(KTSG Online) – Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề xuất theo dõi, đánh giá chặt chẽ người đứng đầu các địa phương khi triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân làm trái quy định.
Đề xuất này được ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội - nêu vấn đề tại tọa đàm “Nghị quyết 128, hướng tới bình thường mới” diễn ra sáng 18-10.
Ông Nhưỡng cho biết đã trực tiếp tới các chốt liên tỉnh và có ý kiến gửi Thủ tướng với quan điểm các chốt này "không có giá trị về mặt dịch tễ”, về mặt giao thông vận tải thì “càng tệ". Điều này, theo ông Nhưỡng, dẫn tới câu chuyện mà Chủ tịch nước, Thủ tướng đề cập là không được cát cứ.
Tương tự, Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam - cho biết sự lưu thông trên đường không gây ra dịch bệnh dựa trên các cơ sở khoa học.
Theo ông Trí, những chốt chặn ở thành phố khiến mọi người ách tắc tại một điểm đã gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh và nhiều bất lợi khác.
“Chính thái độ, hành vi của người tham gia giao thông và cách tổ chức giao thông mới gây ra dịch bệnh. Điển hình là ở Cần Thơ, một chỗ mà tập trung mấy nghìn chiếc xe, sự lây lan là kinh khủng”, ông Trí nói.
Còn ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho rằng việc các địa phương đặt ra biện pháp kiểm soát khác nhau với hoạt động đi lại của người dân, doanh nghiệp là điểm nghẽn được quan tâm nhất hiện nay.
Cụ thể, các chốt kiểm dịch ở địa phương triển khai thực hiện mỗi nơi một kiểu gây bức xúc rất lớn, dù ngành y tế đã có quy định rõ ràng. Ông Thọ dẫn chứng, một chốt kiểm soát dừng mỗi xe 5 phút trên đường để kiểm tra khiến hàng loạt xe phía sau phải dừng lại chờ đợi hàng giờ, với chiều dài hàng ki-lô-mét.
Ngoài ra, các chốt kiểm dịch được lập ra để kiểm soát dịch tễ với người điều khiển phương tiện, chứ không phải kiểm tra phương tiện, nhưng vẫn có nơi nhầm lẫn.
Bên cạnh đó, có địa phương chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm của tài xế trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ, dù ngành y tế đã quy định giấy xét nghiệm cho tài xế có giá trị 72 giờ.
Những vấn đề này, theo ông Thọ, là bất cập phải giải quyết khi Việt Nam lựa chọn chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Để Việt Nam sớm thích ứng an toàn với Covid-19, các chuyên gia và đại diện các bộ, ngành cho rằng các địa phương cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp chống dịch, nhưng không trái với quy định của trung ương và gây ách tắc giao thông, cản trở việc đi lại của người dân.
Về hoạt động phòng chống dịch, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế - kiến nghị các địa phương tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế khi thực hiện giám sát y tế với người đến từ địa phương khác và người nhập cảnh. Theo đó, không xét nghiệm với việc đi lại của người dân.
“Người dân chỉ được xét nghiệm khi đến từ địa bàn cấp 4 hoặc khu phong tỏa. Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ”, ông Tuyên cho biết.
Cũng theo ông Tuyên, các địa phương cần chủ động phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng hẹp nhất có thể với quy mô chỉ một vài hộ gia đình. Đồng thời, hạn chế phong tỏa kéo dài trên diện rộng.
Với các trường hợp F1, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng có thể áp dụng biện pháp cách ly tại nhà, thay vì bắt buộc cách ly tập trung như trước.
Ông Nguyễn Anh Trí cho rằng cần yêu cầu người dân tiếp tục tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế và phổ biến ứng dụng PC-Covid để mở rộng diện kiểm soát. Ngoài ra, cần ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lao động làm việc trong lĩnh vực vận tải – giao nhận hàng hoá, học sinh, sinh viên để các em có thể đi học bình thường.
Với vấn đề xét nghiệm, vị chuyên gia này cho rằng luôn phải duy trì được hoạt động này, nhưng cần xét nghiệm đúng và trúng để tránh bỏ sót trường hợp F0 trong cộng đồng. Theo ông, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo phải xét nghiệm. Nhưng phải rút kinh nghiệm là xét nghiệm có trọng điểm, hợp lý, hiệu quả.
Về vấn đề lưu thông hàng hoá, vận tải, ông Lê Đình Thọ đề nghị các tỉnh, thành sớm công khai cấp độ thích ứng an toàn.
"Không chỉ đánh giá ở cấp tỉnh, mà cả cấp huyện, xã, thôn, xóm, qua đó người dân biết được việc đi lại, xét nghiệm, cách ly sẽ như thế nào khi đối chiếu quy định", ông Thọ nói.
Yêu cầu của ông Thọ được đưa ra trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành chưa công bố cấp độ nguy cơ và các biện pháp phòng chống dịch tương ứng, dù quy định về thích ứng an toàn Covid-19 với 4 cấp độ nguy cơ đã được Chính phủ ban hành ngày 11-10.
Ông Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị các địa phương không được đưa ra quy định phòng, chống dịch vượt mức cần thiết để ngăn chặn việc các địa phương cát cứ, áp dụng quy định mỗi nơi một kiểu. Với địa phương làm trái quy định, hoặc ban hành các quy định vượt khung nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, ông đề nghị cần xem xét tiến hành các hình thức kỷ luật như đình chỉ chức vụ của lãnh đạo không tuân thủ.
"Trong việc triển khai thực hiện nghị quyết này cần phải theo dõi, đánh giá chặt chẽ người đứng đầu các địa phương, trong trường hợp nào thì phải đánh giá, báo cáo để xử lý, kỷ luật", ông Nhưỡng nói.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về kết quả bước đầu của công tác phòng, chống dịch sáng 17-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của trung ương trong phòng, chống dịch. Nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.
Thủ tướng phải mạnh tay kỷ luật một vài người đứng đầu làm trái nghị quyết của Chính phủ.
Kỷ luật để thay đổi tình hình theo hướng tốt hơn thì cũng nên làm. Nhưng với đặc thù cơ chế hiện nay, kỷ luật không phải là giải pháp hiệu quả, mà cần nhìn vào nguyên nhân cốt lõi của tình hình để có hướng giải quyết thấu đáo hơn. Khi cấp trên chưa làm tròn vai trò của mình thì cấp dưới lúng túng, bị động, kể cả thất bại là chuyện đương nhiên. Chưa kể cấp dưới hầu như phải gánh chịu mọi trách nhiệm và rủi ro, trong khi cấp trên gần như không có gì phải lo, phải sợ. Một cơ chế đúng đắn là ở đó người chịu trách nhiệm cao nhất vẫn là cấp trên chứ không phải cấp dưới.
Định nghĩa của dân gian: A. Cấp trên: Làm được việc. Cấp dưới: Được làm việc. B. Cấp trên: Nhìn xa trông rộng. Cấp dưới: Tay làm hàm nhai. C. Cấp trên: Nói được làm được. Cấp dưới: Nói ít làm nhiều. D. Cấp trên: Tận hưởng. Cấp dưới: Thụ hưởng.