Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dệt, may tìm đường về tỉnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dệt, may tìm đường về tỉnh

Đức Hoàng

(TBKTSG) – Một trong những mục tiêu quan trọng trong quy hoạch phát triển ngành dệt may giai đoạn 2011-2020 vừa được tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) công bố là giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và giải pháp là tìm đường về các tỉnh.

Với ngành dệt, may, ngoài nỗi lo về hợp đồng và đơn đặt hàng, họ còn có thêm mối bận tâm khác, cũng căng thẳng không kém, đó là cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác để thu hút lao động. Đây là cuộc đua mà dệt, may thường bị thất thế. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng trong quy hoạch phát triển ngành dệt may giai đoạn 2011-2020, vừa được Vinatex công bố, là giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và giải pháp là tìm đường về các tỉnh.

Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex, dự báo: “Với thu nhập bình quân mỗi công nhân chỉ vào khoảng 120 đô la Mỹ/tháng, trong tương lai ngành dệt, may sẽ không thể giữ chân được người lao động tại các thành phố lớn”.

Số liệu thống kê đến cuối năm 2010 cho thấy Việt Nam có 3.710 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, trong đó hầu hết tập trung ở khu vực TPHCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận, sử dụng hơn 2 triệu lao động. Có đến 62% số doanh nghiệp ngành này tập trung ở miền Nam, chủ yếu là ở TPHCM với 50,9%, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An khoảng 10%. Miền Bắc có 30% tổng số doanh nghiệp, trong đó gần một nửa ở Hà Nội và phần còn lại ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…

Quan điểm phát triển của ngành dệt, may là đầu tư thẳng vào những công nghệ mới, hiện đại để tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng giảm bớt nhu cầu về nhân công. Tuy vậy, yêu cầu về số lượng nhân công cho phần năng lực sản xuất sẽ tăng thêm trong 10 năm tới vẫn là một số khổng lồ, lên đến 1 triệu lao động.

Trong giai đoạn 2011-2020, tập đoàn Dệt may sẽ đầu tư xây dựng 31 nhà máy sợi (công suất 7.000 tấn/năm cho mỗi nhà máy), 21 nhà máy dệt nhuộm và 164 nhà máy may với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đô la Mỹ. Đây có thể là bước khởi đầu cho xu hướng tìm đường về tỉnh của ngành dệt, may trong những năm tới.

Vinatex cho rằng quy hoạch trên sẽ thiếu tính khả thi nếu ngành dệt, may tiếp tục bám trụ ở các thành phố lớn. Ngoài khó khăn về nguồn nhân lực, tình trạng chi phí mặt bằng quá đắt đỏ tại những khu vực này cũng không thích hợp để phát triển một ngành có tỷ suất lợi nhuận khá thấp như dệt, may.

Ông Trường cho biết: “Khi bắt tay xây dựng quy hoạch, Vinatex đã dành nhiều thời gian và chi phí để khảo sát nhằm tìm địa điểm đầu tư thích hợp. Chúng tôi nhận thấy, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng cho mỗi người, doanh nghiệp có thể yên tâm về nguồn nhân công”.

Theo Vinatex, các tỉnh có khả năng đầu tư các nhà máy sản xuất hay cụm công nghiệp dệt, may trong giai đoạn 2011-2020 gồm: Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên (vùng miền núi phía Bắc); Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị (Bắc Trung bộ); Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên (duyên hải miền Trung); Tiền Giang, Đồng Tháp (đồng bằng sông Cửu Long) và ở miền Đông Nam bộ là Tây Ninh.

Tuy nhiên, các địa phương kể trên tuy có lợi thế nguồn lao động và mặt bằng cho ngành dệt, may phát triển, nhưng lại rất bất lợi về điều kiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu.

“Hiện nay, chi phí vận chuyển một container hàng đến và đi từ cảng Đà Nẵng cao gấp đôi so với xuất phát từ cảng ở TPHCM. Ngay ở cảng Hải Phòng, dù cự ly vận chuyển đến các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… ngắn hơn rất nhiều so với TPHCM, nhưng cước phí vận chuyển đến và đi từ Hải Phòng cũng cao hơn so với ở TPHCM”, ông Lê Tiến Trường nói.

Nếu đặt nhà máy ở các tỉnh được đề xuất trong quy hoạch, chi phí vận chuyển chắc chắc còn cao hơn nữa. Ông Trường nói tiếp: “Bất cập này ngoài tầm giải quyết của ngành dệt may, nên chúng tôi rất cần sự trợ giúp của Chính phủ”.

Kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở các tỉnh của ngành dệt, may là hướng đi có thể mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế và xã hội. Nó không chỉ giúp giải tỏa những khó khăn về lao động, mặt bằng để phát triển, mà còn góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, sự dịch chuyển này sẽ góp phần làm giảm sức ép về lao động nhập cư và những áp lực về giao thông và môi trường…

Trong giai đoạn 2011-2020, tập đoàn Dệt may sẽ đầu tư xây dựng 31 nhà máy sợi (công suất 7.000 tấn/năm cho mỗi nhà máy), 21 nhà máy dệt nhuộm và 164 nhà máy may với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đô la Mỹ. Đây có thể là bước khởi đầu cho xu hướng tìm đường về tỉnh của ngành dệt, may trong những năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới