(KTSG) - Mức lãi suất vay niêm yết hay thể hiện trên hợp đồng tín dụng trong năm đầu nhìn thì thấy thấp nhưng nếu tính cả chi phí phải bỏ ra để mua bảo hiểm nhân thọ thì cao hơn nhiều...
Lãi suất vay thực
Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN diễn ra chiều 25-4-2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất dù đã có điều chỉnh giảm nhưng đâu đó vẫn có những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân cao bất thường, với mức cao hơn 14%/năm.
Có thể thấy xu hướng lãi suất huy động tăng cao giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 đã ảnh hưởng như thế nào lên lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, cũng cần biết rằng trong 2-3 năm trở lại đây, với việc bị ép mua kèm bảo hiểm khi vay vốn, chi phí vay mà không ít khách hàng phải bỏ ra thật sự lớn hơn nhiều. Nếu những năm trước đây, người vay thường chỉ phải mua bảo hiểm rủi ro cho các tài sản thế chấp với phí bảo hiểm không đáng kể, thì kể từ khi các ngân hàng đẩy mạnh phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), khách hàng vay vốn tại nhiều ngân hàng phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cho chính bản thân mình.
Đứng về phía ngân hàng, việc người vay mua BHNT được xem là một hình thức bảo đảm an toàn cho khoản vay, trong trường hợp người vay không may qua đời, ngân hàng vẫn có cơ hội thu hồi lại nợ vay từ khoản tiền bảo hiểm đền bù cho khách hàng. Nhưng ngoại trừ những khoản vay tín chấp với giá trị nhỏ (nhưng thường lại không bị ép mua BHNT), thì các khoản vay thế chấp rõ ràng có thể mang tài sản bảo đảm ra xử lý khi có rủi ro xảy ra, liệu có cần thiết phải mua BHNT?
Cùng với các giải pháp kéo giảm lãi suất trở lại, các cơ chế, chính sách ngăn chặn những khoản chi phí đi kèm với khoản vay cần được thực thi nghiêm túc để hỗ trợ khách hàng, mà trong đó có việc ép khách hàng mua BHNT khi vay vốn.
Trong khi đó, chi phí mà khách hàng phải bỏ ra cho các hợp đồng BHNT này khá lớn, đặc biệt ở năm đầu tiên, thường chiếm từ 1,5-2,5% giá trị khoản vay. Thông thường các ngân hàng triển khai các sản phẩm cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn so với khung niêm yết trong giai đoạn ba tháng, sáu tháng hoặc năm đầu tiên.
Tuy nhiên, khi cộng thêm chi phí phải bỏ ra để mua BHNT như trên, mức lãi suất thực mà khách hàng phải trả trong năm đầu tiên cao hơn nhiều so với trên hợp đồng tín dụng và có lẽ cũng chẳng còn mấy gọi là ưu đãi.
Sang đến năm thứ hai, hầu hết khách hàng mua BHNT theo kiểu này chấp nhận bỏ hợp đồng, không đóng phí tiếp - điều mà họ đã sớm xác định khi bị ép mua BHNT lúc ban đầu để được vay vốn. Nhưng lúc này, lãi suất cho vay sau ưu đãi năm đầu tiên cũng đã được điều chỉnh về lại mức bình thường. Do đó, có thể thấy nhiều ngân hàng đưa ra các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi không loại trừ khả năng chỉ để sử dụng bán thêm sản phẩm BHNT nhằm tăng nguồn thu phí.
Trong trường hợp cương quyết không mua BHNT kèm theo, khách hàng có thể không được giải ngân hoặc phải chấp nhận mức lãi suất cho vay thậm chí còn cao hơn. Dĩ nhiên khách hàng vẫn có thể tìm đến các ngân hàng khác để vay. Tuy nhiên, trong bối cảnh phần lớn các ngân hàng đều triển khai chính sách này, ngay cả các ngân hàng lớn có thương hiệu, uy tín cũng không nằm ngoài cuộc chơi, thì khách hàng không có nhiều chọn lựa. Một phần nhỏ còn do họ đã có những mối liên hệ chặt chẽ, giao dịch lâu năm với ngân hàng hiện hữu.
Ngoài ra, nhiều người cũng không có đủ thông tin, kiến thức tài chính để so sánh mức lãi suất vay giữa các ngân hàng. Theo đó, mức lãi suất vay niêm yết hay thể hiện trên hợp đồng tín dụng tại ngân hàng này có thể thấp hơn tại ngân hàng khác, nhưng nếu tính cả chi phí phải bỏ ra để tham gia BHNT năm đầu tiên thì có khi cao hơn nhiều.
Chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm nhân thọ
Theo Hiệp hội Bảo hiểm, gần một triệu hợp đồng BHNT đã được bán qua kênh ngân hàng trong năm 2022, với tổng phí khai thác mới gần 23.800 tỉ đồng, chiếm 46% doanh số khai thác mới của kênh BHNT. Cũng theo Hiệp hội Bảo hiểm, nếu tính lũy kế đến hết năm 2022, có khoảng 2,9 triệu hợp đồng BHNT được bán qua kênh ngân hàng, với doanh số khai thác là 45.000 tỉ đồng. Như vậy, số lượng hợp đồng BHNT phát sinh riêng trong năm 2022 đã chiếm đến 34% tổng số hợp đồng phát sinh từ trước đến hết năm 2022, cho thấy hoạt động này đã tăng trưởng nóng như thế nào trong năm vừa qua.
Ngoại trừ những khoản vay tín chấp với giá trị nhỏ (nhưng thường lại không bị ép mua BHNT), thì các khoản vay thế chấp rõ ràng có thể mang tài sản bảo đảm ra xử lý khi có rủi ro xảy ra, liệu có cần thiết phải mua BHNT?
Còn tính toàn thị trường đến cuối tháng 3-2023, có khoảng 13,68 triệu hợp đồng BHNT, giảm gần 250.000 hợp đồng so với cuối năm 2022. Có nhiều nguyên nhân khiến số hợp đồng giảm vào cuối tháng 3 đã được đưa ra, như do một số hợp đồng đáo hạn và thị trường bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu cực giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, có lẽ một nguyên nhân không nhỏ là những khách hàng bị buộc mua BHNT khi vay vốn vào năm ngoái đã chấp nhận bỏ hợp đồng như đã nói.
Liệu có được bao nhiêu khách hàng sẵn sàng tái tục khi đã trải qua những cảm xúc bất mãn, bực bội vì bị ép mua lúc vay vốn? Trong khi đó, lực lượng nhân viên bán các sản phẩm này tại các ngân hàng không chỉ tư vấn sơ sài tại thời điểm ban đầu, mà cũng không mấy mặn mà liên hệ, tư vấn, khuyến nghị khách hàng tiếp tục theo đuổi. Bởi lẽ, họ chỉ chăm chăm bán cho được ở năm đầu tiên để đạt KPI và nhận những tỷ lệ phần trăm hoa hồng hấp dẫn từ phía công ty bảo hiểm.
Không biết các ngân hàng khi ký các hợp đồng hợp tác, liên kết với các công ty bảo hiểm, bên cạnh mức phí trả trước khổng lồ lên đến hàng ngàn tỉ đồng, có kèm theo những điều kiện, chỉ tiêu về doanh số mỗi năm phải đạt được hay không, để đến nỗi phải giao KPI ngược lại đến nhân viên bên dưới một cách hà khắc, đồng thời chấp nhận đánh đổi thương hiệu, uy tín để bán các sản phẩm này, bất chấp tai tiếng, cũng như các nhắc nhở, cảnh báo từ phía cơ quan quản lý.
Thật ra ngay từ tháng 9 năm ngoái, NHNN đã có Văn bản 6535/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) về một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD, trong đó yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Nhưng câu chuyện phải mua BHNT khi vay vốn dường như vẫn chưa được xử lý triệt để. Mới đây, NHNN chi nhánh TPHCM cho biết sẽ thanh tra hoạt động đại lý bảo hiểm tại các ngân hàng.
Trong một diễn biến khác, theo thống kê của NHNN, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới vừa được thực hiện thì lãi suất tiền gửi bình quân là 6-6,1%/năm, lãi suất cho vay khoảng từ 9-9,2%/năm, phản ánh những nỗ lực kéo giảm lãi suất trở lại trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thiết nghĩ cùng với các giải pháp kéo giảm lãi suất trở lại, các cơ chế, chính sách ngăn chặn những khoản chi phí đi kèm với khoản vay cần được thực thi nghiêm túc để hỗ trợ khách hàng, mà trong đó có việc ép khách hàng mua BHNT khi vay vốn.
Lãi suất có hai loại, danh nghĩa và thực tế, sau khi cộng trừ lạm phát. Còn lãi suất niêm yết, chỉ là chiêu thôi. Bởi đàng sau đó còn nhiều yếu tố “mờ” mà khách hàng nhiều khi không nắm rõ, hoặc bị đặt vào thế đã rồi. Vậy nên, cần luật hóa, công khai hóa lãi suất, phí trong mọi giao dịch tài chính, tránh hiện tượng bất bình đẳng, thiếu minh bạch.