Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất xây dựng đề án để xử lý dự án treo

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất xây dựng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” để trình Chính phủ phê duyệt. Việc xây dựng đề án này nhằm xử lý các dự án treo gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Một dự án treo tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Cụ thể đề án sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc đưa vào khai thác, sử dụng đối với diện tích đất của các dự án không triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí; quỹ đất của các nông, lâm trường không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả; quỹ đất chưa sử dụng; đất đã giao, cho thuê có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... trên phạm vi cả nước nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thông tin trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong phản hồi khi cử tri tỉnh Thái Bình phản ánh thực trạng các dự án “treo”, khiến cho nhiều diện tích đất bị bỏ hang nhiều năm, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất đai nhằm giải quyết căn cơ tình trạng này.

Ngoài cho biết thông tin về đề án trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong thời gian qua, Bộ này đã tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý tình trạng dự án treo. Một trong các giải pháp quan trọng mà Bộ thực hiện là chủ động đề xuất xây dựng những quy định mang tính quy phạm để trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm xử lý triệt để vấn đề quy hoạch treo, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quyền lợi của người sử dụng đất có đất thu hồi. Cụ thể: Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 đã quy định việc thực hiện hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo đó, khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi. Hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Bên cạnh đó, tại điểm h và điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về các trường hợp thu hồi đất trong các trường hợp sau: đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục...

Đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng (so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa) phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2018 Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; để khắc phục tình trạng các dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội.

Trên cơ sở đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 1171/BTNMT- TCQLĐĐ ngày 3-3-2018 yêu cầu tác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng. Tính đến hết năm 2020, đã có 60/63 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cần mở rộng diện xử lý. Không chỉ dự án “treo” mà cả những dự án “bêu”. Nghĩa là các dự án có dính líu đến vi phạm pháp luật, tòa đã xử, người đã đi tù, nhưng tài sản của dân của nước vẫn mãi phơi sương phơi nắng nghìn thu, dễ dẫn đến bêu xấu uy tín của những người tiếp quản vì họ sẽ bị mang tiếng là sợ trách nhiệm ? Nếu làm dứt điểm được điều này thì dư luận sẽ hoan nghênh vô cùng !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới