Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đến thời khai thác khoáng sản dưới đáy biển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến thời khai thác khoáng sản dưới đáy biển

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Công ty khởi nghiệp DeepGreen Metals có trụ sở ở Vancouver (Canada) đang nuôi tham vọng khai thác cobalt và các khoáng chất quan trọng khác để sản xuất từ pin xe điện, tuốc-bin gió cho đến tấm năng lượng mặt trời ở dưới đáy của các đại dương.

Đến thời khai thác khoáng sản dưới đáy biển
Một số mẫu kết hạch đa kim được khai thác thử nghiệm từ dưới đáy biển và đưa lên tàu của công ty DeepGreen Metals. Ảnh: Global and Mail

Nằm sâu dưới Bắc Thái Bình Dương trong một khu vực có diện tích tương đương nước Mỹ là hàng tỉ viên đá có kích cỡ như củ khoai tây nằm rải khắp trên mặt đáy. Những viên đá màu nâu đen này (hay còn gọi là kết hạch đa kim) chứa rất nhiều khoáng chất quý giá như cobalt, nickel, mangan, những thành phần quan trọng của pin xe điện và các tấm năng lượng mặt trời.

Khi thế giới đang trong cuộc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn, nhu cầu các kim loại như cobalt, nickel, mangan tăng mạnh vì chúng giúp lưu trữ năng lượng

DeepGreen Metals là một trong số ít những công ty trên thế giới đang tiên phong lên kế hoạch khai thác trữ lượng khoáng chất khổng lồ còn nguyên vẹn dưới đáy biển như là một giải pháp hướng đến một tương lai bền vững vì việc khai thác các kết hạch đa kim dưới đáy biển không đòi hỏi phải khoan, nổ mìn hay đào.

Tham vọng của DeepGreen Metals, dù còn vấp phải nhiều nghi ngại, nhưng vừa được tiếp sức khi mới đây, công ty xây dựng đường ống xa bờ Allseas (Thụy Sĩ) đồng ý rót 150 triệu đô la Mỹ để giúp DeepGreen Metals phát triển kỹ thuật khai thác khoáng sản dưới đáy biển.

Allseas là công ty nổi tiếng với việc đóng con tàu xây dựng lớn nhất thế giới nặng hơn một triệu tấn, có tên gọi Pioneering Spirit, có khả năng lắp đặt và tháo dỡ các giàn khoan dầu khí xa bờ chỉ với một cú thả hoặc nhấc.

Động thái góp vốn của Allseas cho DeepGreen Metals là một dấu hiệu hiếm hoi cho thấy các kế hoạch khai khoáng dưới đáy dại dương đang có bước tiến triển mới sau nhiều năm bị nghi ngờ do đối mặt với các quy định quản lý còn chưa chắc chắn cũng như các lo ngại về môi trường.

DeepGreen Metals cho biết nguồn vốn mới sẽ giúp công ty này tiến hành các nghiên cứu khả thi về phương án khai thác các kết hạch đa kim nằm sâu hàng ngàn mét dưới mặt nước biển.

Gerard Barron, Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch DeepGreen Metals, nói: “Mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với Allseas rốt cục sẽ giúp chúng tôi mở ra một nguồn hoàn toàn mới của các kim loại sử dụng cho pin xe điện, phục vụ cuộc cách mạng xanh và giúp chuyển đổi ngành công nghiệp khai khoáng hiện nay”.

Những ý kiến ủng hộ khai thác khoáng sản ở đáy các đại dương cho rằng đây là một giải pháp thay thế cho các hoạt động khai khoáng trên đất liền và có thể giúp thế giới đáp ứng nhu cầu tăng vọt về các kim loại sử dụng cho pin xe điện trong 10 năm tới.

Hơn 60% nguồn cung cobalt hiện nay đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, trong khi đó, nguồn cung nickel toàn cầu chủ yếu được cung cấp bởi các mỏ ở Indonesia, Nga và Tân Thế Giới (New Caledonia), một lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp nằm ở Nam Thái Bình Dương.

Nauru Ocean Resources, công ty con của DeepGreen Metals ở Cộng hòa Nauru, đang nhắm đến khai thác các kết hạch đa kim ở vùng đáy biển sâu 4.000 - 6.000m, có diện tích 75.000km2 gần Nauru thuộc khu vực đứt gãy Clarion-Clipperton, một dải biển 4.000km của Thái Bình Dương kéo dài từ Hawaii đến Mexico. ISA đã cấp quyền khai thác khoáng sản cho Cộng hòa Nauru ở vùng đáy biển này.

Các kết hạch đa kim nằm dày đặc dưới đáy biển, đặc biệt là ở khu vực Bắc Thái Bình Dương. Ảnh: westcoastplacer.com

Giải thích về sự hình thành của các kết hạch đa kim, Tiến sĩ Patrick Stone, Giám đốc khoa học đại dương của DeepGreen Metals, nói: “Hãy nghĩ chúng giống như viên ngọc trai. Có một thứ gì đó nằm giữa mỗi khối kết hạch khi chúng mới hình thành, nhỏ như một hạt cát hoặc chiếc răng cá mập, và sau đó, các kim loại trong nước biển dần dần phủ lên nó trong hàng triệu năm”.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cobalt, nickel và mangan, Tiến sĩ Patrick Stone, cho biết: “Bạn cần các kim loại này để sản xuất tuốc bin gió, pin và xe điện. Bạn không thể tắt năng lượng gió và mặt trời giống như cách mà bạn ngưng khai thác nhiên liệu hóa thạch. Bạn cần phải lưu trữ năng lượng tái tạo”.

Một khi các kết hạch này được đưa lên tàu, chúng sẽ được chuyển về các nhà máy trên đất liền, nơi các công nhân của DeepGreen Metals sẽ phân rã chúng và tách các kim loại.

Gerard Barron, Giám đốc điều hành DeepGreen Metals, nói: “Nó giống như là một bộ pin nằm trong một cục đá. Tất cả các thành phần của kết hạch đều có thể sử dụng. Đó thực sự là một thay đổi lớn đối với ngành công nghiệp khai khoáng”.

Dù các kết hạch đa kim chưa bao giờ được khai thác thương mại nhưng chúng có triển vọng tạo ra một ngành kinh doanh nhiều tỉ đô la Mỹ. Năm 2012, chuyên gia James Hein và các đồng nghiệp của ông ở Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ước tính Khu vực đứt gãy Clarion - Clipperton chứa trữ lượng cobalt, nickel và mangan tương đương tất cả trữ lượng của chúng được phát hiện trên mặt đất cho đến nay.

Cơ quan Quản lý Đáy biển quốc tế (ISA) thuộc Liên hợp quốc chịu trách nhiệm cấp các giấy phép khai thác khoáng sản ở các vùng biển quốc tế. ISA dự kiến hoàn thành các quy định đầu tiên để giúp xúc tiến các hoạt động khai thác khoáng sản ở biển sâu vào năm 2020, theo UK Seabed Resources, một công ty con của công ty quốc phòng Lockheed Martin.

“Tính không chắc chắn về cơ chế quản lý trong tương lai đối với hoạt động thăm dò khoáng sản ở đáy biển vẫn là rào cản chính đối với sự phát triển một ngành công nghiệp khoáng sản dưới đáy biển sâu có tính khả thi về thương mại và có trách nhiệm về môi trường”, Christopher Williams, Giám đốc UK Seabed Resources, nói.

DeepGreen Metals cho rằng khí thải carbon dioxide sản sinh từ hoạt động “múc” các kết hạch đa kim ở đáy biển thấp hơn so với các mỏ khai khoáng trên đất liền vì quy trình này không bao gồm các hoạt động nổ mìn, khoan hay đào.

Song các ý kiến chỉ trích nói rằng hoạt động khai khoáng dưới đáy biển sâu sẽ hủy hoại môi trường sống nguyên sinh và nhạy cảm ở dưới đáy đại dương. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một thỏa thuận bảo vệ các đại dương khỏi các hoạt động khai khoáng.

“Các nhà khoa học cảnh báo rằng khai khoáng ở đáy biển sâu có nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi đối với các hệ sinh thái đại dương mà chúng ta còn ít hiểu biết”, thông báo của Greenpeace nhấn mạnh.

Theo Financial Times, Global and Mail

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới