Đi tìm biểu tượng Sài Gòn
Thanh Uyên
(TBKTSG) - Một chiều mùa thu ở Bagan, khi ngắm vạt hoàng hôn màu đỏ da diết phủ lên những đền đài cổ xưa, cô bạn người Anh đi chung nhóm bỗng quay sang hỏi tôi: “Sài Gòn của bạn có những biểu tượng nào?”. Hơn mười năm gắn bó với Sài Gòn nhưng tôi đã chần chừ, không thể trả lời ngay câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy.
Người Sài Gòn thích khoe của từ bao giờ?
![]() |
Hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng... |
![]() |
...dần biến mất. |
Tôi đang đứng trước một biểu tượng của đất nước chùa vàng. Du khách bốn phương đang ngẩn ngơ trước vẻ đẹp vừa nên thơ vừa cổ kính của hoàng hôn Bagan. Sự im lặng mê say trước không gian ấy khiến tôi sợ một câu trả lời nhanh nhảu có thể “không phải” với Sài Gòn nơi tôi đang sống.
Đâu là biểu tượng của Sài Gòn hơn 300 tuổi? Tôi có thể dẫn những người bạn phương xa của mình đi đâu khi họ đến Sài Gòn? Nơi đâu mới đậm chất Sài Gòn nhất? Nơi đâu mang hình dáng, cốt cách của Sài Gòn?
Năm 1870, người Pháp đã vẽ chiếc logo đầu tiên về Sài Gòn. Trong logo, hình ảnh hai con cọp ngụ ý đây là vùng đất còn hoang sơ; con tàu ở giữa ý chỉ đây là vùng sông nước nhiều kênh rạch; vương miện năm cánh như thông báo Sài Gòn sẽ giao thương với năm châu bốn biển. Sài Gòn trong con mắt của người Pháp hơn ba thế kỷ trước hoang sơ nhưng đầy triển vọng.
Nhưng Sài Gòn luôn biến chuyển. Biểu tượng không có tính duy nhất và đứng yên, như dòng chữ Latinh in trên logo của người Pháp - “Paulatim Crescam” - “Cứ từ từ, tôi sẽ phát triển”. Kênh rạch dần thu hẹp, gò hoang dần biến mất. Sự hoang sơ kia chỉ còn trong các trang sử địa chí Gia Định một thời kỳ.
Sài Gòn xuất hiện trong những chiếc tem thư, trong những tấm bưu thiếp, trong những thước phim... bằng hình ảnh chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành Phố, Nhà hát Thành Phố, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, tượng đài Trần Nguyên Hãn, thương xá Tax... Tất cả như những ẩn dụ cho văn hóa và kinh tế và lịch sử của Sài Gòn.
Và rồi những tòa cao ốc mọc lên như chỉ dấu của những con số tăng trưởng. Vài giây chuyển cảnh trong một đoạn phim làm tôi chợt nhận ra biểu tượng của thành phố - hình ảnh để mỗi khi nhìn thấy, người ta nhận ra đó là Sài Gòn - nay đã đổi khác. Sài Gòn xuất hiện với diện mạo mới. Chiều cao chọc trời của những trung tâm thương mại thật phù hợp để tả một thành phố lung linh, giàu có, đầu tàu kinh tế của cả nước.
Biểu tượng là quy ước ký hiệu của một cá nhân hay của tập thể. Quá trình hình thành biểu tượng là sự tái sinh của cảm thức, của ý niệm. Sài Gòn không của riêng ai. Ai cũng có quyền nhìn Sài Gòn, thích Sài Gòn theo cách của mình. Và dẫu đồng ý hay không, tôi cũng không thể phủ nhận “Sài Gòn” của một ai. Nhưng nhìn những tòa nhà cao tầng lấp lánh, tôi tự hỏi bóng dáng của Sài Gòn ở đâu trong ấy?
Ở Bagan khi ấy, tôi hình dung ra chuyến đi chơi Sài Gòn cùng cô bạn. Tôi không thể dẫn cô bạn của tôi đến những tòa cao ốc để “check in” như thể đang đứng trước một công trình biểu tượng của Sài Gòn. Điều này cũng giống như việc tôi sẽ không đưa cố ấy đi uống Starbucks, ăn McDonald’s để bày tỏ lòng hiếu khách. Chuyến đi dạo Sài Gòn trong mường tượng của tôi bỗng bị kẹt lại giữa những mơ hồ, hoài nghi về biểu tượng, giữa những băn khoăn định danh một thành phố.
Người ta thường ngợi ca Sài Gòn bao dung, hồn hậu, sẵn sàng đón nhận những khác biệt. Tôi càng thấm thía đức tính này của thành phố mỗi khi sáng ra nghe bao phương ngữ lẫn vào. |
Với tôi, biểu tượng không chỉ là hình ảnh tượng trưng, xuất hiện trong các chương trình quảng bá du lịch. Biểu tượng không chỉ là hình ảnh để khách xa nhận ra danh tính một vùng đất. Nó phải gần gũi, gắn kết với đời sống thường nhật của cư dân. Nói cách khác, những hình ảnh được gán cho ý nghĩa biểu tượng phải hiện diện trong đời sống cộng đồng. Đó là hình ảnh neo giữ trong ký ức và hiện ra mỗi khi ta khắc khoải nhớ về.
Ngày chúng tôi còn nhỏ, Sài Gòn với tôi là rạp chiếu phim Văn Hoa - Đa Kao trên đường Trần Quang Khải, nơi tôi được xem bộ phim điện ảnh đầu tiên trong đời. Với người bạn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hình dáng thành phố trong trí nhớ của cô thu nhỏ lại thành chợ Gia Định, nơi có món xôi đậu xanh dẻo bùi, thơm ngậy mà bà ngoại vẫn thường mua cho cô mỗi xế chiều.
Khi tôi trở thành sinh viên, Sài Gòn với tôi là hàng cây thẳng tắp trên đường Tôn Đức Thắng, là vương cung thánh đường dưới những chòm lá xanh. Sài Gòn cũng có thể khiêm tốn là quán cà phê nhỏ nằm nơi ngã tư khi tôi thêm một ít tuổi, ra trường, đi làm.
Ký ức Sài Gòn có khi chỉ đơn sơ là chiếc bảng hiệu quảng cáo bia đặt phía trên sông Sài Gòn. Với anh bạn người Mỹ của tôi, đó là hình ảnh thân thương về thành phố anh từng trú ngụ. Anh đã từng bao lần đi ngang qua bảng hiệu đó trong những buổi sáng hối hả. Giữa dòng xe nhộn nhịp, anh chỉ kịp đưa mắt nhìn tấm bảng trong tích tắc, như một thói quen khó bỏ ngày anh còn ở Sài Gòn. Và rồi hình ảnh ấy bám theo anh qua nhiều thành phố. Có lần trong cơn nhớ Sài Gòn, anh nhắn tin hỏi tôi tấm bảng ấy có còn ở trên sông?
Nhưng tấm bảng đã không còn, giống như những biểu tượng trong lòng tôi cứ dần biến mất. Rạp chiếu phim. Hàng cây. Gói xôi tuổi thơ của bạn tôi cũng không còn khi người ta già đi và rời xa. Chuyến đi chơi tưởng tượng của tôi lại một lần nữa bị kẹt trong những tổn thương, mất mát của thành phố
Tôi nhìn thấy ký ức của Sài Gòn bị chôn sâu dưới những tòa cao ốc lộng lẫy, biểu tượng mới của thành phố. Rồi những người mới đến sẽ thản nhiên bước qua. Những thị dân lâu đời liệu rồi cũng sẽ đến lúc quên mất một Sài Gòn đã từng trong tim mình?
Khi tôi chuẩn bị rời Sài Gòn chuyển đến một thành phố khác, cô hàng xóm hỏi thăm “đi rồi khi nào về?”. Chữ “về” của cô gieo cho tôi sự ngạc nhiên lẫn niềm xúc động. “Về” - Người ta thường dùng từ ấy để nói “về nhà”, “về quê”, về một nơi thân thuộc. Hóa ra cô hàng xóm, một người thật Sài Gòn với đầy đủ gốc gác và chất giọng đã không hề xem tôi như một di dân từ nơi khác đến. Người ta thường ngợi ca Sài Gòn bao dung, hồn hậu, sẵn sàng đón nhận những khác biệt.
Tôi càng thấm thía đức tính này của thành phố mỗi khi sáng ra nghe bao phương ngữ lẫn vào. Có bác lái xe gần nhà nói đặc giọng Bắc, nhà cô bán tạp hóa giọng miền Trung, cả chị gái miền Tây vẫn hay nhắc mọi người “đổ gác” đúng giờ... Xóm có mấy nhà theo đạo công giáo, mỗi mùa Noel lại trang hoàng cây thông, gắn đèn nhấp nháy cả lối vào làm bọn trẻ con khấp khởi vui theo.
Ở thành phố mới, tôi giới thiệu mình đến từ Sài Gòn. Tôi sẽ không nói “đi Sài Gòn”, mà là “về Sài Gòn”. Đó không phải là một kiểu nhận vơ danh tính “người Sài Gòn” cho sang. Đó cũng không phải là sự trốn tránh gốc gác nơi sinh ra của mình.
Tôi biết ơn Sài Gòn đã chứa chấp một tuổi trẻ nhiều mộng mơ, dại khờ. Ngày trên phố trôi nhanh, dòng người tấp nập qua lại, thành phố bận rộn dường như không ngủ nhưng lúc nào cũng hồn hậu đón nhận dòng người xa lạ. Họ đến Sài Gòn mang theo ước mơ, hoài bão.
Đó là cậu sinh viên tỉnh lẻ, là cô bán chè tha hương nuôi con vào đại học, là vị khách phương Tây trót lỡ yêu mảnh đất này, là những người trẻ tìm thấy ở đây nhiều cơ hội. Một phần đời của tôi đã được tạo nên từ thành phố này. Sài Gòn đã hóa thành xứ sở quê hương.
Có nhiều điều đã đổi thay, biến mất trên mỗi con phố. Những mất mát, tổn thương khiến người ta khó tránh mỏi mệt, rệu rã. Nhưng Sài Gòn vẫn vậy, vẫn bao dung đón nhận giấc mơ của bao người.