Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đến lúc tách bạch chuyện quân đội làm kinh tế  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến lúc tách bạch chuyện quân đội làm kinh tế  

White Palace, nhà hàng tiệc cưới, trung tâm hội nghị đồ sộ trên khuôn viên rộng gần 10.000 mét vuông, diện tích xây dựng 24.000 mét vuông tại 194 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, do Công ty Tây Nam của Quân khu 7 làm chủ đầu tư, đã khai truơng ngày 1-12 năm nay nhưng 8 ngày sau, UBNDTPHCM đã đình chỉ hoạt động với nhiều lý do, trong đó có lý do công trình xây dựng không phép. Báo chí TPHCM và trung ương đã tốn nhiều giấy mực cho công trình này khi phía chủ đầu tư cho rằng đây là đất quốc phòng dùng vào mục đích làm kinh tế nên không cần giấy phép của chính quyền dân sự, mà chỉ cần làm đúng quy trình đầu tư xây dựng của Bộ Quốc phòng. Trong khi Bộ Quốc phòng đã cho phép quân khu 7 chuyển đổi khu đất này từ quốc phòng sang đất kinh tế, có nghĩa muốn xây dựng, phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước địa phương là UBND TPHCM. Năm 2005, Toà án quân sự quân khu 7 đã đưa ra xét xử một vụ án buôn lậu xăng dầu tại Công ty Tây Nam – Ảnh: Tư liệu

(TBKTSG Online)- Quân đội tham gia làm kinh tế tới mức độ nào đã được bàn thảo từ vài năm trước nhưng với dự thảo Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tại buổi thảo luận đóng góp cho dự thảo này vào ngày 18-12, mọi chuyện có vẻ đã rõ ràng.  

Dự thảo Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng đang đi đến những bước cuối cùng trước khi ban hành và sự ra đời của nó, sẽ đánh dấu bước chuyển biến lớn lao của công nghiệp quốc phòng, vốn “đóng kín” lâu nay giờ đây sắp hoà vào dòng chảy chung của nền kinh tế.  

“Đã đến lúc quân đội không nên làm kinh tế”  

Đó là câu nói của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trên Đài truyền hình cáp VTC vào đầu năm nay, sau khi Hội nghị Trung ương 4 kết thúc ngày 24-1-2007. Ông Lê Khả Phiêu thừa nhận việc doanh nghiệp của quân đội hay công an làm kinh tế từ năm 1975 tới năm 1990 là cần thiết nhưng nếu kéo dài là không phù hợp.

Việc chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần của Đảng, quân đội, công an sang các cơ quan nhà nước quản lý, theo ông Phiêu, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn và ông cho rằng, việc chuyển giao phải thực hiện từng bước, có lộ trình nhưng trong năm 2007 này sẽ thực hiện những khâu cơ bản.  

Hội nghị Trung ương 4 thống nhất chủ trương chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần hiện có thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2007, trong bối cảnh Việt Nam vừa trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).  

Thực ra, giữa năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 27 về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, khẳng định công nghiệp quốc phòng là một bộ phận của công nghiệp quốc gia. Ngoài các nhiệm vụ dành riêng cho quân đội, công nghiệp quốc phòng tham gia phát triển kinh tế- xã hội và đây là một trong những nội dung của tờ trình của Chính phủ về Dự án Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến.  

Còn giữa năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) và các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý công nghiệp quốc phòng. Đây là cách từng bước tạo ra lộ trình pháp lý cho ngành công nghiệp quốc phòng đi dần vào quỹ đạo với nền công nghiệp cả nước.  

Hoà nhập ra sao?  

Theo Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng, bộ này hiện có 244 doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực thương mại-dịch vụ với 52 doanh nghiệp, xây dựng và vật liệu xây dựng có 51 doanh nghiệp, 11 doanh nghiệp thuộc ngành dệt may.

Theo khảo sát của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, công nghiệp quốc phòng ở Việt Nam hiện nay mang tính khép kín, quy mô nhỏ và phân tán. Một số nơi tuy có sự liên kết sản xuất nhưng còn nhỏ bé, đầu tư hạn chế và công nghệ lạc hậu. Các cơ sở công nghiệp dân dụng hoạt động theo cơ chế thị trường cũng chưa tham gia vào sản xuất hàng cho quốc phòng vì suất đầu tư lớn, lợi nhuận thấp và chưa có chính sách,ưu đãi cụ thể.  

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thừa nhận, hiện nay, nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất quốc phòng được giao hàng năm chỉ chiếm dưới 20% năng lực của các doanh nghiệp, phần còn lại các doanh nghiệp quốc phòng phải tham gia sản xuất như các doanh nghiệp kinh tế thông thường để tận dụng năng lực nhàn rỗi, góp phần cải thiện đời sống và nuôi dưỡng, giữ gìn được đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các cơ sở quốc phòng, tránh lãng phí nhân lực và tiền của nhà nước.  

“Bây giờ Bộ Quốc phòng loay hoay lo hàng trăm cơ sở sản xuất mà không có tiền đặt hàng cho anh em thì họ không nuôi nhau dễ dẫn tới làm sai pháp luật”, ông Thanh nói tại buổi đóng góp ý kiến cho dự thảo Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng.  

Để đảm bảo lộ trình đưa công nghiệp quốc phòng hoà với nền công nghiệp quốc gia vào năm 2012, Chính phủ sẽ tổ chức công nghiệp quốc phòng theo hai hình thức: cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt do Bộ quốc Phòng quản lý đảm nhận sản xuất, nghiên cứu vũ khí, trang thiết bị kỹ thuât quân sự. Các doanh nghiệp quốc phòng còn lại chuyển giao cho Chính phủ và các bộ ngành khác quản lý.  

Theo ông Thanh, trước mắt nên khẩn trương cổ phần hoá các doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế trong lĩnh vực may mặc, xây dựng và việc cung cấp quân trang, quân dụng cho quân đội sẽ thực hiện bằng hình thức đấu thầu giữa các doanh nghiệp quân đội, nhưng sau này cho đấu thầu rộng rãi.

NGỌC LAN- HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới