Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch vụ, công nghiệp hay… đừng gì cả?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch vụ, công nghiệp hay… đừng gì cả?

Nguyên Tấn

(TBKTSG) – Lựa chọn một số ngành dịch vụ và công nghiệp để ưu tiên hỗ trợ phát triển có phải là chính sách khôn ngoan? Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cách làm này nên được xem xét và thay đổi cho phù hợp.

Bao biện sinh tai hại

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, người từng tham gia các đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế khi còn làm việc tại Viện Kinh tế TPHCM đưa một nhận xét đáng lưu ý. Theo ông, kinh nghiệm tại một số nước cho thấy chính sách chọn ngành để ưu tiên phát triển có thể mang lại thành công nhưng diện này không nhiều, còn lại phần lớn đều thất bại.

“Hàn Quốc từng chủ trương phát triển ngành đóng tàu và họ đã thành công vì thời đó công nghệ chưa thay đổi nhanh và hơn nữa cách làm của họ khác ta (ví dụ, do tư nhân thực hiện). Nhưng bây giờ với sự phát triển công nghệ cũng như tái bố trí lực lượng sản xuất toàn cầu diễn ra như vũ bão thì cách làm đó không còn phù hợp nữa”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, chính sách chọn ngành ở nước ta cũng không ngoại lệ: hầu hết các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế dưới hình thức nhà nước lựa chọn, ưu tiên hỗ trợ cho một ngành nào đó từ trước đến nay đều kém hiệu quả, đồng thời gây ra thất thoát.

Không hiệu quả ở đây được hiểu là tác động tích cực của việc định hướng từ phía Nhà nước đối với sự phát triển của ngành tỏ ra rất mờ nhạt. Hơn thế nữa, một số ngành công nghiệp như ô tô, điện tử… dù luôn trong diện “ưu tiên phát triển” nhưng suốt hàng chục năm qua vẫn luẩn quẩn ở trình độ lắp ráp, gia công. Thậm chí, có ngành đang thụt lùi, đi xuống như cơ khí hoặc đổ vỡ, gây hậu quả nặng nề như ngành tơ tằm hay ngành đóng tàu mới đây.

Trong khi đó, có những ngành mà Nhà nước không hề có định hướng gì lại “tự” phát triển rất tốt. Ông Thành dẫn chứng từ câu chuyện thú vị về cá ba sa, cá tra. Trước kia, ở nước ta loài cá thuộc họ cá da trơn này hầu như lép vế so với tôm, thậm chí bị xem thường do giá trị kinh tế không cao. Vậy mà không ai có thể ngờ rằng sau thời kỳ Mỹ bỏ cấm vận và thị trường xuất khẩu được khai thông, cá tra, ba sa đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.

Với trên 130 thị trường trên thế giới, ngày nay xuất khẩu cá tra, ba sa mỗi năm mang về 1,3-1,4 tỉ đô la Mỹ. “Chúng ta thử nhìn lại xem, tự người nông dân quyết định chứ có bao giờ Nhà nước định hướng hay bảo nông dân nuôi cá tra, ba sa đâu!”, ông Thành phân tích.

Đồng quan điểm nói trên, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, đưa ra ví dụ: Chẳng hạn như vì sao tại TPHCM (mà không phải là địa phương khác) tập trung toàn bộ hệ thống các tổ chức dịch vụ ngân hàng, tài chính hay nhiều doanh nghiệp thuộc những ngành nghề khác? “Tất cả là từ bài toán chi phí và lợi ích. Doanh nghiệp dồn về thành phố chẳng phải do tác động nào từ chính sách mà vì một lẽ rất đơn giản: họ thấy ở đây có điều kiện kinh doanh tốt hơn, khả năng sinh lời nhiều hơn. Bản chất chính là ở chỗ đó!”, ông Du phân tích.

Theo Dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2011-2015, TPHCM tiếp tục thúc đẩy phát triển chín nhóm ngành dịch vụ đã được xác định: tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục – đào tạo.

Về công nghiệp, tiếp tục tập trung phát triển bốn ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ và giá trị gia tăng cao: cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa dược – cao su, chế biến tinh lương thực – thực phẩm và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng.

Các chuyên gia cho rằng sở dĩ chính sách chọn ngành để phát triển khó mang lại hiệu quả vì Nhà nước đang bao biện, làm thay việc của thị trường.

Nhà nước không thể “chọn giùm” ngành nghề cho doanh nghiệp bởi đầu tư vào đâu, nơi nào, dưới hình thức gì là do doanh nghiệp tự quyết định. Mặt khác, Nhà nước cũng không thể có khả năng để lựa chọn đúng ngành phát triển và đủ nguồn lực để hỗ trợ.

“Doanh nghiệp là người hiểu thị trường hơn ai hết mà có lúc còn lúng túng hoặc quyết định sai lầm thì làm sao các quan chức – những người không đi kinh doanh bao giờ lại có thể quyết định thay việc của doanh nghiệp được?”, ông Thành đặt vấn đề.

Ông Du đưa ra giả thiết: ví dụ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thuộc một ngành “ưu tiên phát triển” nào đó. Nếu hỗ trợ cho toàn bộ doanh nghiệp của ngành thì Nhà nước rất khó có đủ nguồn lực để thực hiện.

Còn hỗ trợ cho một số doanh nghiệp thì biết chọn ai? Làm sao có thể giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhất là đối với những doanh nghiệp có nhiều ngành nghề (vốn rất thường thấy ở các doanh nghiệp Việt Nam)? Điều nguy hại ở đây, theo ông Thành, là rốt cuộc việc ưu đãi lại tạo điều kiện nảy sinh tham nhũng mà không giải quyết được gì cả.

Ở một khía cạnh khác, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, cảnh báo: việc ưu đãi nếu không đúng cách sẽ vi phạm các quy định của WTO về trợ cấp bất hợp pháp. Theo đó, tất cả các khoản được Chính phủ ưu đãi như thuế, tài chính, đất đai… nhằm hỗ trợ xuất khẩu đều bị xem là trợ cấp bất hợp pháp. Hệ lụy là các doanh nghiệp được ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa sẽ phải đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp bất hợp pháp, chống bán phá giá hàng hóa ở nước ngoài.

Hai việc cấp bách

Theo các chuyên gia, thay cho chính sách chọn ngành, Nhà nước nên làm đúng việc của mình là xây dựng và cải thiện môi trường cho sự phát triển.

Quay trở lại câu chuyện cá tra, ba sa, theo ông Thành, Nhà nước dù không định hướng cụ thể gì cho người nông dân nhưng thật ra đã góp công rất lớn trong việc tạo môi trường cho ngành nghề này phát triển. Thứ nhất là tạo điều kiện cho việc nghiên cứu. Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp với một trung tâm nghiên cứu khoa học của Pháp sản xuất ra giống cá ba sa có năng suất cao, giúp nông dân thay thế cá con bắt trong tự nhiên.

Tiếp theo là Nhà nước mở cửa thị trường xuất khẩu bằng việc bình thường hóa quan hệ và ký hiệp định song phương với Mỹ. Sau khi có đầu ra, Nhà nước xây dựng hành lang định chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó làm tăng chất lượng và tạo thương hiệu cho cá ba sa.

“Vai trò của Nhà nước chính là ở những việc đó, tức là tạo điều kiện, môi trường cho sự phát triển. Còn nếu môi trường tốt rồi mà ngành nghề nào không phát triển được tức là ngành nghề đó không có tiềm năng. Không có tiềm năng thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư và ngược lại”.

Riêng với TPHCM, các chuyên gia cho rằng hai việc cấp bách hiện nay mà chính quyền cần làm là cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo nguồn nhân lực. “Lâu nay, Nhà nước đưa ra rất nhiều ưu tiên nhưng việc ưu tiên nhất, quan trọng nhất mà thành phố nên tập trung làm là xây dựng đủ cơ sở hạ tầng như điện, nước, nhà ở đầy đủ, đường sá thông thoáng, đừng có lô cốt, tắc nghẽn… Khi có những cái đó rồi thì thị trường tự khắc điều chỉnh”, ông Du phát biểu.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cũng thừa nhận cơ sở hạ tầng và nhân lực là hai “chỗ nghẽn” khiến cho kinh tế thành phố không thể bứt phá được. Điều này càng trở nên trầm trọng khi kinh tế TPHCM vốn là kinh tế đô thị, phụ thuộc hoàn toàn vào kết cấu hạ tầng đô thị.

“Ví dụ, một trong những hướng phát triển của thành phố là dịch vụ cảng, vận tải biển, logistics. Các dịch vụ này phải gắn kết với nhau. Nhưng như đầu tư mở cảng Hiệp Phước, cảng làm xong rồi lại không có đường mà đi. Sẽ rất khó chuyển dịch cơ cấu nhanh trong điều kiện thiếu đồng bộ như vậy”.

Ông Lịch dẫn chứng thêm: thành phố mở khu công nghệ cao, tuy nhiên đến khâu tuyển lao động thì tắc vì không có. Như vậy, ta mời nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ sang mà không có lao động có tay nghề thì họ sang làm gì?

Theo ông Thành, khi giải quyết hai nút thắt nói trên của thành phố, các chính sách cần được rà soát lại dựa trên bài toán chi phí và lợi ích. Ví dụ như chính sách cấm xây nhà cao tầng tại các khu vực trung tâm. Ách tắc giao thông là do cơ sở hạ tầng về giao thông kém, nên chính sách phải hướng đến phát triển giao thông công cộng để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, chứ không nên cấm xây nhà cao tầng.

Trong điều kiện giá đất tại các khu vực trung tâm cực kỳ đắt đỏ, cấm xây nhà cao tầng sẽ đẩy chi phí xây dựng lên, làm cho giá thuê mặt bằng cũng đắt đỏ theo, rất khó hấp dẫn nhà đầu tư. “Mặt khác, bản chất của dịch vụ tài chính là diện tích nhỏ, mật độ tập trung lớn. Tất cả các trung tâm tài chính như Singapore, Thượng Hải, Hồng Kông, Tokyo, New York… ở đâu mà không có nhà chọc trời? Nếu ta cấm xây dựng thì dẫn đến phân tán, làm sao kích thích dịch vụ phát triển?”.

Bài học Singapore

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, chọn ngành để ưu tiên phát triển là một chính sách không mới. Tuy nhiên, để có thể áp dụng thành công, điều kiện tiên quyết hàng đầu là phải có một chính phủ quản trị giỏi và không tham nhũng. Singapore hiện đang chủ trương phát triển ngành công nghệ sinh học và đây có thể là một kinh nghiệm cho Việt Nam.

Khi triển khai, Chính phủ Singapore đưa ra ba phương án. Cách thứ nhất là nhà nước thành lập doanh nghiệp (các trung tâm nghiên cứu). Cách thứ hai là hỗ trợ cho tư nhân thành lập và cách thứ ba là thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, châu Âu chuyển địa điểm về Singapore. Họ chọn cách thứ ba vì nhà nước cũng như tư nhân đã biết gì đâu mà làm. Như vậy chỉ có cách thu hút chất xám từ nước ngoài. Muốn thu hút thì phải giảm chi phí hoạt động cho họ.

Từ suy nghĩ đó, Singapore đã thiết lập các khu công nghiệp gắn liền với việc cung cấp dịch vụ trọn gói nhà ở, vui chơi giải trí, hạ tầng kỹ thuật… Giá cho thuê tất nhiên là rẻ hơn rất nhiều so với ở Boston, Mỹ. Ngoài ra, họ còn liên kết với nước ngoài mở các trường đại học; thực hiện chính sách thu hút nhân tài để tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ sinh học. Ví dụ, sinh viên Việt Nam giỏi được cấp học bổng tại trường hợp tác với điều kiện phải ở lại làm việc năm năm.

Bước đầu Singapore đã thu hút được một số nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả họ làm bài bản như vậy mà cũng vẫn còn nhiều ý kiến chỉ trích vì sợ không thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới