Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm mô hình tăng trưởng mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm mô hình tăng trưởng mới

(TBKTSG) – Đầu năm, trước những khó khăn từ cả bên ngoài và bên trong được dự báo sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế đất nước, không hẹn mà gặp, khá nhiều ý kiến của các chuyên gia và cựu lãnh đạo kinh tế đã đồng tình với nhau ở một điểm: Việt Nam không chỉ cần tìm kiếm những biện pháp ứng phó, thích nghi trước mắt mà cần tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới vừa thúc đẩy phát triển với chất lượng mới, cao hơn, vừa bảo đảm được sự tăng trưởng bền vững.

Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo) trong bài viết “Đã qua rồi một thời đổi mới” trên TBKTSG xuân Kỷ Sửu cho rằng: “Qua hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển. (…) Nhưng ta cũng thấy ngay những mất cân đối trầm trọng giữa phát triển và môi trường, giữa nông thôn và thành thị, giữa người dân lao động và các thành phần khác”.

Theo ông, nhiều cơ chế, chính sách hình thành và tác dụng sâu đậm trong quá trình đổi mới nếu không thay đổi và tiếp tục áp dụng sẽ không đem lại sự phát triển bền vững cho Việt Nam.

Đổi mới trong hơn 20 năm qua là một quá trình mò mẫm rất mất thời gian, tuy ở giai đoạn đó chuyện mò mẫm là không tránh được. Không thể kéo dài tư duy của thời đổi mới mà cần mạnh dạn dứt bỏ những chính sách, cơ chế không thích hợp và tìm một tư duy, một sự đồng thuận mới cho giai đoạn phát triển mới.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, với tư thế một người trong cuộc, hiểu rõ từ bên trong những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam, trong bài trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet ngày 2-2-2009 cũng cho rằng: “Thách thức 2009 đặt ra yêu cầu cải cách thể chế kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.

Theo ông, Việt Nam cần: Thứ nhất, hình thành đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường gắn với việc tạo lập môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế. Thứ hai, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên để xuất khẩu, tăng vốn đầu tư trong đó phần quan trọng là đầu tư từ ngân sách và các tập đoàn và tổng công ty nhà nước sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh (…), khai thác tiềm năng của khu vực dân doanh và gia tăng mức đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng.

Quả thật, tỷ lệ tăng trưởng cũng quan trọng, nhưng hiệu quả đầu tư còn quan trọng hơn. Và nếu chúng ta nhớ rằng hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn, hệ số càng cao, hiệu quả đầu tư càng thấp) của Việt Nam là từ 4,5-5,3 (có tổ chức nghiên cứu còn cho con số 6,6 hoặc 7) thì tăng trưởng cao chưa chắc là điều đáng mừng, bởi đó là sự tăng trưởng dựa vào sự hao phí quá nhiều vốn, tài nguyên.

Nếu tiếp tục tăng trưởng theo mô hình hiện tại, cái giá phải trả về lâu dài do bóc tài nguyên thiên nhiên lên bán rẻ, hủy hoại môi trường, nợ nần chồng chất sẽ là cái giá đắt. Khó khăn trước mắt, nhưng để giải quyết cần tính cả những chiến lược cơ bản, lâu dài và không thể trì hoãn được nữa.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới