Thứ sáu, 23/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm cửa sông đã mất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm cửa sông đã mất

Ở cửa biển Trần Đề, phía đuôi cù lao Dung được phù sa bồi đắp và lấn dần ra biển nhờ những cây mắm và cây đước. Ảnh: Thùy Nguyên

(TBKTSG Online) - Sông Mê Kông, người Việt gọi là sông Cửu Long bởi có chín nhánh sông uốn lượn như rồng trước khi đổ ra biển Đông. Nhưng khoảng vài chục năm nay, một trong chín cửa sông đã biến mất trên bản đồ. Phóng viên TBKTSG Online vừa theo chân đoàn du khảo "Đi tìm cửa sông đã mất".

Công ty du lịch Dấu Ấn Việt (Vietmark) tại TPHCM đã thực hiện một chuyến khảo sát thực địa trong ba ngày vào cuối tuần qua để chuẩn bị xây dựng tuyến tham quan, du khảo với hai chủ đề là "Đi tìm cửa sông đã mất" và "Chấm điểm cực nam đích thực của tổ quốc".

Trước đây, Cửu Long tượng trưng cho chín cửa sông đổ ra biển Đông; tuần tự từ bắc xuống nam gồm cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Bách Sác (hay còn gọi là Ba Thắc) và Trần Đề. Trong chuyến đi này, chúng tôi đến nơi đã từng có cửa Ba Thắc, nay đã không còn.

Tìm đến đầu dòng Ba Thắc

Từ TPHCM, chúng tôi khởi hành lúc trời chưa tỏ và dừng chân tại thành phố Mỹ Tho để thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho đặc sản trước khi qua phà Rạch Miễu đến xứ dừa Bến Tre.

Gió sông lồng lộng, mát rượi. Vào hôm chúng tôi đến thì chỉ vài hôm sau cầu Rạch Miễu được khánh thành, và những chiếc phà trên tuyến này sẽ chấm dứt nhiệm vụ sau bao năm cần cù, lặng lẽ đưa người và hàng hóa sang sông. Cái cảm giác khi đặt chân lên con phà lần này thật đặc biệt, thế nên qua sông rồi vẫn chưa muốn rời phà, chúng tôi nán lại để chụp cho nhau vài tấm hình kỷ niệm, lưu lại hình ảnh những chuyến phà cuối cùng giữa hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Điểm đến đầu tiên tại Bến Tre chính là cửa sông Ba Lai của dòng Cửu Long giang “khởi động” chuyến đi thú vị này và giúp các thành viên hiểu thêm về lịch sử hình thành của con sông Mê Kông. Để tìm đến cửa sông Ba Lai, chúng tôi cũng loay hoay mất một ít thời gian vì bác tài không quen đường và đường đi còn rất xấu. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân trên công trình cống đập Ba Lai chắn ngang cửa sông Ba Lai thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đập này dài 544m với 10 cửa xả nằm trong dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre khánh thành vào ngày 30-4 năm 2002.

Anh Trương Hoàng Phương (bìa phải), giám đốc tiếp thị công ty Vietmark, đang giải thích cho các thành viên trong đoàn tvề sự thu hẹp của con sông Ba Thắc (nay là sông Cồn Tròn) qua một bản đồ cổ do người Pháp vẽ anh sưu tầm được. Ảnh: Thùy Nguyên

Trời dần nóng lên, nhưng đoàn lại tiếp tục lên đường qua Trà Vinh và liên tiếp sang hai con phà trên hai con sông Cổ Chiên và Hàm Luông (có cửa sông Cổ Chiên và Hàm Luông) rồi lại lên thuyền tìm đến huyện cù lao Dung tỉnh Sóc Trăng, tìm đến đầu dòng con rạch Cồn Tròn, dấu vết của con sông Ba Thắc (nơi có cửa sông Ba Thắc hay Bách Sác) khi xưa.

Cư dân địa phương khi được hỏi thì hầu hết đều không còn nhớ đến tên Ba Thắc năm xưa mà chỉ biết đến con sông (rạch) Cồn Tròn và theo quan sát thực địa của chúng tôi, so sánh với con sông của một bản đồ cũ xuất bản năm 1952 do người Pháp vẽ và bản đồ hiện tại thì lòng sông đã thu hẹp đáng kể.

Anh Trịnh Công Lý, giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết tại vàm Đại Ngải (nơi con sông Hậu, nhánh thứ hai của sông Mê Kông ở đồng bằng Nam bộ, chia làm ba nhánh là Định An, Bách Sác và Trần Đề) đầu cù lao Dung nổi lên một hệ thống cồn nối tiếp nhau và hiện tượng phù sa bồi đắp làm cho lượng nước đổ vào con sông Ba Thắc ngày càng ít và dòng sông ngày càng cạn dần, có lúc chiều dài giữa hai bờ sông chỉ còn 7 mét.

Ra cửa biển

Trời đã về chiều, chúng tôi ghé vào nghỉ tại một nhà dân địa phương tại cửa rạch Cồn Tròn chuẩn bị sức khỏe cho chuyến đi sáng mai tìm ra tận cửa biển. Chủ nhà tại xã Đại Ân 1 - cù lao Dung đón tiếp chúng tôi thật nhiệt tình bằng món cá lóc nướng trui chấm muối ớt hấp dẫn. Ở đây, chúng tôi có được một cuộc gặp gỡ với người già trong làng đến trò chuyện xung quanh câu chuyện về cửa sông đã mất.

Bác Dương Văn Cảnh, 73 tuổi, cho biết do sự bồi lắng tích tụ phù sa nên phần đuôi cù lao Dung giáp với biển Đông thuộc xã An Thạnh Nam huyện cù lao Dung lấn dần ra biển Đông đến hơn 7 ki lô mét và nắn lại dòng sông Ba Thắc, làm dòng nước của cửa sông này đổ về phía nhánh Trần Đề chứ không còn trực tiếp đổ ra biển nữa.

Bác Cảnh cho biết thêm, đoạn đuôi cù lao Dung lấn dần ra biển do được những loài cây lấn biển là cây mắm và cây đước tiếp sức đồng thời tạo ra một bãi nghêu thiên nhiên trước cửa biển giúp cho bà con ngư dân thu hoạch mỗi năm được hơn 1 tỉ đồng.

Sáng sớm hôm sau, sau khi làm ấm bụng bằng một nồi cháo hột vịt muối nóng hổi, cả đoàn cùng bác Cảnh và một số cư dân địa phương đi ca nô theo dòng sông Cồn Tròn ra đến cửa biển Trần Đề xem bà con ngư dân đánh bắt thủy sản.

Còn tiếp: Về Cà Mau chấm điểm cực Nam đích thực

THÙY NGUYÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới