Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch cúm A/H1N1: Mexico bình thường; thế giới vẫn lo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch cúm A/H1N1: Mexico bình thường; thế giới vẫn lo

Huỳnh Hoa

Người dân thủ đô Mexico đã lại tụ tập ở những nơi công cộng sau khi dịch cúm tạm lắng. Ảnh AP

(TBKTSG Online) – Thủ đô Mexico City của Mexico đang bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường sau 5 ngày “đóng băng” vì dịch cúm A/H1N1, mặc dù trên thế giới tình trạng lây lan vẫn tiếp tục và các chuyên gia y tế vẫn hết sức lo lắng về diễn biến không lường trước được của bệnh dịch.

Mexico: lo khắc phục hậu quả

Hôm nay 6-5 đường phố Mexico đã đông đúc và ồn ào trở lại, nhiều người mang khẩu trang khi ra đường nhưng cũng có nhiều người không mang. Người dân hào hứng chờ đợi việc mở cửa trở lại các công ty, nhà hàng, trường học, công viên sau 5 ngày tại thủ đô chỉ có cây xăng và siêu thị được hoạt động. Đa số người dân thủ đô Mexico tin rằng, nạn dịch đã qua và sẽ không có chuyện gì xấu chờ đợi họ. Các trường trung học và đại học sẽ mở cửa trở lại vào ngày mai thứ Năm, còn trường tiêu học mở cửa vào ngày thứ Hai sắp tới.

Nhưng các chuyên gia y tế thì lo lắng khi thấy cuộc sống trở lại bình thường quá nhanh. Bác sĩ Ethel Palacios, phó giám đốc cơ quan giám sát dịch cúm A/H1N1 tại Mexico City cho biết: “Các nhà khoa học đồng ý rằng cần phải theo dõi và đánh giá thêm. Chúng tôi vẫn chưa hình dung được virus sẽ hoạt động như thế nào và dự phòng mọi tình huống.. Chúng tôi vẫn chưa thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra”. Tuy nhiên bác sĩ Palacios công nhận, cân bằng vấn đề sức khỏe cộng đồng với lợi ích kinh tế là một trách nhiệm nặng nề. “Điều quan trọng nhất mà bạn cần lưu ý là những biện pháp phòng ngừa không chỉ tác động đến sức khỏe mà cả những khía cạnh khác của xã hội và cuộc sống,” bác sĩ Palacios nói.

Hôm nay Mexico báo có thêm 3 trường hợp tử vong, nâng số người chết vì cúm A/H1N1 ở nước này lên 29 người và 942 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác định. Đánh giá thiệt hại kinh tế cho đến nay, Bộ trưởng Tài chính Mexico Agustin Carstens cho rằng dịch cúm gây tổn thất khoảng 2,2-2,3 tỉ đô la Mỹ, tương đương 0,3% GDP của nước này. Để bù lại phần nào, Bộ trưởng Carstens hôm nay công bố kế hoạch của chính phủ dành 1,3 tỉ đô la để kích thích kinh tế, tập trung chủ yếu cho ngành du lịch và các doanh nghiệp nhỏ – là những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất. Ngoài ra, Mexcio cũng tạm thời giảm thuế cho các công ty hàng không, du lịch, lữ hành, du thuyền và tạm bãi bỏ phí bảo hiểm y tế mà các doanh nghiệp nhỏ phải nộp. Ưu tiên hàng đầu của Mexico hiện nay, theo Bộ trưởng Carstens, là thu hút du khách quốc tế, khôi phục các ngành kinh tế then chốt và đấu tranh buộc các nước khác bãi bỏ những hạn chế thương mại đối với Mexico.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc (UN) Ban Ki-moon cũng cho biết, UN đang yêu cầu các nước đảo ngược những chính sách hạn chế không dựa trên căn cứ khoa học như cấm nhập khẩu thịt heo, hạn chế du lịch tới vùng dịch v.v…  

Hôm qua, có 20 người Trung Quốc bị kẹt lại Mexico vì lệnh cấm bay giữa Thượng Hải và Mexico City đã được hồi hương trên máy bay thuê bao của chính phủ Trung Quốc; cùng lúc đó chính phủ Mexico cũng đưa máy bay đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu để hồi hương 72 người Mexico bị Trung Quốc cách ly dù họ không có triệu chứng nhiễm bệnh. Cũng bị cách ly tại Trung Quốc còn có 4 người Mỹ và 29 giáo sư và sinh viên Canada. 200 hành khách đi máy bay từ Anh đến Brunei cũng đã bị cách ly hôm qua khi trong đoàn có 3 người bị phát hiện sốt cao.

Thế giới : diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường

Diễn biến đáng lo ngại nhất là hôm qua Mỹ ghi nhận có thêm 1 trường hợp tử vong vì nhiễm cúm A H1N1. Một người phụ nữ 33 tuổi, mang thai và sống gần một cửa khẩu biên giới giữa Mexico và bang Texas Mỹ đã xác định bị chết vì bệnh cúm sau khi sinh hạ một đứa bé khỏe mạnh. Người phụ nữ này là giáo viên trường Mercedes Independent School và trường này đã đóng cửa cho đến ngày 11-5. Đây là ca tử vong thứ hai ngoài biên giới Mexico và là người Mỹ đầu tiên bị thiệt mạng vì cúm A/H1N1.

Một chiến hạm Mỹ chở lương thực viện trợ cho một số đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương cũng đã tạm ngừng công việc sau khi phát hiện một thủy thủ bị nhiễm cúm A H1N1.

Tuy vậy, Bộ Y tế và Cơ quan Kiểm soát Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ vừa ra khuyến cáo các trường học nên mở cửa hoạt động trở lại; những học sinh có triệu chứng bị cúm nên được điều trị và theo dõi tại nhà hay tại bệnh viện thay vì đóng cửa trường, ảnh hưởng tới việc học của hàng ngàn em khác.

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận đã có 1.700 người ở 21 quốc gia bị xác định nhiễm cúm. WHO đã phân phối 2,4 triệu liều thuốc chống cúm đến 72 quốc gia. Pháp đã viện trợ cho Mexico 100.000 liều thuốc cúm trị giá 1,7 triệu đô la Mỹ.

Cho dù dịch cúm đang dịu đi  nhưng những rắc rối ngoại giao có vẻ ngày càng gia tăng khi Trung Quốc công bố thay đổi quy chế về cấp thị thực (visa). Từ hôm 4-5, thời gian xem xét để cấp thị thực cho công dân Mỹ đến Trung Quốc theo dạng du lịch và kinh doanh đã tăng từ 1 ngày lên 6 ngày làm việc và người xin thị thực phải kê khai những tiểu bang nào đã đến thăm trong vòng hai tuần gần nhất.  

(tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới