Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất xây dựng cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dài gần 125 km, tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất xây dựng cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dài gần 125 km, tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỉ đồng

Trung Chánh

(KTSG Online) - Sau khi tổng hợp, đánh giá và so sánh bốn phương án hướng tuyến của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, tư vấn đề xuất chọn phương án hướng tuyến thứ 3. Đây là phương án có chiều dài tuyến ngắn nhất, gần 125 km với chi phí đầu tư thấp nhất, khoảng 49.383 tỉ đồng.

Đề xuất xây dựng cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dài gần 125 km, tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỉ đồng
Bốn phương án hướng tuyến cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, trong đó, phương án thứ ba được đề xuất chọn. Nguồn Ban quản lý dự án Mỹ Thuận. Ảnh chụp màn hình: Trung Chánh

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án) vừa có báo cáo nội dung nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ- Cà Mau.

Theo đó, dự án có 4 phướng án hướng tuyến được đưa ra để xem xét quyết, định lựa chọn. Trong đó, phương án hướng tuyến thứ 3 là phương án được tư vấn đề xuất lựa chọn để đầu tư dự án này.

Cụ thể, với phương án hướng tuyến thứ 3, điểm đầu dự án kết nối vào điểm cuối dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ. Sau đó, tuyến đi trùng với quốc lộ 1 khoảng 0,7 km và rẻ phải đi vào vị trí cầu Cần Thơ 2 (hình thành trong tương lai) rồi đi song song phía bên trái cầu đường sắt TPHCM- Cần Thơ (tương lai).

Tiếp sau đó, tuyến đi trên cao theo hướng trục đường 1A đến vị trí ga Cái Răng, tuyến đi trên mặt đất giao với tuyến đường nối quốc lộ 91- Nam Sông Hậu tại km15+350. Tuyến tiếp tục đi theo hướng về TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) (song song và cách tuyến đường Quản Lộ- Phụng Hiệp khoảng 15 km về phía Bắc và cách TP Vị Thanh khoảng 10 km) giao với quốc lộ 1 tại vị trí khoảng km 2088+200 (IC3).

Sau đó, tuyến đi tiếp giao với cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng sẽ hình thành trong tương lại tại km33+200. Tuyến đi tiếp, giao với quốc lộ 61 (IC5), quốc lộ 61B (IC6), giao với cao tốc Hà Tiên- Rạch Giá- Bạc Liêu (quy hoạch) ở Hậu Giang.

Sau đó, tuyến đi thẳng đến điểm giao với ĐT 978 ở Bạc Liêu, tuyến đi qua địa phận huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), tuyến giao với quốc lộ 63 và đi thẳng về Cà Mau tại điểm giao đường vành đai thành phố Cà Mau (quy hoạch) và đường Xuyên Á.

Với phương án hướng tuyến nêu trên, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ- Cà Mau có chiều dài 124,8 km, tổng vốn đầu tư là 49.383 tỉ đồng. Với phương án hướng tuyến này, dự án có 12 nút giao, 104 cầu và nhu cầu giải phóng mặt bằng là 666 héc ta.

Sau khi phân tích khoảng cách từ những tuyến đến các trung tâm kinh tế- xã hội trong khu vực, tư vấn cho rằng, phương án ba (phương án đề xuất chọn-PV) có ưu thế kết nối Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Rạch Giá; giúp tạo động lực phát triển mới cho Hậu Giang, phía Tây của tỉnh Bạc Liêu, khu vực Gò Quao, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang.

Báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, cầu Cần Thơ hiện hữu dự kiến mãn tải vào năm 2025, cho nên, cầu Cần Thơ 2 kiến nghị đầu tư sau năm 2025. Do đó, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ- Cà Mau được chia làm hai dự án thành phần.

Theo đó, dự án thành phần 1 (đoạn Vĩnh Long- Cần Thơ) có chiều dài 15,35 km, kết nối từ nút giao Chà Và (tỉnh Vĩnh Long), cầu Cần Thơ hiện hữu và đường dẫn vào cầu đến km15+350 (giao tuyến đường nối quốc lộ 91- Nam Sông Hậu) với tổng mức đầu tư là 12.595 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay) cho giai đoạn hoàn thiện.

Dự án thành phần 2 (đoạn Cần Thơ- Cà Mau), từ km15+350 (tức điểm cuối dự án thành phần 1) đến cuối tuyến tại km124+800 (giao với đường Vành Đai TP Cà Mau theo quy hoạch) có chiều dài 109,5 km với tổng mức đầu tư 27.254 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Dự án thành phần 2 này sẽ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho thấy, giai đoạn hoàn thiện, dự án có 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với mặt cắt ngang 24,75 mét, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, trong đó, ở giai đoạn 1, có 4 làn xe cao tốc hạn chế với chiều rộng mặt cắt ngang 17 mét, vận tốc thiết kế ở giai đoạn này là 80 km/giờ.

Nguồn vốn đầu tư của dự án, do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án và thu hồi vốn thông qua thu phí, trong khi đó, nhà nước sẽ hỗ trợ bằng tiền 50%. Hình thức đầu tư theo hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới