(KTSG Online) - Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hình thức tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến (online) đang trở thành một xu hướng được nhiều người lựa chọn để chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tiện ích thì dịch vụ khám, chữa bệnh này cũng tiềm ẩn rủi ro ‘tiền mất tật mang’ nếu người sử dụng dịch vụ này không tìm hiểu và kiểm chứng thông tin cẩn thận.
Tư vấn, sức khỏe online nở rộ
Hiện nay, nhiều app (ứng dụng) và những hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, website… nở rộ hình thức tư vấn, khám bệnh online. Chỉ cần gõ cụm từ “khám bệnh online”, “tư vấn sức khỏe” trên công cụ tìm kiếm Google hoặc một số trang mạng xã hội, hàng trăm kết quả liên quan đến việc tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí hoặc có phí sẽ xuất hiện.
Không chỉ số lượng kết quả tìm kiếm nhiều mà lĩnh vực tư vấn, khám chữa bệnh online cũng đa dạng như tâm lý, sinh lý, thẩm mỹ, dinh dưỡng, xương khớp... Với một thao tác nhấp chuột vào kết quả bất kỳ, các thông tin về bác sĩ và hình thức kết nối đến lĩnh vực tư vấn, khám bệnh sẽ xuất hiện để người dân dễ dàng lựa chọn.
Mức giá của hình thức khám bệnh này cũng rất đa dạng. Theo đó, khi liên hệ đặt lịch khám với một bác sĩ chuyên ngành về dị ứng - miễn dịch đang công tác tại TPHCM thông qua một website, nhân viên thông báo mức giá là 2000.000 đồng/lần khám với thời gian 20 phút. Để thực hiện dịch vụ này, bác sĩ và bệnh nhân sẽ liên lạc thông qua một số ứng dụng như Zalo, Viber, Skype, Messenger… Tất cả dịch vụ đều yêu cầu thanh toán trước.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể lựa chọn những gói dịch vụ khám có mức giá là 50.000 đồng/5 phút/lần, 100.000 đồng/10 phút, 200.000 đồng/20 phút, 500.000 đồng/lượt khám… Như vậy, mức giá tư vấn, khám bệnh online thường dao động từ 50.000 đồng - 5000.000 đồng/lần khám tuỳ vào thời gian và chuyên khoa của bác sĩ mà khách hàng lựa chọn.
Nói về hình thức khám bệnh online nở rộ hiện nay, bác sĩ Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung trâm phục hồi chức năng Houston Memorial Rehab thuộc Bệnh viện quốc tế Phương Châu, cho biết thông qua các website hoặc các trang mạng hội, người dân vẫn có thể được tư vấn, khám chữa bệnh online từ những bác sĩ nổi tiếng, có chuyên môn tại các bệnh viện tư nhân hoặc công lập uy tín trên cả nước. Tuy nhiên, làm sao để tìm được địa chỉ uy tín thì người dân phải rất thông thái bởi trên các nền tảng mạng xã hội, việc tư vấn, khám bệnh online đang “vàng thau lẫn lộn”.
Trên thực tế, hiện đang tồn tại rất nhiều trang tư vấn, khám bệnh online mạo danh, trá hình để bán hàng. Một số đơn vị lấy danh nghĩa tư vấn sức khỏe online thường có xu hướng quảng cáo rất hấp dẫn và công khai những chia sẻ của người dân về hiệu quả và thay đổi tích cực của sức khỏe sau khi sử dụng sản phẩm. Thậm chí, nhiều trang mạng còn sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của các bác sĩ nổi tiếng để thu hút người dân mua sản phẩm.
Thời gian qua, ngành y tế cũng đã phát đi cảnh báo về việc có không ít bác sĩ nổi tiếng và bệnh viện lớn bị mạo danh để tư vấn, khám chữa bệnh trên không gian mạng, bác sĩ Quang Anh cho biết thêm.
Sự cẩn trọng, giám sát đến từ nhiều bên
Là một bác sĩ thường xuyên chia sẻ kiến thức y tế thường thức trên một số trang mạng xã hội, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga thuộc Bộ Quốc phòng, cho rằng việc khám chữa bệnh online là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên để hoạt động hình thức này hiệu quả cần phải có quy định rõ ràng, chặt chẽ. Việc tư vấn sức khỏe cho người dân không khó nhưng việc khám chữa bệnh từ xa không đơn giản. Tùy từng bệnh lý, bác sĩ có thể có những tư vấn tạm thời hoặc khuyến cáo người dân nên đến cơ sở y tế để thực hiện thêm các xét nghiệm.
Lấy ví dụ về việc bệnh nhân có biểu hiện đau họng, “bác sĩ chỉ nên chia sẻ những bệnh lý mà người bệnh có thể mắc phải, không thể đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh nhân mắc bệnh gì. Để có kết quả cụ thể hơn, bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế để thực hiện những xét nghiệm liên quan. Ngoài ra, khi khám bệnh từ xa, việc kê đơn thuốc cũng cần phải hết sức cẩn trọng bởi bệnh nhân có thể dị ứng thuốc”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Quang Anh, tư vấn và khám bệnh online hiện đang là nhu cầu rất lớn của người dân và phía cung cấp dịch vụ cũng có rất nhiều. Tuy nhiên, chi phí khám bệnh chưa hẳn đi cùng chất lượng dịch vụ. Vì vậy, mô hình này rất cần sự giám sát và quản lý chặt chẽ của ngành y tế.
“Khám bệnh online không phải hình thức phù hợp để khám và điều trị bệnh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời khi người bệnh chưa có thời gian để đi khám trực tiếp”, vị bác sĩ này nhấn mạnh.
Không phủ nhận về những tiện ích của việc đặt lịch hẹn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa nhưng bác sĩ Quang Anh vẫn khuyến cáo người bệnh nên tỉnh táo khi lựa chọn các dịch vụ khám bệnh này. Vị bác sĩ này nêu ra tình trạng nhiều người bệnh nhẹ dạ cả tin, không kiểm chứng thông tin khi tìm đến các trang tư vấn, khám bệnh không đảm bảo chất lượng. Điều này khiến người bệnh bị tư vấn, chuẩn đoán sai hoặc kê toa thuốc không đúng tình trạng bệnh, dẫn đến tiềm ẩn nguy hiểm sức khỏe.
Đáng nói hơn, một số trang tư vấn, khám bệnh có thể sử dụng “bác sĩ online” không được kiểm chứng về chuyên môn để tư vấn cho người dân. Một số “bác sĩ online” tự giới thiệu tên tuổi, chuyên môn nhưng chưa chắc đã được đào tạo bài bản. Do đó, “việc khám bệnh từ xa chỉ là giải pháp trước mắt. Nếu có điều kiện, người dân vẫn nên đến các cơ sở y tế để được y, bác sĩ khám và kê thuốc phù hợp với tình trạng bệnh”, bác sĩ Anh cho biết.
Trước tình trạng nở rộ dịch vụ khám bệnh online hiện nay, vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30 quy định về 50 bệnh thuộc gần 20 chuyên khoa được khám, chữa bệnh từ xa. Theo đó, chuyên khoa cơ xương khớp được khám, chữa bệnh đau vai gáy, hội chứng cánh cổ tay, đau thắt lưng viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối. Đối với ung thư được khám, chữa bệnh từ xa trong trường hợp sau điều trị ung thư, chăm sóc giảm nhẹ.
Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm được khám, chữa bệnh từ xa như sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo, cúm, Covid-19. Chuyên ngành da liễu được khám các bệnh da do virus, bệnh da dị ứng - miễn dịch và da viêm, bệnh da do nhiễm khuẩn, bệnh da do nấm - ký sinh trùng. Chuyên khoa tai mũi họng được phép khám, chữa bệnh từ xa với viêm mũi họng cấp tính, viêm mũi họng mãn tính, viêm lợi.
Theo Bộ Y tế, khám chữa bệnh từ xa là hình thức khám, chữa bệnh không trực tiếp tiếp xúc giữa người hành nghề và người bệnh mà việc khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin.
Điều kiện để bác sĩ khám, chữa bệnh từ xa
Theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đăng ký với cơ quan quản lý y tế, chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc.
Các chỉ định và kê đơn thuốc khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Ngoài ra, thông tin khám, chữa bệnh từ xa của người bệnh phải được tuân thủ theo các nguyên tắc bảo mật.