Chủ Nhật, 21/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đi qua giông bão, doanh nghiệp gỗ tìm cơ hội tăng tốc

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dù còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đồ gỗ ở Việt Nam trong những năm sắp tới được kỳ vọng sẽ có cơ hội để chuyển biến và tăng tốc, đặc biệt khi có nhiều đơn vị đã vượt qua “giông bão” bình an.

Một trong những yêu cầu quan trọng đối với ngành sản xuất đồ gỗ nói chung và từng  doanh nghiệp nói riêng là mở rộng và phát triển thị trường, tiếp tục cải tiến và nâng giá trị sản phẩm, kiên định mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung và làm phát tăng cao, ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam đã trải qua một năm đầy “giông bão”. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Chầm chậm đi qua một năm đầy gian nan

Giống như dệt may, da giày… những lĩnh vực không thiết yếu khi nền kinh tế thế giới khó khăn và lạm phát tăng cao, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ gỗ cũng đã nếm trải một năm đầy “giông bão”.

Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh… dẫn đến các đơn hàng sụt giảm nhiều, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất; thậm chí một số doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập nhiều…

Cụ thể như các địa phương có thế mạnh phát triển ngành đồ gỗ tại Bình Định, Bình Dương… trong nửa đầu năm nay phải chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa và người lao động mất việc làm.

Nhiều doanh nghiệp chỉ đạt mức xuất khẩu 50-60%, thậm chí thấp hơn nhiều. Ngay cả Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt được giới trong ngành đánh giá có kết quả kinh doanh tương đối khá tốt, nhưng vị Chủ tịch công ty, ông Nguyễn Liêm cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu đồ gỗ của công ty chỉ đạt 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong 11 tháng năm 2023 đạt 12,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,5% của cùng kỳ năm ngoái. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nếu đà xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành năm nay sẽ đạt từ 13,5 đến 14 tỉ đô la, giảm 15,5% so với năm 2022.

Nếu con số ước tính này thành hiện thực thì đây sẽ là năm giảm sâu nhất và không ghi nhận tăng trưởng. Bởi lẽ nhiều năm liền trước đó, ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt được tăng trưởng cao ở mức 2 con số nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao.

Và so với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 17 tỉ đô la được ngành gỗ đặt ra hồi đầu năm thì kết quả này bị thấp hơn 3-3,5 tỉ đô la.

Ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ đô la vào năm 2025.

Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường nội thất toàn cầu đạt giá trị 677 tỉ đô la vào năm ngoái và sẽ đạt 1.070 tỉ đô la năm 2030. Nghĩa là dư địa của ngành vẫn còn nhiều để các doanh nghiệp có thể bứt phá so với con số thực hiện trong năm 2022 là gần 17 tỉ đô la.

Trên thực tế, việc sụt giảm này cũng không khó hiểu khi mà kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao và người tiêu dùng khắp nơi cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ. Đáng chú ý, do nhu cầu mua sắm ở các thị trường lớn bị sụt giảm mạnh dẫn đến một số nhà nhập khẩu và phân phối mặt hàng đồ gỗ rơi vào tình cảnh khó khăn, dẫn đến phá sản.

Tuy vậy, giới quan sát cũng nhìn nhận, sự sụt giảm kim ngạch này một phần cũng do nội tại của chính doanh nghiệp và ngành bởi hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu sự quan tâm cho khâu xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường.

Điểm yếu này khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm. Có thể thấy rõ điều này khi trong cùng bối cảnh chịu ảnh hưởng của tình trạng lạm phát lan rộng hiện nay, doanh nghiệp Việt bị sụt giảm mạnh đơn hàng trong khi các doanh nghiệp FDI trong ngành vẫn sản xuất đều đặn.

Thị trường xuất khẩu chủ lực của đồ gỗ Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Do công tác phát triển thị trường, tham gia vào giá trị thương mại chưa tốt nên nhiều năm qua thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn chỉ là những cái tên quen thuộc như Mỹ (gần 60% giá trị xuất khẩu), khu vực châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong khi đó tiềm năng các thị trường khác không nhỏ, như Ảrập Saudi, khu vực Trung Đông, Ấn Độ… cũng đang bùng nổ. Dù trong nửa năm nay, việc triển khai đầu tư phát triển ở những thị trường này của doanh nghiệp được đẩy mạnh hơn, nhưng do mới thâm nhập nên vẫn còn hạn chế, và chưa thể thay thế phần bị sụt giảm ở những thị trường xuất khẩu lớn truyền thống như đề cập ở trên.

Thách thức nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít

Nhận diện cơ hội và thách thức trong năm 2024, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, cho rằng năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn đối với ngành gỗ. Ngành này vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn.

Theo vị Chủ tịch Viforest bên cạnh các khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành. Đó là các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm.

Các nhà mua hàng quốc tế ngày càng quan tâm tìm đến nguồn cung đồ gỗ của Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Cụ thể, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6-2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng.

Bên cạnh đó, yêu cầu cả ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu Net-zero ngày càng tăng. Sản phẩm có hàm lượng carbon cao sẽ mất tính cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 – 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ có nguy cơ rủi ro về pháp lý, chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Theo ông Lập, điều này không chỉ tác động tiêu cực tới hình ảnh của toàn ngành gỗ Việt mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ.

Tương tự, theo ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp – Tổ chức Forest Trends, cũng cho rằng quy định EUDR sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường khu vực châu Âu.

Ở góc độ đại diện tiến nói doanh nghiệp ngành gỗ ở TPHCM, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cũng lo ngại về quy định mới EUDR không chỉ đến từ các nhà xuất khẩu mà còn đến từ các nhóm khách hàng (người mua hàng của EU).

Những yêu cầu cụ thể của các quy định này đặt ra những thách thức lớn cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng chính sách, hạ tầng thông tin, để từ đó người sản xuất biết số gỗ đó được sản xuất ở khu đất nào, có đáp ứng được yêu cầu của EUDR hay không? “Việc nguồn gốc gỗ chứng minh ở Việt Nam đã khó, nhưng việc chứng minh ở nước nhập khẩu còn khó hơn”, ông Phương nói.

Các doanh nghiệp trong ngành đánh giá, hiện nay thị trường ngành gỗ đã xuất hiện một số dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, sự hồi phục này chưa đáng kể. Ít nhất nửa đầu năm 2024 các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, ông Đỗ Xuân Lập cũng nhận định rằng thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục. Dự báo tăng trưởng của ngành sẽ chậm và không cao, khoảng 10% đến 12% so với những quí cuối năm 2023.

Giải pháp trọng tâm nhất trong năm tới là cần tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.

Cũng cho rằng thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho rằng ngành đồ gỗ Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng tốc phát triển.

Theo ông Khanh, hiện Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng mạnh của ngành gỗ trên thế giới. Nhiều nhà mua hàng đồ gỗ quốc tế ở các thị trường lớn tin tưởng nguồn cung Việt Nam và tiếp tục tìm đến nền kinh tế gần 100 triệu dân.

Với vị trí là Trưởng ban tổ chức Hội chợ Xuất khẩu nội thất năm 2024 (Hawa Expo 2024) diễn ra vào tháng 3 tới ở TPHCM, ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết, qua trao đổi, một số khách hàng nước ngoài rất mong muốn tham gia hội chợ ở Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành đồ gỗ Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng tốc khi các nhà mua hàng quốc tế tin tưởng tiếp tục tìm đến. Ảnh: Hùng Lê

“Việc tổ chức được hội chợ đủ lớn, tập hợp tất cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất trong nước có điều kiện tiếp thị trực tiếp với giá thành tốt nhất là mục tiêu của Hawa Expo 2024”, ông Khanh nói và kỳ vọng Hawa Expo 2024 sẽ là “bùa giải hạn” cho ngành gỗ trong nước.

Đáng chú ý, hội chợ chuyên ngành đồ gỗ quốc tế này dự kiến có hơn 700 nhà triển lãm và lần đầu tiên tổ chức cùng lúc 3 địa điểm gồm Trung tâm Hội chợ và Triễn lãm Sài Gòn (SECC), White Palace Phạm Văn Đồng cùng ở TPHCM và Trung tâm triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương.

“Chiến dịch truyền thông toàn cầu cùng loạt đặc quyền nhờ các liên kết chéo hỗ trợ tiến tới mục tiêu thu hút 30.000 khách hàng hàng từ 120 quốc gia và lãnh thổ; sự góp mặt lần đầu của nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhóm doanh nghiệp thiết kế, nhóm thầu hợp đồng… để tạo nên một bức tranh đặc sắc, cập nhật đúng năng lực của ngành công nghiệp xuất khẩu top 5 Việt Nam”, vị Chủ tịch Hawa nói, và cho biết Hawa Expo 2024 cũng là hội chợ đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tiên phong áp dụng mô hình triển lãm đa điểm, theo các chủ đề riêng biệt.

Tương tự, ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Chủ tịch Công ty Sadaco, cũng cho rằng sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã chậm lại rõ nét kể từ đầu quí 4-2023.

Ông Mạnh cho rằng ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp cần nhanh chóng nối lại những đơn hàng đã mất. Theo đó, các hội chợ, triển lãm sẽ là cơ hội quan trọng cho doanh nghiệp gặp gỡ đối tác, nối lại các hợp đồng để nắm bắt cơ hội hồi phục của thị trường.

Bên cạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, khâu cải thiện sản xuất và quản trị rất quan trọng. Đó là giảm phát thải gắn liền với chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị và đổi mới trang thiết bị để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngành gỗ cũng cần kết hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham gia vào nhiều chương trình giao ban ngoại giao kinh tế để mở hội chợ cho các doanh nghiệp mở các văn phòng, kho hàng tại các công ty, tại các trung tâm mua hàng lớn, đặc biệt là tại các thị trường châu Âu và Mỹ… Đây là cơ hội vững chắc nhất để các nhà máy “sáng đèn”, đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới