Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát biển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát biển

Quang Chung

Đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát biển
Cảnh sát biển Việt Nam (Nguồn: internet)

(TBKTSG Online) – Bộ Quốc phòng vừa trình Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát biển, nhằm tăng cường hiệu lực bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.

Nâng pháp lệnh lên thành luật

Theo Tờ trình của Bộ quốc phòng, sau 18 năm hình thành và phát triển, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã mở rộng về quy mô, tổ chức, biên chế, dẫn đến một số quy định trong Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam không còn phù hợp, cần sửa đổi, nâng cấp.

Thực tế, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (1998, 2008) có quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển, nhưng chưa xác định rõ chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển. Và, nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng – an ninh trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng chưa được pháp luật hiện hành xác nhận.

Trong khi, hiện nay, tình hình an ninh chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trong vùng biển Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp. Cho nên, Bộ Quốc phòng mong muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý biển để tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển.

Theo đó, Bộ Quốc phòng đề xuất: sớm nâng cấp Pháp lệnh lực lương Cảnh sát biển Việt Nam lên thành Luật Cảnh sát biển – để góp phần “xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển”.

Tờ trình về đề xuất dự án Luật Cảnh sát biển khẳng định luật này sẽ là cơ sở pháp lý để nâng cao năng lực, hoàn thiện tổ chức và thẩm quyền pháp lý cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện việc tăng cường hiệu lực bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan trong vùng biển Việt Nam.

Luật hóa một số quy định pháp luật có liên quan

Theo Bộ Quốc phòng, dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ kế thừa các quy định của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện hành, luật hóa một số quy định pháp luật có liên quan và các quan hệ phát sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh.

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.

Lực lượng Cảnh sát biển có các nhóm nhiệm vụ gồm: Đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật; tuần tra, kiểm soát; thu thập, tiếp nhận thông tin; xử lý vi phạm hành chính; điều tra tội phạm; hợp tác quốc tế; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… 

Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ lực lượng Cảnh sát biển có quyền trưng dụng tài sản, quyền huy động người, phương tiện, quyền nổ súng, quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, quyền nổ súng, quyền truy đuổi theo quy định của luật.

Luật này cũng quy định về tổ chức lực lượng Cảnh sát biển; phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển; các trường hợp, điều kiện áp dụng thẩm quyền cũng như những bảo đảm để thực hiện các quyền của Cảnh sát biển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và phù hợp với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Dự kiến, kinh phí phục vụ hoạt động của Cảnh sát biển được ghi riêng một mục trong tổng kinh phí của Bộ Quốc phòng. Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Luật cũng quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phù hợp với tính chất nhiệm vụ, phạm vi địa bàn hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam như: chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo; Phụ cấp trách nhiệm theo nghề đặc thù của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; Phụ cấp đi biển; quy định việc ưu tiên tuyển dụng cán bộ vào phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển; việc khen thưởng và xử lý vi phạm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới