Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi xa hơn chuyển đổi số

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thời gian vừa qua đã chứng kiến những nỗ lực bền bỉ của Chính phủ trong xây dựng kế hoạch, cũng như triển khai những hoạt động hỗ trợ nền kinh tế và cả xã hội trong chuyển đổi số như bước khởi đầu quan trọng để xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế số.

Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình quy mô lớn, cần có những chiến dịch tuy nhỏ nhưng nếu làm đều đặn sẽ đóng góp rất lớn vào những nỗ lực này. Đó là chiến dịch giúp người dân hiểu rõ thế nào là kinh tế số, làm sao để tự bảo vệ mình trước các vụ lừa đảo trên không gian mạng ngày càng nhiều, ngày càng tinh vi, làm sao để người dân không bị nhầm lẫn giữa nền kinh tế số chúng ta đang hướng tới và các sản phẩm ảo các nhóm lừa đảo tung ra để dụ dỗ người nhẹ dạ tin theo.

Dù khó tin vào số liệu khảo sát của một số tổ chức cho rằng Việt Nam đứng đầu thế giới về giao dịch tiền mã hóa, có thể nói số lượng người bỏ tiền dành dụm để đầu tư vào các dạng tiền này không hề nhỏ. Trong số hàng ngàn loại tiền như thế, chắc chắn không ít sản phẩm là do bọn xấu tạo ra nhằm lừa đảo những người cả tin, không muốn bỏ sót cơ hội làm giàu nhanh chóng. Họ vẫn tin họ đang tham gia nền “kinh tế số” như lời quảng bá đó thôi. Nếu Nhà nước có những hướng dẫn cặn kẽ, rõ ràng; lĩnh vực nào cấm giao dịch, hoạt động nào là trái phép, ắt cũng giúp giảm bớt các vụ bị mất tiền vào tay kẻ xấu.

Báo chí tường thuật hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân khi người dân bị lừa cung cấp thông tin truy cập. Điểm chung của các vụ lừa đảo này là tiền bị chuyển sang tài khoản khác một cách nhanh chóng. Giả thử quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng có thêm các bước xác minh chặt chẽ hơn khi mở tài khoản, ắt giới lừa đảo khó lòng xóa đi dấu vết chuyển tiền và chủ tài khoản nhận tiền bị lừa chuyển đến ắt phải chịu trách nhiệm đầy đủ.

Một chiến dịch truyền thông tốt sẽ giúp người dân mạnh dạn hơn khi sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, không sợ bị lừa khi mua bán qua mạng, biết cách chọn các nền tảng đáng tin cậy để giao dịch… Ngay cả dịch vụ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số – nếu làm tốt việc cung cấp thông tin sẽ loại trừ các nơi làm dối, làm ẩu chỉ để kiếm tiền như từng xảy ra trong các phong trào lấy chứng nhận ISO trước đây.

Quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số đối với xã hội là sự cách biệt trong khả năng tiếp cận, dẫn tới sự chênh lệch như chênh lệch giàu nghèo trước đây. Sẽ có những người tiếp cận được các thuận lợi của nền kinh tế số, rồi cũng có những người bị gạt ra ngoài rìa vì thiếu phương tiện cũng như kiến thức. Vai trò của Nhà nước là làm sao để xóa bỏ sự cách biệt này, không phải bằng cách hạn chế sự tiếp cận của nhóm trước mà tạo thuận lợi cho nhóm sau, trong đó cung cấp kiến thức là yếu tố cốt lõi.

Hãy cứ nhìn vào hàng ngàn cửa hàng nhỏ biết tận dụng nền tảng thương mại điện tử để ngồi một chỗ chọn nguồn hàng rẻ nhất, chất lượng tốt nhất để mua. Hàng ngàn người buôn bán lẻ khác cũng đã lên các chợ điện tử để mở gian hàng trên không gian mạng, quản lý chúng chuyên nghiệp không kém các gian hàng của các công ty lớn, để thấy một khi người dân thấy lợi ích của chuyển đổi số họ sẽ tìm cách học hỏi và thích ứng nhanh chóng. Họ xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong những chiến dịch thông tin chẳng kém gì những chương trình to lớn dành cho cả xã hội.

1 BÌNH LUẬN

  1. Phương châm chuyển đổi số thực hiện theo công thức 5C: Chủ trương lớn đi đôi với công việc cụ thể + Chính phủ chủ trì và tiên phong + Chủ công là doanh nghiệp + Chủ lực là thị trường cạnh tranh + Chủ nhân là người dân, chính họ vừa là đối tượng chủ yếu để phục vụ, vừa là nguồn lực cơ bản để nuôi dưỡng nền công nghiệp số ngày càng phát triển mạnh mẽ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới