(KTSG Online) – Trong bối cảnh thị trường đang xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến trái phiếu và cổ phiếu, vấn đề tổ chức lại hệ thống giám sát tài chính đã được các chuyên gia nêu lên.
- Cần sớm xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ
- Tăng cường sự minh bạch để thị trường vốn phát triển bền vững
- ‘Bản đồ nhiệt’ của rủi ro tài chính toàn cầu đang nóng lên
Tại hội thảo khoa học mới đây, nhiều chuyên gia nêu lên sự cấp thiết phải xây dựng hành lang pháp lý cho một cơ quan giám sát tài chính quốc gia.
TS. Trần Du lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá trong thời gian qua thị trường vốn phát triển giúp giảm dần gánh nặng cấp tín dụng ngắn hạn và cả dài hạn của khối ngân hàng.
Tuy nhiên, một điểm quan trọng là việc giám sát các thị trường này đang được thực hiện riêng lẻ. Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò giám sát thị trường tiền tệ, còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì giám sát về thông tin cổ phiếu, trái phiếu.
Vấn đề là các thị trường này liên thông với nhau, chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp muốn phát hành thì lại đi đường vòng qua ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán. Do đó, mô hình giám sát thị trường tài chính Việt Nam phải có đủ độ rộng để giám sát mọi hoạt động, đồng thời phải có thực quyền.
“Bài toán lớn nhất là tổ chức lại mô hình giám sát tài chính. Những tiêu cực hiện nay là cần phải chấn chỉnh, nhưng nếu khai thông được nền tảng thì mới có thể phát triển được mà không rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay", ông Trần Du lịch nêu vấn đề.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết kinh nghiệm của ông tại ủy ban này không có địa vị pháp lý khi giám sát, nên không thể “cãi tay đôi” với Thống đốc hay Bộ trưởng Bộ tài chính.
Ông Phước so sánh cuộc chơi hiện nay như bóng đá, tức thị trường cần phải có quy định, cầu thủ và trọng tài. Ông ví von tình hình hiện nay như là "cầu thủ dùng tay chơi bóng, trọng tài thổi phạt thì có khi đánh cả trọng tài".
Do đó, ông Phước kiến nghị cần tập trung cải thiện thể chế thị trường tài chính, xây dựng luật để xác lập những "tay chơi" trên thị trường, có trọng tài giám sát chung và quan trọng là phải có thực quyền.
Chia sẻ tương tự, ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết có hiện tượng dòng vốn luân chuyển lòng vòng giữa các tập đoàn “sân sau”, ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Mặc dù không ai có thể chứng minh bằng số liệu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ chưa có cơ quan nào giám sát về mặt tổng thể.
Chẳng hạn như nếu muốn thanh tra ngân hàng thì phải đồng thời gửi văn bản đề nghị cho bên có thẩm quyền khác đồng thời thanh tra các công ty con của ngân hàng đó, nên có độ trễ giữa các cuộc thanh tra. Nhiều khi phía ngân hàng hoàn thành báo cáo thanh tra đã ba tháng, sau đó mới phối hợp được để thanh tra công ty con, lúc này thì tài sản xấu đã có thể đi lòng vòng.