Đêm của âm nhạc không biên giới
Thu Nguyệt-Minh Tâm
![]() |
Sự kết hợp giữa đàn tỳ bà phương Đông và đàn cello phương Tây trong đêm hòa nhạc. Ảnh Lê Toàn |
(TBKTSG Online) - Các thính giả đã chứng kiến một ví dụ cho "âm nhạc không biên giới" trước sự kết hợp giữa giai điệu Đông và Tây trong đêm nhạc mang tên “Hoà điệu niềm tin” do Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 10.1 tại Nhà hát thành phố (TPHCM) như món quà cho bạn đọc nhân kỷ niệm 19 năm sinh nhật của mình.
>> Giai điệu Đông-Tây trong đêm hòa nhạc Saigon Times
Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ có tên tuổi, như danh cầm tỳ bà Tu Shan Xiang (Đồ Thiện Tường), nghệ sĩ piano Lee Mari, nghệ sĩ cello Matsuzaki Ariko, nghệ sĩ đàn T’rưng Ngô Tuyết Mai,…. Các tác phẩm được biểu diễn đều do các nhạc sĩ nổi tiếng của nước ngoài và Việt Nam sáng tác, như Kitaro của Nhật Bản hay Nguyễn Văn Thương của Việt Nam. Trong đó cũng có các tác phẩm do chính Tu Shan Xiang sáng tác.
Nghệ sĩ Shan Xiang giới thiệu đây là buổi biểu diễn cho thấy âm nhạc là có không biên giới với sự kết hợp giữa các nghệ sĩ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Và, ông đã chứng minh được lời nói của mình.
“Tôi chưa bao giờ thấy sự kết hợp nào như thế này, giữa Tây và Đông. Tôi thích nhất là tiết mục kết hợp giữa tiếng đàn T’rưng của Việt Nam và các nhạc cụ của phương Tây, như violin. Nó kết hợp rất nhuần nhuyễn âm thanh mạnh mẽ của nhạc cụ phương Tây và tiếng réo rắt của tiếng đàn T’rưng. Tôi nghĩ hiện không có nhiều sự kết hợp độc đáo như thế. Thật sự rất tuyệt, hơn cả mong đợi ban đầu của tôi”, anh Christopher Foulkes, một sinh viên người New Zealand đang đi nghỉ ở Việt Nam, cho biết.
“Bản “Con đường tơ lụa” của Kitaro không xa lạ gì với tụi em. Nhưng với sự kết hợp giữa tỳ bà, piano và cello, em ngỡ như lần đầu tiên mình được nghe tác phẩm dường như quá quen này. Sự tinh khiết, bay bổng của tỳ bà đã thổi được chất phương Đông vào tác phẩm”, Huỳnh Phương nhân viên công ty truyền thông Lemedia cho biết.
“Ngẹt thở”, “sởn gai óc” là những từ một số thính giả khác dùng để tán thưởng cho buổi biểu diễn, trong khi trước đó, một vài người trong số họ cho biết họ khá nghi ngờ về sự thành công của kết hợp này và sự tò mò đã khiến họ đến với chương trình.
Giáo sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu về âm nhạc truyền thống: "Trước đây người ta cho rằng Đông và Tây không bao giờ gặp nhau, nhưng hôm nay họ đã gặp nhau, kết hợp với nhau rất nhuần nhuyễn, gặp nhau để bổ sung như nhau. Có lúc tiếng đờn nhẹ nhàng như văn khúc, chẳng những có truyền mà còn có nhấn, như là vũ khúc. Trong truyền thống Trung Quốc không bao giờ cho tiếng nói cất lên cùng lúc với tiếng đờn, mà chỉ trong tỳ bà Nhật Bổn mới có điều này. Theo truyền thống Nhật Bổn thì tiếng nói pha vào tiếng đờn được nhấn về bề sâu, nhưng ở đây nó lại uyển chuyển về nét nhạc, có những lúc rung lúc nhấn, nó rất vô cùng, nhưng lại lạ và rất thú vị. Sự phối hợp của cả dàn nhạc cũng lạ, nó không phải là concerto của phương Tây. Đây là hướng đi ra xa các truyền thống một chút để gặp gỡ những cái gì mới lạ nhưng vẫn giữ được truyền thống của dân tộc, không bị lai tạp. Việt Nam ra Việt Nam, Trung Quốc ra Trung Quốc. Các bản sắc âm nhạc của mỗi dân tộc vẫn được giữ nguyên từ cấu trúc, ngũ âm, nét nhạc. Tôi mong Việt Nam cũng có những người nghệ sĩ có sự kết hợp như thế để tạo ra sự phát triển cho âm nhạc nhưng lại không làm mất đi truyền thống và bản sắc của dân tộc. Sự thành công của buổi biểu diễn là không làm người nghe sao nhãng, tạo cảm giác khôn nguôi. Tôi thực sự rất xúc động. Cả buổi tối giờ tôi ngồi nghe rất say sưa. Thực sự tôi chưa từng thấy sự kết hợp đó bao giờ. Còn nghệ sĩ Shan Xiang thì quá tuyệt vời. Người ta nói “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại” - hành động bên ngoài biểu thị rõ tư tưởng trong lòng, điều này tôi thấy rất đúng với Shan Xiang. Khi tiếng nhạc êm đềm thì mặt ông im dìm, nhưng lại bừng tỉnh khi tiếng nhạc vang lên, tiết tấu mạnh lên. Tôi có cảm giác ông biểu diễn như bằng cả thân thể, bằng cả trái tim. Ai cũng biết Nguyễn Văn Thương là tác giả của Đêm đông, nhưng hôm nay mới thấy được hết sự am hiểu của Nguyễn Văn Thương về âm nhạc. Nó cho thấy ông chẳng những hiểu biết được âm nhạc Việt Nam mà còn nắm được tinh thần của Tây nguyên. (PV – đây là nhận xét của giáo sư về tác phẩm “Trở về đất mẹ” và “Bản Rhapsody số 2” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, được biểu diễn trong buổi hoà nhạc, kết hợp giữa đàn T’rưng và các nhạc cụ phương Tây)". |