Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Dệt may tận dụng được 30% ưu đãi thuế từ TPP là đã thành công”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Dệt may tận dụng được 30% ưu đãi thuế từ TPP là đã thành công”

Văn Nam

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các quy tắc xuất xứ ngặt nghèo, ngành dệt may Việt Nam có phần bất lợi vì phần lớn nguyên liệu còn phải nhập khẩu do các khâu dệt nhuộm còn yếu. Tuy vậy, chỉ cần tận dụng được 30% ưu đãi về thuế quan đã là thành công.  

Đây là ý kiến của bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nêu ra với TBKTSG Online về cơ hội của ngành dệt may bên lề hội thảo khoa học công nghệ dệt may Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra tại TPHCM sáng nay, 9-9.

Theo phân tích của bà Dung, về mặt cơ cấu thị trường, Mỹ vẫn là nơi có các đơn hàng lớn và được các doanh nghiệp dệt may nhắm tới. Bằng chứng là trong năm 20014, hàng dệt may Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ chiếm đến 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 24,5 tỉ đô la Mỹ, trong khi một thị trường khá lớn khác là châu Âu cũng chỉ chiếm khoảng 16%.

Hiệp định TPP mà cả Mỹ và Việt Nam đều là thành viên chắc chắn sẽ mở ra cơ hội thuận lợi cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, điều bà Dung băn khoăn chính là trong khi TPP chuẩn bị bước vào những vòng đàm phán cuối thì nhìn lại, hiện trạng ngành dệt may Việt Nam còn khá bất lợi về nguyên liệu. Các khâu dệt, nhuộm còn yếu và thiếu, đa số nguyên liệu còn nhập khẩu trong đó tỉ trọng nhập từ Trung Quốc (không thuộc thành viên TPP) vẫn còn cao.

“Do vậy khi tham gia vào TPP với nhiều điều kiện quy tắc xuất xứ ngặt nghèo thì không thể kỳ vọng tận dụng 100% cơ hội, mà ngành dệt may cố gắng tận dụng 30% thuận lợi về thuế quan do TPP mang lại đã là thành công rồi. Ví dụ 100 tấn hàng xuất vào Mỹ thì 30% đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được ưu đãi thuế quan theo TPP đã là quá tốt,” bà Dung nhận xét.

Phân tích sâu hơn, bà Dung nêu điểm thắt eo của ngành dệt may hiện nay chính là khâu dệt nhuộm, còn các khâu khác như sản xuất sợi, may thì không lo. Dệt nhuộm yếu nên sợi làm ra đang dồn cho xuất khẩu (hiện giá trị sợi xuất khẩu sợi trên 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm và chiếm 70% sản lượng sợi trong nước). Do vậy, điểm mấu chốt cần sớm làm trong lúc này là đẩy mạnh đầu tư cho dệt nhuộm, giúp kéo ngành sợi chuyển ngược về cung ứng cho trong nước, theo đó ngành dệt may mới hy vọng thỏa mãn các nguyên tắc xuất xứ khi xuất hàng vào Mỹ,” bà Dung nói.

Trình bày tại hội thảo sáng nay, vị đại diện ngành dệt may Việt Nam cho rằng ngành dệt may Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới tương đối chậm và lâu nay chỉ tận dụng được nguồn lao động giá rẻ, gia công và bỏ qua đầu tư các công đoạn hoàn chỉnh, phát triển nguồn nguyên liệu.

Theo mục tiêu phát triển của ngành dệt may Việt Nam từ nay đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tăng từ 24,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014 lên 36 – 38 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 và đến năm 2030 lên con số 64 – 67 tỉ đô la Mỹ. Theo đó, tỉ lệ nội địa hóa dệt may cũng tăng từ 55% năm 2015 lên 65% vào năm 2020 và nâng lên 80% vào năm 2030.

Theo các chuyên gia ngành dệt may, điều Việt Nam cần làm lúc này là sớm quy hoạch và phát triển các cụm, khu công nghiệp dệt nhuộm – vốn là khâu yếu và đang là ngành sản xuất bị nhiều địa phương lắc đầu từ chối bởi lo ngại gây ô nhiễm môi trường.

Do vậy, để sớm có các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, cơ sở hạ tầng (cần vốn lớn) hoàn chỉnh thu hút nhà sản xuất thì rất cần bàn tay can thiệp của nhà nước để có thể tránh tình trạng một số doanh nghiệp tránh né việc tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải rồi gây ô nhiễm môi trường.

Tại hội thảo khoa học về công nghệ dệt may Việt Nam – Hàn Quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ và Văn phòng Đại diện Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức sáng nay (9-9) tại TPHCM, đại diện các nhà đầu tư Hàn Quốc đã giới thiệu xu hướng phát triển công nghệ dệt Hàn Quốc, công nghệ nhuộm và hoàn tất thân thiện với môi trường, xu hướng phát triển các thương hiệu toàn cầu. Ngoài ra, đại diện Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM cũng trình bày chiến lược và chính sách thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Xem thêm:

>> Dệt may trước thời cơ TPP: Thận trọng với đầu tư từ Trung Quốc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới