(KTSG Online) – Hành lang pháp lý của dịch vụ tài chính số và việc quản lý dữ liệu vẫn chưa theo kịp bức tranh các ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm đẩy mạnh chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị.
Tại Diễn đàn "Dịch vụ tài chính & ngân hàng mở" năm 2022 diễn ra ngày 17-6, do tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho biết hiện nay việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đang được đầu tư và đẩy mạnh, nhưng còn rất nhiều chông gai.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận thức đầu tư số hóa ngày nay của doanh nghiệp đã thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trong hai năm qua.
Theo đó, có khoảng 73% doanh nghiệp khu vực ASEAN cho biết đã tăng cường đầu tư trong năm ngoái và tiếp tục trong năm nay cho công nghệ và hoạt động chuyển đổi số, trong khi cùng kỳ năm 2017 chỉ là 60%. Tương tự, có đến 80% doanh nghiệp nhận thức được dữ liệu là tài sản quý (trước đó chỉ 63%).
Tại Việt Nam, ở lĩnh vực chứng khoán, bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, đánh giá hiện nay hầu hết các công ty chứng khoán đã có bộ phận nghiên cứu chuyển đổi số, nhưng việc ứng dụng các công nghệ thì chưa nhiều và chưa sâu, vì chỉ mới bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu, chưa có hành lang pháp lý đáp ứng các sản phẩm mới.
Dù vậy, bà Hải Anh cũng cho rằng trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, cơ hội còn rất lớn cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản. “Một khi có thể huy động tài chính từ cá nhân nhỏ lẻ thì quy mô của thị trường chứng khoán sẽ mở rộng rất nhiều, thậm chí vượt giai đoạn bùng nổ vừa qua”, bà Hải Anh nói.
Còn trong lĩnh vực ngân hàng, khái niệm “nóng” hiện nay là ngân hàng mở - Open Banking, tích hợp nhiều dịch vụ tài chính khác nhau vào nền tảng chung là ngân hàng.
Việc áp dụng mô hình này được kỳ vọng tạo ra nhiều biến đổi toàn diện với ngành tài chính ngân hàng. Một số ngân hàng đã bước đầu đưa khái niệm này vào hoạt động kinh doanh, nhưng ứng dụng như thế nào và tới đâu vẫn còn là một dấu hỏi.
Trong bài trình bày của mình, đại diện Deloitte cho biết thực tế hiện nay Việt Nam chưa có quy định, hướng dẫn riêng và đầy đủ về ngân hàng mở. “Thách thức lớn trong việc triển khai ngân hàng mở là chưa có quy định hướng dẫn về Open API (những dịch vụ nào, dữ liệu nào các đối tác có thể sử dụng…) cũng như tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối”, Deloitte nhận định.
Bên cạnh đó, một vấn đề đặc biệt quan trọng trong mô hình này là sự chia sẻ dữ liệu, nhưng câu chuyện sử dụng và bảo vệ dữ liệu vẫn còn đang được thảo luận.
Ở lĩnh vực bảo hiểm, các doanh nghiệp trong thời gian qua cũng tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, như sử dụng 100% hợp đồng điện tử, áp dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng qua nhiều khâu tiếp xúc như tư vấn, yêu cầu bồi thường. Hay phổ biến nhất là khai thác kênh bán hàng hiện đại thông qua ngân hàng, kênh trực tuyến.
Tuy nhiên, thống kê của Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam cho thấy doanh thu phí bảo hiểm mới khai thác qua kênh bảo hiểm trực tuyến còn thấp, chưa tới 1% trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu bảo hiểm trực tuyến chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu phí bảo hiểm (không bao gồm phí bảo hiểm khai thác qua kênh ngân hàng -bancassurance).
Theo đánh giá của viện này, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nếu so với khái niệm hệ sinh thái bảo hiểm số thì còn khoảng cách rất lớn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm toàn cầu đã chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình “nền tảng mở" và hệ sinh thái bảo hiểm được kết nối, tích hợp đồng bộ với dữ liệu của nhiều bên.
Hiện thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam cũng khá nhiều. Trong đó chủ yếu là hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ cũng như chưa đủ dữ liệu để phân tích. Một số tổ chức đã chuyển đổi và chưa thành công, một số đã thất bại.
Theo ông Ngoạn, các nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện. Theo đó, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở ứng dụng công nghệ mà phải thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh và quản trị. Ngoài ra, chiến lược tiến hành chuyển đổi số như thế nào và không huy động được nguồn nhân lực tài năng cũng ảnh hưởng lớn, quyết định đến mức độ thành công của việc xây dựng hệ sinh thái số.
Nhìn chung, việc ứng dụng đến đâu, tham gia vào công đoạn nào và chịu sự kiểm soát như thế nào để đảm bảo lợi ích khách hàng, sự an toàn và ổn định của hệ thống truyền thống trong các lĩnh vực tài chính vẫn là một câu hỏi đang được nhiều bên quan tâm.