo lập nhà ở hợp pháp có quyền sở hữu đối với nhà ở đó”; còn điều 5 thì khẳng định: “1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu. 2. Nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng nhà ở thì Nhà nước bồi thường cho chủ sở hữu nhà ở theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán và tạo điều kiện để họ tạo lập nhà ở khác”.

Không chỉ trái các đạo luật cụ thể nêu trên, đề xuất của Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng còn trái cả Hiến pháp. Điều 58 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại điều 17 và điều 18. Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”.

Quy định trên cho thấy, không thể sử dụng bất kỳ một quyền lực hành chính nào để xóa bỏ trách nhiệm “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp” của công dân và cũng không thể tự nhiên xóa bỏ “quyền thừa kế của công dân”. Điều đó có nghĩa để thực hiện đề xuất này, cần sửa ít nhất hai đạo luật và cả Hiến pháp.

Lý do cơ bản mà một cơ quan của Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất nêu trên là các chung cư sau một thời gian sử dụng sẽ xuống cấp, cũ nát, gây mất an toàn, làm xấu bộ mặt đô thị nên cần được phá đi, làm lại. Song, để giải quyết khó khăn trong quản lý nhà chung cư mà phải sửa luật và Hiến pháp và đẩy khó khăn cho người dân thì cần nên xem xét lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới