Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm thương hiệu gạo của Việt Nam

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bước ra chợ, người tiêu dùng có thể thấy vài chục loại gạo đổ trong thau, thúng cắm những bảng tên quen thuộc bao đời nay, như Nàng Thơm Chợ Đào, Hương Lài, Tài Nguyên, Bông Sứ… Vào siêu thị, người mua cũng phân vân khi thấy hàng loạt các nhãn hiệu gạo mới đóng gói từ vài ký đến cả 25 ký. Nhưng nếu tìm một cái tên quen thuộc, được mọi người chọn và phổ biến ở mọi nơi từ chợ truyền thống đến siêu thị hiện đại thì e rằng chưa có.

Cánh đồng lớn cung cấp lúa nguyên liệu cho các nhà máy của Tân Long ở miền Tây.

Sau hơn ba thập niên đổi mới, Việt Nam trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với trung bình hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, buồn một cái là cái tên đáng nhớ như ST 25 “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” cũng chỉ nổi một chút thì lại chìm.

Từ chuyện một triệu tấn gạo ngon A – An

Hôm 12-4, tại hội thảo về sản xuất gạo bền vững ở tỉnh Đồng Tháp, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long, trình bày Đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia A – An. Đề án này cũng đặt mục tiêu xây dựng các nhà máy xử lý, lưu trữ và mạng lưới vận chuyển lúa gạo hiện đại.

Ông Bá đã trình bày về mô hình hợp tác xã kiểu mới trên những cánh đồng lớn canh tác hữu cơ. Mục tiêu cụ thể là canh tác lúa lâu dài với chi phí ngày càng thấp hơn và hạt gạo ngày càng chất lượng hơn.

“Làm ra gạo Việt cho người Việt” là mong mỏi hàng đầu của Tân Long. Ông Bá nói rằng tổng sản lượng gạo tiêu dùng trong nước khoảng 11 triệu tấn mỗi năm. Trong đó gạo đóng túi có thể truy xuất được nguồn gốc và được xây dựng thương hiệu một cách bài bản ước lượng khoảng 10-15% số đó, tức khoảng hơn 1-1,7 triệu tấn. Hiện mục tiêu của Tân Long là chỉ chiếm 10% của số gạo đó.

Tân Long xác định đến năm 2025 sẽ bán ra khoảng 300.000 tấn gạo túi, đến năm 2030 từ 600.000-700.000 tấn gạo túi mang thương hiệu A – An, chiếm 30% thị phần gạo thương hiệu trong nước. Tham vọng hơn là hướng đến con số 1 triệu tấn.

“Tất nhiên để làm được điều này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư rất lớn về hạ tầng. Bên cạnh việc chọn lọc và cấu trúc lại vùng nguyên liệu chiến lược, chúng tôi đang nâng cấp đồng bộ quy mô và ứng dụng công nghệ tại các nhà máy chế biến để nâng cao năng suất sấy trữ”, ông Bá phát biểu.

Nói có sách, mách có chứng. Tại Long Xuyên, hồi tháng 2 vừa qua, Tân Long ký thỏa thuận với hai tỉnh An Giang và Kiên Giang xây dựng vùng lúa nguyên liệu rộng 60.000 héc ta. Trước đó một tháng, Tân Long khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất châu Á – theo tập đoàn này – tại tỉnh An Giang có công suất 1.000 tấn gạo thành phẩm mỗi ngày.

Hạnh Phúc nằm liền kề với vùng lúa nguyên liệu 300.000 héc ta ở các huyện Tri Tôn và Thoại Sơn của An Giang và ba huyện Giang Thành, Hòn Đất và Kiên Lương của Kiên Giang. Lợi thế của vùng nguyên liệu, chi phí vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng được giảm bớt. Lúa được sấy và lưu trữ ngay sau thu hoạch dưới 10 tiếng đồng hồ sẽ giữ chất lượng hoàn hảo, bảo tồn mùi thơm và hương vị của từng giống lúa.

“Bất chiến tự nhiên thành”

Khi thương hiệu gạo A – An của Tân Long ra mắt thị trường trong nước, sản phẩm này đồng thời cũng đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các nước. Năm 2016, Tân Long là hãng tư nhân thắng thầu xuất 3.000 tấn gạo chất lượng cao đi Hàn Quốc.

Cuối năm 2016, Tân Long là công ty tư nhân Việt Nam thắng gói thầu 3.000 tấn gạo hạt tròn Japonica đi Hàn Quốc. Để vào thị trường này, gạo của Tân Long phải đáp ứng 280 chỉ tiêu kiểm định. Đầu năm 2017, Tân Long xuất tiếp đợt gạo Japonica gấp 10 lần đợt đầu tiên, giúp Tân Long thu lợi nhuận 3 triệu đô la. Năm sau, Tân Long trúng tiếp lô 60.000 tấn.

Chuyện gạo Tân Long xuất đi Hàn Quốc làm mọi người nhớ lại đề án phát triển “Thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là đề án quốc gia được chính phủ phê duyệt năm 2015 và gạo là nông sản đầu tiên tiếp cận theo hướng này. Ngay sau khi đề án ra đời, thương hiệu gạo xuất hiện như nấm mọc sau mưa.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là lá cờ đầu của ngành với kho chứa trải dài từ Đà Nẵng đến Cà Mau và sản lượng gạo trung bình 3 triệu tấn giữa thập niên 2010-2020. Các công ty thành viên thuộc Vinafood 2 đều chủ động xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm của riêng mình. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Mecofood đăng ký các nhãn hiệu gạo như Thố Cơm cho các dòng sản phẩm Nàng Thơm Long An, Hương Lài KDM 105, Tài Nguyên Chợ Đào.

Công ty Lương thực Long An đăng ký các nhãn hiệu “cô gái mặc áo dài xanh đội nón lá” với gần 10 thương hiệu ST24, Nàng Hoa, Việt Đài, Việt Mỹ, Hương Lài KDM, Tài Nguyên… Công ty Lương thực Sông Hậu đăng ký: Bông bưởi xanh/vàng/đỏ/đỏ đậm, Bông Trang Nguyên tím/đỏ/cam/vàng, Bông Sứ, Gạo thơm Sông Hậu, Tây Đô… Bên cạnh đó, Công ty Lương thực TPHCM có nhãn hiệu Đồng Xanh, Hạt Ngọc, Hương Lúa. Công ty Lương thực Đồng Tháp đăng ký nhãn hiệu Hương Tràm, Sếu Đỏ, Ramsar…

Nhưng thật sự các thương hiệu trên hầu như không tồn tại trong tâm trí người tiêu dùng trong nước là mấy. Những cái tên rất quen thuộc như Hoa Sứ, Bông Sứ, Nàng Thơm Chợ Đào, Hương Lài, Tài Nguyên… là chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” lâu rồi. Các công ty đăng ký hay chủ sở hữu coi như “thua”, không ai biết. Chuyện xây dựng thương hiệu xem như “bất chiến tự nhiên thành”.

Hiện Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế.

Nông dân và doanh nghiệp vẫn khóc ròng

Chuyện xây dựng một thương hiệu gạo cho công ty đã khó. Để hương thơm thương hiệu gạo quốc gia bay xa, xuất hiện trong bữa cơm của những gia đình gốc Á khắp nơi trên thế giới lại là chuyện càng xa vời. Nông nghiệp Việt đang thiếu những cái tên nặng ký, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.

Cơ cấu về giống lúa đa dạng, nhưng thiếu các giống chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận hiệu quả vào thị trường quốc tế.

Mà mấy ai biết được rằng cái tên đặc sản dân gian từ hơn 200 năm qua như Nàng Thơm Chợ Đào từng được tiến cung, dâng Vua Minh Mạng (1791-1841). Giống lúa này bị thoái hóa do đất thiếu phù sa, thiếu độ mặn, dùng quá lố phân hóa học. Từ cuối năm 2016, Đại học Cần Thơ đã tiến hành dự án nghiên cứu và phục tráng lại giống lúa thơm này tại ngay chính cái nôi của nó – xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nông dân ở đây nói chất lượng cơm nấu từ gạo Nàng Thơm Chợ Đào gần giống như trước. Cảm quan là vậy!(3)

Những năm gần đây, một vài tập đoàn như Lộc Trời hay Trung An cũng bắt đầu nổi lên với những tin xuất khẩu gạo ấn tượng. Cả hai tập đoàn đều cố gắng xây dựng thương hiệu riêng, nhưng cũng chưa phổ biến lắm.

Năm 2019, gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đoạt giải nhất Gạo ngon nhất thế giới. Trong khi ông Cua chưa kịp làm gì thì một công ty tại Úc và bốn công ty tại California, Mỹ đã nhanh chân làm hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước sở tại. ST 25 chỉ là “bản sao” tai nạn mà Nàng Thơm Chợ Đào từng bị trước đó. Năm 2002, thương hiệu này đã được cấp cho công ty Cong Nguyen Inc ở Oklahoma, Mỹ. Sở Khoa học & Công nghệ Long An thuê hãng luật Mỹ đi kiện, nhưng vẫn như không.

Nếu không xây dựng chiến lược bảo hộ thương hiệu đúng đắn, Việt Nam sẽ không bao giờ có được một thương hiệu gạo Việt có tầm toàn cầu – điều mà các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia đã làm được. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ thương hiệu của mình, nhưng sự hỗ trợ của nhà nước là cần thiết và đóng vai trò lớn. Trên thị trường trong nước, các thương lái đã nhanh nhảu cầm luôn các “thương hiệu” Nàng Thơm Chợ Đào và ST25 bán lềnh khênh trên thị trường, thật có giả có, nông dân khóc ròng.

Tội cho Nàng Thơm, ông Cua, các nhóm tác giả của hai giống lúa thơm và những ai nghiêm túc với thương hiệu gạo Việt!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới