Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dệt may, da giày, gỗ Việt hấp dẫn doanh nghiệp ngoại đến ‘tận cửa’ mua hàng

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dệt may, da giày, đồ gỗ… là những ngành hàng xuất khẩu thuộc nhóm chủ lực của Việt Nam. Không chỉ mang hàng hóa xuất khẩu đến các thị trường ngoại, các mặt hàng này còn thu hút sự quan tâm của các nhà mua hàng, các tập đoàn lớn trên thế giới đến tận nơi sản xuất để ký kết giao thương.

Xuất khẩu các ngành hàng chủ lực khởi sắc

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, dệt may và da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước và chỉ xếp sau mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện khác.

Trong đó, mặt hàng dệt may đạt 13,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023; giày, dép đạt 8,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của hai nhóm ngành hàng.

Đáng chú ý, ngoại trừ điện tử là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu do doanh nghiệp FDI thì gỗ và sản phẩm gỗ đang là nhóm có mức tăng trưởng tốt nhất 23,5% trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ 5 tháng 2024 đạt 6,1 tỉ đô la Mỹ.

Có thể thấy, khác với tình hình ảm đạm của năm trước, xuất khẩu các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ năm nay đã có nhiều khởi sắc rõ rệt.

Điều này cũng được các ngành hàng nhìn nhận. Theo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu da giày tăng đã phản ánh phần nào bức tranh đơn hàng đã khởi sắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực này so với cùng thời điểm trước.

Với ngành dệt may, Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho biết đơn hàng của doanh nghiệp trong quí 2 phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức 15-20% so với cùng kỳ. Hầu hết doanh nghiệp đều thích ứng nhanh, đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng, mã hàng và chất lượng hàng hóa khắt khe của từng thị trường.

Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một tín hiệu đáng chú ý khác là nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, Châu Âu… đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.

Cơ hội kết nối giao thương đến “tận cửa”

Thực tế, trong tháng 6 này, hàng trăm các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới sẽ quy tụ tại Việt Nam để đa dạng hóa nguồn hàng, tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa bền vững. Trong đó, dệt may, da giày, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, thực phẩm là các nhóm hàng thu hút đông đảo khách hàng quốc tế quan tâm như Just to Flirt Inc. (Mỹ), Decathlon (Pháp), Uniqlo/Fast Retailing (Nhật), Loblaws/Joe Fresh (Canada)…

Cụ thể, Falabella - hãng bán lẻ lớn nhất tại khu vực Mỹ La-tinh với hệ thống 577 cửa hàng và trung tâm thương mại đang muốn mở rộng thu mua sang các lĩnh vực từ dệt may, da giày, đồ thể thao đến đồ điện gia dụng, đồ dùng gia đình.

Tập đoàn Coppel của Mexico, hãng bán lẻ hiện có nhu cầu nhập khẩu đến 500.000 chiếc lốp ô tô con hàng năm, đặc biệt quan tâm đến các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam như quần áo thời trang, giày dép, phụ kiện công nghệ, đồ nội thất gia dụng.

Hay Tập đoàn Walmart của Mỹ cũng muốn thu mua nhóm hàng dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh… để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực.

Theo ước tính, hơn 300 đoàn doanh nghiệp từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ cùng tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8-6 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.

Chuỗi sự kiện bao gồm Diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, các hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024 - Viet Nam International Sourcing Expo 2024 với quy mô 10.000 m2 dành cho 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ban tổ chức sẽ phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương.

Ngoài hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, Viet Nam International Sourcing 2024 còn có thêm các hoạt động bên lề hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực, phát triển bền vững khi bước ra thị trường toàn cầu.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng trong quí 1-2024 các doanh nghiệp đã rất nỗ lực và vượt qua khó khăn để bước vào giai đoạn xuất khẩu bền vững hơn. Do vậy, sự kiện Viet Nam International Sourcing 2024 tổ chức vào tháng 6-2024 được đánh giá là rất đúng thời điểm.

Sự kiện dự kiến sẽ thu hút 10.000 lượt khách tham quan trong các ngày diễn ra. Ban tổ chức kỳ vọng nhiều thoả thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công tại sự kiện, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở sau các hội thảo, hoạt động kết nối giao thương.

Quý độc giả quan tâm đến danh sách nhà thu mua và muốn tham gia hoặc muốn trở thành đối tác của Viet Nam International Sourcing 2024, xin vui lòng truy cập vào link để đăng ký: https://vietnamsourcingexpo.vn/danh-sach-buyer/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới