Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dịch Covid-19 lan nhanh, Trung Quốc phong tỏa trung tâm công nghệ Thâm Quyến

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, hôm 13-3, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Thâm Quyến, trung tâm tài chính và công nghệ của nước này. Lần đầu tiên chính quyền nước này cho phép người dân mua các bộ kit xét nghiệm nhanh để sử dụng tại nhà.

Người dân ở TP. Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm xếp hàng trong mưa tuyết để chờ xét nghiệm. Ảnh: AP

Hơn 17 triệu dân của Thâm Quyến được yêu cầu ở nhà và phải thực hiện 3 vòng xét nghiệp sau khi thành phố ghi nhận nhận 66 ca lây lan trong cộng đồng hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch mới nhất, kể từ ngày 15-2, lên con số 432.

Theo thông báo của chính quyền Thâm Quyến, tất cả nhân viên của các cơ quan nhà nước, ngoại trừ lực lượng chống dịch, phải chuyển sang làm việc tại nhà hoặc tham gia hoạt động phòng chống dịch.

Tất cả doanh nghiệp được yêu cầu để nhân viên làm việc tại nhà. Các hoạt động kinh doanh và sản xuất tạm dừng, ngoại trừ các đơn vị cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, gas và thực phẩm.

Dịch đã lan rộng ra 16 tỉnh và 4 thành phố lớn

Các điểm kinh doanh và cửa hàng phải đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, nhà thuốc, cơ sở y tế cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân. Tất cả dịch vụ xe buýt và tàu điện ngầm cũng phải tạm dừng hoạt động. Nếu không có lý do đặc biệt, người dân không được phép rời thành phố.

Các biện pháp trên sẽ được áp dụng cho đến ngày 20-3 và sau đó, sẽ được linh động điều chỉnh tùy theo tình hình dịch bệnh.

Hiện nay, dịch đã lan rộng ra 16 tỉnh và 4 thành phố lớn gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh với các cụm lây nhiễm biến thể Omicron lẫn biến thể Delta.

Hôm 13-3, Trung Quốc ghi nhận 1.983 ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn quốc, cao hơn gấp 3 lần so với số ca nhiễm của hôm trước đó. Tỉnh Cát Lâm, nơi TP. Trường Xuân đã được đặt dưới lệnh phong tỏa hôm 11-3, chiếm khoảng 75% số ca nhiễm nói trên.

Nếu bao gồm cả ca nhiễm không triệu chứng, số ca bệnh nhân Covid-19 mới báo cáo trong ngày 13-3 là gần 3.400, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC). Con số đó vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác hay đặc khu Hồng Kông, nơi báo cáo có hơn 32.000 ca nhiễm mới hôm qua. Nhưng Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược zero Covid-19 va sẵn sàng phong tỏa bất kỳ thành phố nào có các ổ dịch có nguy cơ lan rộng cũng như cách ly mọi ca nhiễm.

Thâm Quyến là quê hương của một số công ty công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc, bao gồm hãng sản xuất thiết bị viễn thông và smartphone Huawei, hãng xe điện BYD Auto, Tập đoàn đầu tư và tập đoàn internet Tencent.

Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc với 24 triệu người, báo cáo 61 ca nhiễm mới, bao gồm 55 ca không triệu chứng. Chính quyền Thượng Hải khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà trừ phi cần thiết đồng thời dừng hoạt động dịch vụ xe buýt liên tỉnh kể ngày 14-3.

“Tất cả những người đến hay trở về Thượng Hải phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ”, Sở Y tế Thượng Hải cho biết trong một tuyên bố.

Giới chức trách ở Cát Lâm đang siết chặt các biện pháp chống dịch sau khi kết luận rằng phản ứng ban đầu của họ là chưa đầy đủ.

Một khu vực bị đặt rào chắn phong tỏa ở TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Getty

Lần đầu tiên cho mua kit để tự xét nghiệm nhanh

Không giống như nhiều nước khác, vốn xem các bộ kít xét nghiệm nhanh là công cụ cơ bản để chống dịch, Trung Quốc không lưu hành thương mại rộng rãi sản phẩm này. Tuy nhiên, do số ca nhiễm tăng nhanh, hôm 11-3, NHC lần đầu tiên cho phép người dân mua các bộ kit này qua các kênh trực tuyến hoặc các nhà thuốc để tự xét nghiệm.

NHC yêu cầu khi xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính, người dân phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để xét nghiệm khẳng định lại bằng phương pháp PCR nếu cần thiết. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn có các triệu chứng của Covid-19 sẽ cần phải xét nghiệm kháng nguyên liên tiếp trong năm ngày.

Dù xét nghiệm PCR sẽ vẫn tiếp tục là phương pháp xét nghiệm chính, động thái trên cho thấy giới chức trách nhận ra các nỗ lực của chính quyền là không đủ để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron.

Trung Quốc, nơi virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, hiện là một trong những nước cuối cùng trên thế giới vẫn tuân theo phương pháp chống dịch không khoan nhượng.

Nhưng sự mệt mỏi của người dân vì những gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày cũng như thất bại của Hong Kong trong việc ngăn chặn Omicron đã đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chiến lược “zero Covid”.

Viết trên mạng xã hội Weibo vào tuần trước, nhà dịch tễ học Zeng Guang, thành viên của nhóm chuyên gia cấp cao ở Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho rằng trong tương lai gần, vào thời điểm thích hợp, Trung Quốc nên triển khai lộ trình sống chung với virus SARS-CoV-2 theo kiểu của Trung Quốc.

Theo ông, các nước phương Tây đã thể hiện “sự can đảm đáng khen ngợi” khi thử nghiệm cách sống chung với virus, và Trung Quốc nên “quan sát và học hỏi”.

Zeng Guang là cựu nhà khoa học trưởng ở Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc. Những bình luận như vậy của ông là điều bất thường đối với một quan chức trong bộ máy chính phủ Trung Quốc,

Trước đây, những chuyên gia bày tỏ hoài nghi về chiến lược “zero Covid” đều hứng búa rìu chỉ trích của dư luận, bao gồm nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, Zhang Wenhong.

Bình luận của Zeng Guang được đưa ra sau khi giới chức trách cảnh báo hồi tháng 2 rằng họ sẽ chấn chỉnh các biện pháp chống Covid-19 “quá mức” của chính quyền địa phương, bao gồm cách ly tùy tiện và đóng cửa các hoạt động kinh doanh.

Khi số ca nhiễm bắt đầu tăng lên vào cuối tháng 2, phản ứng ở các chính quyền địa phương ở Trung Quốc nhìn chung mềm hơn và có trọng điểm hơn so với hồi tháng 12 năm ngoái khi thành phố Tây An phong tỏa 13 triệu dân trong hai tuần, gây ra tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng lên TP. Vũ Hán cách đây hơn hai năm.

Tuy nhiên, giới chức trách khẳng định rõ rằng phong tỏa trên diện rộng vẫn là một phương án quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 và xử lý nghiêm những quan chức chống dịch thiếu quyết liệt.

Cuối tuần qua, thị trưởng TP. Cát Lâm và giám đốc ủy ban y tế TP. Trường Xuân đã bị sa thải vì không kiểm soát được dịch. Tỉnh Quảng Đông cũng sa thải sáu quan chức bao gồm một phó giám đốc Sở Công an tỉnh vì lơ là nhiệm vụ, khiến một ổ dịch bùng lên ở thành phố Đông Hoản vào đầu tháng 3.

Theo AP, AFP, Global Times

1 BÌNH LUẬN

  1. Từ chỗ tự mua Kit và xét nghiệm tại nhà sẽ tiến đến tự xử/ tự chữa covid là chuyện phải xảy ra thôi. Zero covid không phải là chiến lược hiệu quả. Trước sau gì TQ cũng phải nhận ra điều này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới