(KTSG Online) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá đến năm 2030 là gần 58.000 tỉ đồng. Cả nước sẽ có 160 khu neo đậu tránh bão đáp ứng nhu cầu cho 90.000 tàu cá.
- Yêu cầu theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển
- Đầu tư gần 350 tỉ đồng xây dựng khu neo đậu, cảng cá ở Quảng Bình
TTXVN đưa tin, ngày 23-11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của hội đồng thẩm định quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, và 54 cảng cá loại III. Đến năm 2050, dự kiến nâng tổng số cảng cá trên toàn quốc lên 180, trong đó có 39 cảng cá loại I, 87 cảng cá loại II và 54 cảng cá loại III.
Vùng biển miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Thuận sẽ là nơi tập trung nhiều cảng cá nhất cả nước, với 82 cảng; vùng biển vịnh Bắc Bộ có 45 cảng cá, vùng biển Đông Nam Bộ có 33 cảng cá và vùng biển Tây Nam Bộ có 13 cảng cá.
Cả nước sẽ có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 30 khu cấp vùng và 130 khu cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng trên 90.000 tàu cá.
Vùng biển miền Trung cũng sẽ là nơi có nhiều khu neo đậu tránh trú bão, với 73 khu; các vùng biển vịnh Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có lần lượt 47, 24, và 16 khu neo đậu tránh trú bão.
Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 là 6.124 ha, trong đó tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.050 ha.
Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ các cảng cá tại các trung tâm nghề cá lớn; các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là gần 58.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần trên 18.000 tỉ đồng.