(KTSG Online) - Quá trình di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội của Cảng Sài Gòn đã thực hiện trong thời gian dài hơn 10 năm, từ 2010 đến nay, nhưng vẫn “treo lơ lửng” mọi việc trước sự sốt ruột của các bên liên quan như bên nhận chuyển quyền dự án và bên nhận quyết định di dời.
Các dự án đều dang dở
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu ra những thực trạng, khó khăn kéo dài hơn 10 năm ở dự án di dời Cảng Sài Gòn tại khu vực Nhà Rồng- Khánh Hội cũng như đề xuất các bên tìm hướng tháo gỡ cho dự án này.
Sở dĩ VIMC phải làm văn bản báo cáo về dự án tại vị trí “khu đất vàng” có diện tích 293.712 m2 này vì VIMC giữ hơn 50% vốn nhà nước được giao quản lý và sử dụng khu cảng Nhà Rồng- Khánh Hội từ đó đến nay và chưa thể di dời dù Chính phủ và UBND TPHCM đã có quyết định từ nhiều năm.
Ngay từ năm 2010, Thủ tướng đã có quyết định 46/2010 di dời Cảng Sài Gòn (CSG) và khu đất tại vị trí cảng cũ (khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội) được UBND TPHCM duyệt quy hoạch 1/500 cuối năm 2015 chuyển đổi thành công trình công cộng, công viên cây xanh, khu nhà ở, khu phức hợp, khu thương mại - dịch vụ - văn phòng, văn hóa, giải trí.
Cuối năm 2016, UBND thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (Công ty Ngọc Viễn Đông) làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội. Bộ Tài chính cũng đồng ý để công ty này chuyển 293.712,3 m tại khu cảng Nhà Rồng- Khánh Hội. Sau đó một năm, UBND thành phố quyết định cho phép Công ty Ngọc Viễn Đông được chuyển mục đích gần 300.000 m2 tại khu cảng để thực hiện dự án Khu phức hợp Nhà Rồng- Khánh Hội. Song từ đó đến nay, thành phố chưa phê duyệt giá đất khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để Công ty Ngọc Viễn Đông nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Tại vị trí cảng cũ (khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội của Cảng Sài Gòn), ngoài diện tích đất chuyển mục đích sử dụng và giao cho Công ty Ngọc Viễn Đông thực hiện dự án đầu tư Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội thì còn phần diện tích đất 6.570,8 m2 là khuôn viên tòa nhà trụ sở làm việc của Cảng Sài Gòn tại số 3 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 thuộc khu vực quy hoạch mở rộng công viên Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM.
Đây là trường hợp thu hồi một phần diện tích đất tại vị trí cảng cũ (trụ sở làm việc của Cảng Sài Gòn tại số 3 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4) để sử dụng vào mục đích công cộng (mở rộng công viên Bảo tàng Hồ Chí Minh) nhưng cấp thẩm quyền chưa có kế hoạch sử dụng đất, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có phương án bồi thường tài sản, công trình xây dựng trên đất và chưa được phê duyệt địa điểm tại vị trí mới nên Cảng Sài Gòn chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Như vậy từ đó đến nay tất cả dự án mới của Công ty Ngọc Viễn Đông cũng như việc cấp đất mới làm trụ sở cho Cảng Sài Gòn và dùng tiền hỗ trợ di dời để doanh nghiệp đầu tư dự án khác đều không thực hiện được.
Cần một lối thoát
VIMC trình bày với Bộ Tài chính và Bộ GTVT rằng theo Khoản 6 Điều 7 Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng thì toàn bộ số tiền thu được từ chuyển mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ của Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước TPHCM do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản để sử dụng hỗ trợ doanh nghiệp di dời. Tuy nhiên, do UBND thành phố chưa phê duyệt giá đất tại vị trí cảng cũ (khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội) để Công ty Ngọc Viễn Đông nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất vào ngân sách nhà nước nên cho đến nay Cảng Sài Gòn chưa nhận được các khoản hỗ trợ di dời mà chỉ được nhận tạm ứng vốn từ ngân sách nhà nước và tạm ứng vốn từ doanh nghiệp thực hiện dự án chuyển đổi công năng là Ngọc Viễn Đông.
Cảng Sài Gòn đã nhận 599 tỉ đồng từ ngân sách (phải hoàn trả đến nay chưa có nguồn) và 850 tỉ đồng từ Ngọc Viễn Đông. Tuy nhiên, đến nay cả 2 khoản tiền này đều thành khoản nợ vì không có tiền hỗ trợ do chưa có quyết định về giá đất chuyển quyền.
Cảng Sài Gòn đầu tư dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 1 phục vụ di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Đây là dự án đầu tư của doanh nghiệp cổ phần và sử dụng nguồn vốn hỗn hợp (trong đó có trông vào nguồn vốn hỗ trợ di dời). Tuy nhiên 12 năm kể từ ngày khởi công đến nay nhiều lần bị đình trệ vì thiếu vốn và chưa thể xác định được mức hỗ trợ của nhà nước.
Đối với các dự án đầu tư khác của Cảng Sài Gòn phục vụ di dời như dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 2, dự án Khu dịch vụ hậu cần Cảng Sài Gòn tại Hiệp Phước, dự án Văn phòng điều hành Cảng Sài Gòn hiện cũng chưa xác định mức hỗ trợ của nhà nước để cân đối, thu xếp nguồn vốn đầu tư nên chưa thể triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ di dời.
VIMC đề xuất Thủ tướng và các cấp thẩm quyền xem xét áp dụng một chính sách hỗ trợ di dời thống nhất đối với các doanh nghiệp di dời (gồm Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Ba Son) trong quá trình xử lý đất tại vị trí cảng cũ, đầu tư xây dựng cảng mới phục vụ di dời, chế độ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng, giữa các doanhnghiệp di dời và người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp di dời ổn định sản xuất kinh doanh tại vị trí mới.
Theo đó cần xác định nghĩa vụ tài chính đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực di dời; hoàn trả vốn tạm ứng từ ngân sách nhà nước và khấu trừ các khoản đã tạm ứng của doanh nghiệp thực hiện dự án chuyển đổi công năng khu đất cảng cũ để các bên đi và đến đều có lối thoát tại dự án này.