Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm mô hình kinh doanh trong suy thoái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm mô hình kinh doanh trong suy thoái

Thục Đoan

Thị trường Việt Nam luôn có chỗ cho những doanh nghiệp mới có chiến lược kinh doanh tốt. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Một trong tám chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Doanh nghiệp châu Á là “Thế hệ doanh nhân mới của châu Á: Sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước”. Chúng tôi đã phỏng vấn một số diễn giả sẽ tham gia cuộc thảo luận về những vấn đề như mô hình kinh doanh thành công, doanh nghiệp xoay xở như thế nào trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nếu ai cho rằng kinh tế suy thoái sẽ làm mọi người nhụt chí khởi nghiệp, thì nên nghĩ lại. Cứ nhìn vào thống kê số lượng doanh nghiệp mới thành lập trên mục Khởi nghiệp của tờ TBKTSG có thể thấy rằng ở TPHCM, mỗi tuần có từ 300 – 400 doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép thành lập, nghĩa là trung bình mỗi ngày vài chục doanh nghiệp được khai sinh.

Các số liệu thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong ba tháng đầu năm ở TPHCM không hề giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Quí 1 năm nay đã chứng kiến gần 4.050 doanh nghiệp ra đời, tăng hơn 150 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái!

Như vậy, việc mở công ty trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay vẫn cứ như là một việc làm bình thường trong cuộc sống, bất kể Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi cơn suy thoái toàn cầu.

Cơ hội khởi nghiệp trong suy thoái

Nhiều người nước ngoài có kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam nhận xét rằng người Việt Nam dường như rất thích tự mình làm ăn kinh doanh. Doanh nhân nước ngoài cho rằng trong một đại gia đình người Việt thế nào cũng có vài thành viên đang tham gia kinh doanh. Tinh thần khởi nghiệp dường như đã có trong “máu” của rất nhiều người Việt Nam, chẳng thế mà cho dù có nhìn thấy nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản trong thời gian gần đây, không ít người vẫn quyết chí khởi nghiệp.

Tổng giám đốc người Mỹ Walter Blocker của Công ty Gannon Việt Nam cho rằng thời điểm hiện nay không phải là hoàn toàn khó khăn cho những ai muốn khởi nghiệp. Theo đánh giá của ông, chi phí vốn bây giờ đã rẻ hơn nhiều so với năm ngoái và nguồn vốn kinh doanh lưu động của doanh nghiệp rất ít rủi ro gặp phải những biến động bất thường.

Bên cạnh những yếu tố trên, ông Blocker cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng nhu cầu của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhất là thị trường này vẫn đang tiếp tục phát triển ở nhiều ngành nghề. Steven Liao, Phó tổng giám đốc Cathay Life Insurance Việt Nam, cho rằng không phải tất cả mọi người đều bị tác động mạnh bởi cuộc đại khủng hoảng này. Người ta vẫn mua sắm, vẫn sử dụng dịch vụ. Vấn đề là người kinh doanh phải tìm ra cho được nhóm khách hàng của mình là ai để bán được hàng. “Dù Công ty Cathay Life Insurance chính thức hoạt động vào năm ngoái, thời điểm kinh tế Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội,” ông Liao nói một cách lạc quan.

Cách đây không lâu, tờ BusinessWeek dẫn lời của Paul Kedrosky, một thành viên cao cấp của Kauffman Foundation, cho rằng chính những doanh nghiệp ra đời trong thời buổi khó khăn có tỷ lệ trụ lại được cao hơn so với bình thường. Ông nói: “Các công ty được thành lập trong thời kỳ kinh tế kém sáng sủa lại có khuynh hướng thành công nhiều hơn. Những người khởi nghiệp trong thời kỳ này thường có một động cơ rõ rệt, và họ làm việc trên một tinh thần hết sức tiết kiệm trong mọi chi phí”.

Theo ông Blocker, huy động vốn để khởi nghiệp hiện nay không còn dễ dàng như vài ba năm trước, khi nguồn vốn từ bên ngoài đổ vào Việt Nam rất nhiều. “Nhưng không phải là không thể. Một kế hoạch kinh doanh tốt đi cùng với những con người giỏi, chắc chắn sẽ tìm được vốn để kinh doanh”, ông nói đến những điều kiện căn bản nhất của một dự án khởi nghiệp trong hoàn cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, khi đã thành lập doanh nghiệp, liệu rằng có một mẫu hình chung nào để các doanh nghiệp mới, hay nói rộng hơn là thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam có thể ứng dụng thành công trong thời kỳ này cũng như cho thời hậu khủng hoảng?

Để thành công cho bây giờ và hậu suy thoái

Nhà lãnh đạo năng động, đội ngũ nhân sự giỏi, mô hình kinh doanh uyển chuyển đi kèm với hướng phát triển rõ ràng và một hệ thống quản trị tốt tạo thành mô hình chung cho thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhưng đó cũng chỉ là những tiêu chuẩn tổng quát.

Ông Lý Quí Trung, Tổng giám đốc Phở 24, cho rằng: “Muốn thành công, các doanh nhân Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh. Khởi nghiệp, mở công ty ở Việt Nam, nhưng phải mang dáng dấp khu vực”. Theo ông, các thương hiệu quốc tế đã vào thị trường Việt Nam trên mọi lĩnh vực, vì thế, dù muốn dù không các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài nặng ký đang có mặt ngay trên sân nhà và cả những đối thủ sắp bước vào cuộc đua.

Tình hình kinh tế biến động bất thường trong thời gian qua đã để lại cho giới doanh nhân Việt Nam nhiều bài học, từ khả năng ứng phó trước khủng hoảng, chuyện dàn trải trong đầu tư, xa rời năng lực lõi cho đến việc bỏ bê khách hàng truyền thống. Đối với nhiều người, thời gian qua còn giúp họ nhận ra giá trị của kiến thức.

Kiến thức đã trở thành điều kiện cần cho một doanh nhân trong một môi trường kinh doanh đầy biến động như thời gian qua. Ngoài những kiến thức kinh doanh cơ bản, những hiểu biết về ngành nghề hoạt động, người chủ doanh nghiệp còn cần có một nền tảng kiến thức kinh tế vững vàng cũng như những am hiểu nhất định về tình hình kinh tế – chính trị thế giới. “Có kiến thức vững vàng, người lãnh đạo sẽ dễ bình tâm trong lúc tình hình xung quanh hoảng loạn và dễ đưa ra quyết định thích hợp”, ông Trung nói.

Đi nhiều và tiếp xúc nhiều cũng là một đòi hỏi bắt buộc nếu các doanh nhân muốn thành công. Trong kinh doanh, người ta hơn nhau là ở khả năng nắm bắt thông tin, dự đoán được xu thế của thị trường. Vì thế việc đi ra bên ngoài để xem cộng đồng doanh nhân trên thế giới đang suy nghĩ như thế nào, đang làm gì và sắp làm gì, là điều mà ai cũng cho là nên làm. Đối với ông Trung, tham gia một kỳ hội thảo ở nước ngoài là dịp để bổ sung kiến thức, nắm bắt xu hướng kinh doanh.

Ông Trung đưa ví dụ: gần đây trên thế giới người ta đang nói nhiều đến hiện tượng nóng lên của trái đất. Những đứa trẻ đã được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Điều này sẽ buộc những doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu phải tính toán đến công nghệ sản xuất, nguồn nguyên liệu, thậm chí cả loại bao bì sản phẩm ngay từ bây giờ nếu muốn có một chỗ đứng trên thị trường trong tương lai khi những đứa trẻ bây giờ sẽ là người tiêu dùng sau này.

Ông Blocker cho rằng dù doanh nghiệp của bạn kinh doanh trong lĩnh vực nào, ở bất kỳ thời điểm nào, muốn thành công phải có con người giỏi, đam mê công việc. Có người giỏi thì sẽ có kế hoạch kinh doanh tốt, có kế hoạch kinh doanh tốt ắt sẽ tìm được nguồn tài chính để thực hiện.

“Khi chuẩn bị cho một dự án kinh doanh mới của mình, tôi phóng ý tưởng của mình đến tương lai, ở đó tôi sẽ biết mình phải làm gì. Tôi quay lại hiện tại và biết mình cần phải tìm được ai để thực hiện ý tưởng này…”, ông chia sẻ. Bí quyết thành công ở Việt Nam của ông Blocker là khi đã làm xong bản kế hoạch kinh doanh, hãy dự phòng gấp đôi thời gian và gấp đôi nguồn vốn!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới