Đi tìm lời giải cho mối quan hệ nước ngầm và sụt lún đất ở ĐBSCL
Trung Chánh
(KTSG Online) – Sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra ngày càng nghiêm trọng và một trong những nguyên nhân được xác định là do khai thác nước ngầm quá mức.
Đô thị Cần Thơ chịu tác động của tình trạng sụt lún. Ảnh: Thanh Liêm |
Báo cáo tại hội thảo “Quản trị tình trạng sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ở TP Cần Thơ vào hôm nay, 22-3, đã chỉ ra rằng, sụt lún đất xuất phát từ tác nhân của tự nhiên và tác nhân của con người.
Theo đó, tác nhân của tự nhiên như: sự nén (hoặc cố kết) lớp phù sa mềm rời rạc theo thời gian và gia tải tự nhiên; hoặc các quá trình khác của tự nhiên gây ra sụt lún là quá trình oxy hoá các chất hữu cơ trong đất…
Còn tác nhân do con người, thì bắt nguồn từ các hoạt động của con người làm thay đổi hoàn cảnh tự nhiên ở vùng ĐBSCL ở trên và dưới bề mặt. Chẳng hạn, như làm tăng trọng lượng lên bề mặt do việc xây dựng các toà nhà hoặc cơ sở hạ tầng hay hạ thấp nước ngầm do hoạt động khai thác nước ngầm…
Ông Hà Quang Khải, Viện Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, các số liệu báo cáo cho thấy, khai thác nước ngầm ở ĐBSCL đạt mức 2 triệu m3/ngày đêm. “Nhưng, có những mũi khoan của các hộ dân chưa được tính nên thực tế khối lượng nước ngầm khai thác ở ĐBSCL còn cao hơn”, ông cho biết.
Theo ông Khải, việc gia tăng khai thác làm mực nước ngầm hạ thấp rất nhanh. “Tốc độ hạ thấp nước ngầm trung bình từ 2001-2010 lên 2,85 mét”, ông nói và cho rằng, việc khai thác nước ngầm càng nhiều, tốc độ hạ thấp sẽ rất lớn.
Ông Khải cho rằng, khai thác nước ngầm sẽ dẫn đến sụt lún đất. “Kết quả quan sát dựa vào ảnh vệ tinh cho toàn vùng ĐBSCL, thì sụt lún giai đoạn từ 2014 đến 2019 lên đến 5 cm/năm”, ông cho biết và dẫn chứng thêm rằng, ở TP Cần Thơ, kết quả quan trắc từ 2014 đến 2019 cũng như nghiên cứu của Đại học Cần Thơ cho thấy, có một sự tương quan nhất định của việc hạ thấp nguồn nước ngầm và sụt lún mặt đất.
Theo ông Khải, nếu TP Cần Thơ gia tăng khai thác nước ngầm mỗi năm 2%, thì đến năm 2100, gần như toàn bộ địa hình sẽ âm 0,5 mét so với mực nước biển. “Nếu chúng ta giảm khai thác nước ngầm 50%, thì diện tích bị ngập sẽ nhỏ hơn rất nhiều”, ông cho biết.
Sử dụng nước ngầm kinh tế hơn nước mặt
Khai thác nước ngầm là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng sụt lún đất ở ĐBSCL. Vậy, câu hỏi được đặt ra, đó là vì sao lại gia tăng khai thác nước ngầm, mà không phải là nước mặt?
Ông Đặng Văn Thanh, Phó trưởng phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường thuộc Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ nêu thực trạng, số lượng doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng nguồn nước ngầm là rất nhiều. Bởi, về chi phí tính toán chênh lệch giữa nước ngầm và nước mặt là rất cao (nước mặt cao hơn nước ngầm- PV) nên họ ưu tiên sử dụng nguồn nước ngầm họ khai thác.
Mặt khác, theo ông Thanh, đa số các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là doanh nghiệp thủy sản, nên trong trường hợp sử dụng nguồn nước mặt sẽ phát sinh vấn đề là nguồn nước không đạt chất lượng. “Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải đầu tư hệ thống xử lý nước lại để cung cấp cho việc sử dụng, làm chi phí tăng cao”, ông giải thích.
Ông Lê Văn Phát, Chuyên viên phòng Quản lý tài nguyên nước của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho biết, đối với khai thác nước mặt hay nước ngầm đều phải đóng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước dựa theo sản lượng khai thác.
Tuy nhiên, theo ông Phát, hiện nay đã có một bộ phận doanh nghiệp chuyển sang sử dụng nước mặt từ sông Hậu được cung cấp bởi các đơn vị cấp nước. “Hồi xưa, thì doanh nghiệp xin phép và tự khai thác nước ngầm để phục vụ cho sản xuất, nhưng sau khi UBND TP Cần Thơ có chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm, thì mình đang thực hiện lộ trình giảm 50%”, ông cho biết và giải thích, nếu ngưng ngang là không được vì ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. “Còn bây giờ là không cấp phép mới luôn (không cấp mới khai thác nước ngầm- PV)”, ông nói.
Từ ý kiến các bên liên quan, Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, chính chi phí sử dụng nước mặt cao hơn so với nước ngầm đã phần nào phản ánh tình trạng khai thác nhiều nước ngầm dẫn đến sụt lún. "Tuy nhiên, nếu tính luôn chi phí lún Đồng bằng (do khai thác nước ngầm- PV), tính đúng tính đủ thì đáng bao nhiêu tiền?”, ông nêu câu hỏi.
Liên kết vùng trong quản lý khai thác nước ngầm
Thảo luận tại hội thảo, một vị đại diện của Văn phòng UBND TP Cần Thơ cho rằng, số liệu về khai thác nước ngầm là chưa đầy đủ. “Phải có số liệu đầy đủ và dựa trên đó (số liệu), thì mới biết mức độ có thể khai thác của mỗi địa phương như thế nào và cần dự trữ bao nhiêu?”, bà nêu câu hỏi và cho rằng, ở Cần Thơ nước ngầm có liên quan các tỉnh thế nào?; khai thác ở Cần Thơ tác động ra sau đến các tỉnh?. "Số liệu này mình chưa có nên cũng chưa biết để tính”, bà nói.
Từ đó, vị đại diện của Văn phòng UBND TP Cần Thơ cho rằng, các địa phương cần liên kết, phải có thông tin rõ ràng và làm sao giá nước ngầm không chênh lệch so với nước mặt.
Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện đặt ra vấn đề nên chăng cần có liên kết vùng trong vấn đề nước đối với ĐBSCL?
Trả lời câu hỏi này, ông Tô Quang Toản, Phó trưởng phòng Phòng Đào tạo và Hợp tác Quốc tế thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, cần thiết đưa vào quy hoạch tích hợp. “Quy hoạch khai thác nước ngầm phải là phải quy hoạch vùng ĐBSCL”, ông nói.
Theo ông Toản, không thể để các tỉnh tự đưa ra định mức khai thác bao nhiêu cũng được. “Chẳng hạn, Cần Thơ có nước mặt khá dồi dào, thì hạn chế khai nước ngầm để phục vụ cho các tỉnh ven biển”, ông dẫn chứng và cho rằng, có thể Cần Thơ nên tiến dần tới cấm khai thác nước ngầm để ưu tiên nguồn cho các tỉnh ven - nơi không có điều kiện khai thác nước mặt.