Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đến Hội An nghe hô bài chòi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến Hội An nghe hô bài chòi

Trương Chi

Biểu diễn bài chòi ở Quảng Nam. Ảnh: Hải Sơn

(TBKTSG Online) – Bài chòi là một thú giải trí đậm nét văn hóa của người dân xứ Quảng và cả vùng duyên hải miền Trung nói chung. Riêng ở Quảng Nam, thật khó hình dung một ngày xuân ở vùng quê mà thiếu vắng hội bài chòi.

Tại góc đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng của phố cổ Hội An có một khuôn viên nhỏ được dành cho trò chơi bài chòi diễn ra đều đặn vào đêm 14 âm lịch hàng tháng. Đầu tiên, bài chòi chỉ là một trong hàng chục hoạt động do Trung tâm Văn hoá Thể thao thị xã Hội An tổ chức để tái hiện không gian đêm rằm phố cổ, với mục đích thu hút và giữ chân du khách lưu lại Hội An.

Lúc ấy, nhiều người nghĩ “chắc cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng là cùng…”. Thế nhưng đã hơn ba năm kể từ đêm rằm phố cổ đầu tiên, hội bài chòi vẫn hấp dẫn người dân tham gia.

Rủ nhau đi đánh bài chòi…

Bà Bảy Phiên, năm nay khoảng 80 tuổi, khi được hỏi về thú chơi bài chòi, đã mượn hai câu vè “Rủ nhau đi đánh bài chòi; ở nhà con khóc đến lòi rún ra…” để nói về nỗi đam mê của mình. Theo lời bà Bảy, từ lúc 8 tuổi bà đã chơi bài chòi. Hồi ấy hội bài chòi thường được tổ chức vào những ngày tết Nguyên Đán. Vào đêm 30 tết, ông trưởng làng sẽ cúng thổ địa, thành hoàng và khai hội bài chòi “tất niên”, mở đầu những ngày vui xuân của xóm làng.

Khuôn viên của hội bài chòi gồm 9 chòi tre, mỗi chòi có từ 5-6 người chơi; 1 chòi cái để ống tre đựng quân bài, cờ hiệu và 1 chòi trung tâm cho ban nhạc gồm đờn cò và trống. Bộ bài sử dụng để chơi bài chòi gọi là bài trùng, có 27 cặp với những tên gọi dân dã, dễ nhớ như Nhất trò, Nhì nghèo, Ba gà, Tam quăng, Tứ cẳng … Quân bài được in bằng giấy bìa, dán lên thẻ tre. Bộ bài được chia làm 2 phần, một nửa chia cho người chơi, một nửa đặt ở chòi cái. Người chạy hiệu sẽ bán 8 cây cờ ngân cho các chòi và giữ lại một cây làm tiền xâu cho ban tổ chức.

Mở đầu cuộc chơi, anh hiệu sẽ hô to lời thai. Anh rút ngẫu nhiên một quân bài trong ống tre và ngâm nga một đoạn vè – gọi là hô thai – sao cho cuối đoạn vè lời ngâm sẽ “ứng” với quân bài anh rút được. Con bài người chơi nào trùng với con bài rút ra từ ống tre của chòi cái thì người ấy “tới” và được phát một cây cờ. Người chơi nào có tất cả các quân bài đều “tới” sớm nhất thì được thưởng. Cuộc chơi tiếp tục cho đến khi anh hiệu hô hết các quân bài.

Hội bài chòi là một sân chơi ngoài trời bình dân, người chơi chính là khán giả đến để thưởng thức không khí sôi nổi và nghe anh hiệu hô thai. Gọi là chơi bài, nhưng trong bài chòi tuyệt nhiên không có những con bạc cay cú, vung vẩy tiền bạc.

Gìn giữ thú quê

Nhiều người cho rằng, chính quyền Hội An đã thành công trong việc tái hiện và duy trì trò chơi dân gian này, phục dựng một sinh hoạt cộng đồng rất thích hợp với không gian phố cổ ở Hội An. Hiện thời, trò chơi bài chòi không chỉ thu hút người dân địa phương mà rất nhiều du khách bốn phương tham gia khi có dịp đến Hội An trong đêm rằm phố cổ. Hàng trăm du khách, đủ các quốc tịch, không trực tiếp vào chòi chơi bài thì đứng ngồi chung quanh khuôn viên để nghe hô thai và hòa vào không khí vui nhộn, đầm ấm của cuộc chơi.

Điạ điểm hát bài chòi trên đường Bạch Đằng bây giờ cũng là điểm hô bài chòi của cư dân phố cổ trước đây, vốn là một bến củi bên sông Hoài, nơi ngày xưa ghe thuyền chở củi từ thượng nguồn sông Thu Bồn-Vu Gia về đậu để bán cho cư dân phố thị. Từ đó đến nay, qua bao thăng trầm của thời gian, của dòng đời mà tiếng hô bài chòi dường như vẫn không thay đổi. Có người còn nhận xét rằng, thú vui bài chòi đã ăn vào máu thịt của người phố Hội; từ cụ già, trẻ con đến thanh thiếu niên đều thuộc nằm lòng một vài điệu hô thai.

Nói đến bài chòi ở Hội An và cả Quảng Nam nữa, không ai không biết đến anh Lương Đáng. Khoảng 40 năm trước, cậu bé Lương Đáng hàng đêm theo mẹ đi bộ hơn mười cây số từ làng Cẩm Hà xuống bến củi ở phố Hội An chơi bài chòi. Trong ký ức của anh, hồi ấy mỗi chòi chơi có một cái mõ, khi anh hiệu hô trúng vào con bài của chòi nào thì chòi ấy đánh mõ lên báo. Những năm chiến tranh, chòi được thay bằng ghế cho gọn nhẹ, dễ cơ động nên trò chơi bài chòi lại được gọi là chơi bài ghế. Từ những tháng ngày xách ghế đi chơi ấy, đã bài chòi trở thành một thứ đam mê, thành máu thịt của cậu bé thuở ấy nay là anh Lương Đáng – một anh hiệu có tiếng hát hay, dí dỏm nhất ở Hội An và cả các vùng phụ cận.

Theo anh Đáng thì ở dọc dải đất miền Trung này, vùng nào cũng có môn chơi bài chòi nhưng cách thức mỗi vùng mỗi khác. Anh từng cất công ra Huế, vào Bình Định, Phú Yên… để truy tìm nơi “chôn nhau cắt rốn” của trò chơi dân gian này và theo anh, ở đâu người dân địa phương cũng đưa ra những lý lẽ chứng minh rằng môn bài chòi đã xuất hiện đầu tiên tại địa phương mình.

Thế nhưng ngày nay, chỉ ở Quảng Nam, bài chòi mới thật sự hồi sinh mạnh mẽ. Nó bén rễ vào từng làng quê xóm chợ và cả ở thành thị náo nhiệt. Phải chăng cái giọng quê đặc, nặng trịch của người Quảng Nam là yếu tố làm cho điệu hô bài chòi thêm mặn mà và quyến rũ người chơi?!

Theo những người Hội An mê bài chòi thì anh Đáng là anh hiệu giỏi, có duyên nhất hiện nay. Không chỉ riêng người Hội An mà ngay cả những anh hiệu ở Phan Thiết, Nha Trang, Quảng Ngãi… cũng đã lặn lội đến Hội An để “học tập” và trao đổi kinh nghiệm với anh.

“Ban đầu, tôi chỉ hát theo những điệu hô có sẵn từ xưa, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại chừng ấy thì không kéo được người chơi. Thế là phải lặn lội đi về những vùng quê xứ Quảng, tìm những cụ cao niên để hỏi, ghi chép lại những điệu hô bài chòi cổ, rồi dựa vào đấy mà sáng tạo ra những lời hô vừa dân dã, vừa hiện đại. Mong muốn của tôi là làm sao đừng để bài chòi bị mai một”, anh Đáng tâm sự.

Và bây giờ cứ mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng, khi vầng trăng tròn vằng vặc tỏa sáng trên sông Hoài, anh Đáng lại cất tiếng hô thai, đem niềm vui đến cho cư dân phố cổ và cả du khách gần xa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới