Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đen là màu xanh mới!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đen là màu xanh mới!

Nguyễn Phán

Đen là màu xanh mới!(KTSG) - Những gì mà tác giả bài viết muốn nói ở đây là: chúng ta không thể bàn đến dầu mà không bàn tới tính chính trị đằng sau nó. “Dầu là loại khoáng sản quá quý giá mà các nước Ảrập không nên chạm vào” - Henry A. Kissinger-

Hình 1. Biếm họa về John D. Rockefeller. (Nguồn: Puck Magazine)

“Đó là ngày quyết định cả sự nghiệp của tôi”. Đúng như thế. Năm 1865, khi Rockerfeller bỏ ra 72.500 đô la (tương đương 1 triệu đô la tính vào năm 2000) để mua lại công ty của anh em nhà Clark và lập ra Rockefeller & Andrews, ông đã đặt nền móng cho đế chế dầu mỏ của mình vào cuối thế kỷ 19.

Bằng các hình thức kinh doanh mạnh tay tới mức khốc liệt, John D. Rockefeller đưa Công ty Standard Oil (hậu thân của Rockefeller & Andrews) lên đỉnh vinh quang.

Nhưng không hoàng đế nào giữ được ngai vàng mãi mãi. Năm 1911, Tòa án tối cao của Mỹ tuyên bố Standard Oil vi phạm luật độc quyền và bắt Rockefeller chia nhỏ công ty của mình ra thành 34 công ty mới.

Trong đó, có những công ty là tiền thân của các công ty dầu mỏ lớn ở Mỹ hiện nay như CoconoPhillips, BP, Chevron, ExxonMobil, và Mobil.

Với Rockefeller, sự kiện này không hề làm cho gia tài của ông thuyên giảm, mà ngược lại thậm chí còn làm ông giàu hơn bao giờ hết. Nhưng cái ông để lại, ngoài tài sản của mình, còn là một xã hội với định hướng về công nghệ và chính trị hoàn toàn khác.

John D. Rockefeller, cùng với những tài phiệt đương thời, góp phần vào xây dựng nền móng đế chế cường quốc Mỹ vào thế kỷ 20.

Đặc biệt, nước Mỹ gần như bị ám ảnh với dầu khi những sự kiện mang tính bước ngoặt thường liên quan tới “vàng đen” này.

Những sự kiện nổi bật như Ảrập Saudi cấm vận dầu năm 1973, hay cuộc chiến ở Iraq năm 2003 kéo theo chuỗi tăng giá dầu lên tới kỷ lục nếu tính theo lạm phát (hình 2).

Trong lúc cả thế giới quay cuồng với vật giá, thì những sự kiện chính trị cũng xảy ra song song khiến nhiều luồng dư luận tiếp tục bàn về những vấn đề này qua nhiều lăng kính khác nhau đến tận bây giờ.

Những gì mà tác giả bài viết muốn nói ở đây là: chúng ta không thể bàn đến dầu mà không bàn tới tính chính trị đằng sau nó. Nhưng đó là gì?

Trong vòng một năm, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Vào lúc dịch Covid-19 ép các nền kinh tế phải đóng cửa, giá dầu có lúc rớt xuống âm - đồng nghĩa với việc người bán dầu phải trả tiền cho người mua để giữ dầu hộ mình. Khi tín hiệu vaccin nâng niềm tin vào độ mở nền kinh tế sau dịch, dầu bắt đầu tăng giá từ từ và sàn giao dịch tương lai cho rằng giá dầu năm 2030 có thể nằm ở mức 52 đô la vào tháng 9 hoặc 46 đô la vào tháng 12. Nhưng đường giá hiện tại dự báo rằng giá dầu trong vòng một năm cao hơn hẳn giá dầu năm 2030 (hình 3).

Đây là tín hiệu thị trường cho rằng giá dầu đang gặp khó khăn về nguồn cung trong ngắn hạn.

Để thấy tại sao, chúng ta sẽ nhìn vào báo cáo Net Zero by 2050 của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA). Trong báo cáo này, IEA đưa ra kế hoạch để hiện thực hóa năng lượng sạch bằng cách chuyển từ dầu và than sang năng lượng như mặt trời và gió (hình 4). Không có gì mới, cho tới khi chúng ta nhìn kỹ vào kế hoạch từng năm của IEA.

Hãy khoan nói về ô đóng khung màu đỏ ở hình trên và làm một thí nghiệm tư tưởng nho nhỏ. Hãy tưởng tượng trà sữa với trân châu, với nguồn cung trân châu bị cắt xuống gần bằng 0. Nếu điều đó xảy ra, thì hẳn những tiệm trà sữa sẽ có một ngày bán chạy chưa từng có, với các bạn trẻ có thói quen uống trà sữa trân châu gần như không đổi.

Nếu nguồn cung tiếp tục không tăng và nếu nhu cầu gần như không đổi, thì một phương trình cung cầu đơn giản sẽ cho chúng ta thấy giá trân châu phải tăng nếu thị trường muốn tự chỉnh.

Thí nghiệm vui này có thể giúp chúng ta liên hệ tới giá dầu khi ô màu đỏ ghi rằng IEA muốn: (tạm dịch) không một mỏ dầu hoặc khí đốt nào được cấp phép để khai thác; không một mỏ than nào được mở.

Khi IEA nghĩ cách tốt nhất để chống lại thay đổi khí hậu là phải cắt mạnh tay nguồn cung dầu, thì kết cục của chuyện này sẽ y chang ví dụ trà sữa trân châu.

Nhưng trước khi đi đến vấn đề năng lượng sạch là giải pháp, chúng ta hãy bàn tới tình trạng hiện tại của dầu. Với nền kinh tế hiện tại, thì những sản phẩm từ dầu hầu như có mặt ở mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta.

Khi các nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản là những nước tiêu thụ dầu lớn thế giới, thì khả năng những nước này sẵn sàng giảm nhu cầu sử dụng dầu của mình gần như là không thể. Với tốc độ tăng trưởng công nghiệp của mình, các quốc gia kinh tế phát triển thường chú trọng hiệu suất hơn là thiệt hại về môi trường.

Trong nghiên cứu của Mark P. Mills, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Học viện Manhattan và là giảng viên của trường Kỹ thuật và Công nghệ ứng dụng McCormick trực thuộc Đại học Northwestern, thì phải cần tới 100 thùng dầu để có thể sản xuất ra đủ một lượng pin mặt trời để có thể chứa một nguồn năng lượng bằng với... một thùng dầu.

Tiêu đề của bài nghiên cứu này cũng không thể châm biếm hơn: “The ‘New Energy Economy”: an Excercise in Magical Thinking” (tạm dịch: “Nền kinh tế “sạch” mới: một cách suy nghĩ hoang tưởng). Đây sẽ còn là vấn đề gây tranh cãi, và kết cục của nó ra sao thì phải để tương lai trả lời.

Tập trung vào hiện tại, thì sau năm 2020, các công ty dầu gần như cắt rất nhiều kinh phí khai thác dầu (hình 5) do ngành công nghiệp này chủ yếu hoạt động dựa trên nợ. Với giá dầu xuống thấp vào năm ngoái, các công ty đã buộc phải ưu tiên việc trả tiền lãi suất và cắt các chi phí còn lại.

Cùng lúc đó, số lượng giàn khoan dầu giảm mạnh ở Mỹ và không có dấu hiệu sẽ phục hồi hoàn toàn, khi định hướng của Nhà Trắng là phải nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng sạch để bảo vệ môi trường.

Gần đây nhất, định hướng năng lượng sạch đã dần chiếm vị thế trong ngành dầu mỏ khi Quỹ Engine No. 1 thắng ghế trong hội đồng quản trị của Công ty dầu ExxonMobil. Với xu hướng đầu tư ESG (Environment Social and Governance), quỹ Engine No. 1 muốn các công ty dầu phải dần hướng hoạt động kinh doanh của mình vào “lợi ích của nhân viên, khách hàng, cộng đồng, và môi trường”.

Nếu tuân theo xu hướng này thì ExxonMobil phải cắt giảm đầu tư vào khai thác dầu mỏ. Nhưng nếu ESG lại cũng đồng nghĩa với Energy Stop Growing (không tăng cung năng lượng) thì cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Gần đây IEA đã kêu gọi OPEC+ tăng nguồn cung để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế năm 2022. Cùng một tổ chức đang kêu gọi cắt hoàn toàn chi phí đầu tư khoan dầu... Vậy thì chỉ có một khả năng ở đây là một trong hai điều phải sai...

Nếu bạn đọc thấy tin nói rằng dầu có thể ở giá 100 đô la/thùng và cho rằng điều này khó có thể xảy ra, thì hãy suy nghĩ rằng chính phủ không thể ép bạn mua xe điện hoặc sử dụng điện gió và mặt trời khi giá dầu ở mức 50 đô la/thùng, giá xăng 2 đô la/gallon ở Mỹ hay 20.000 đồng/lít ở Việt Nam, và giá điện ở mức phải chăng. Nhưng khi xăng tăng lên 10 đô la/gallon ở Mỹ hay 50.000 đồng/lít ở Việt Nam, thì lúc đó chính phủ mới dễ bán giấc mơ “xanh”.

Có thể tác giả bài viết này là người bi quan trước những gì mà xã hội cho là đúng đắn.

Đầu tư thành công đồng nghĩa với việc mọi người đồng ý với mình sau khi họ suy ngẫm (James Grant).

Mọi câu hỏi xin gửi về: slumdogmarket@outlook.com

Facebook QTMacro: @SlumdogMarket

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới