(KTSG Online) – Những tuần vừa qua, những biến động từ thị trường vàng, bitcoin, chứng khoán quốc tế cùng dấu hiệu lắng dịu của lạm phát trong nước đã góp phần đẩy tiền đồng Việt Nam tăng giá. Tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt đã làm giảm áp lực cho thị trường tài chính và trở thành điểm sáng kinh tế cuối năm, dù giới chuyên gia vẫn còn lo ngại về biến số lạm phát.
- Toàn bộ lượng tiền hơn 360.000 tỉ đồng hút qua kênh tín phiếu đã quay trở lại hệ thống
- Áp lực tỷ giá tạm thời chững lại
Xu hướng hạ nhiệt rõ ràng hơn
Xu hướng hạ nhiệt của tỷ giá đã trở nên rõ ràng hơn trong ba tuần gần đây, sau khi chững lại từ đầu tháng 11. Tính đến cuối giờ chiều ngày 7-12, tỷ giá tại chào bán tại Vietcombank là 24.430 đồng/đô la Mỹ, tăng nhẹ so với hồi đầu tuần nhưng vẫn giảm mạnh khoảng 1,3% so với hồi đầu tháng 11.
Các thị trường khác cũng có diễn biến tương tự. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) neo tỷ giá trung tâm ngày 7-12 ở mức 23.959 đồng/đô la, có tăng nhẹ so với cuối tuần trước, nhưng giảm 0,54% so với hồi đầu tháng 11 (tương ứng giảm khoảng 130 đồng).
Theo thống kê của Công ty chứng SSI, trong tuần trước tỷ giá thị trường ngân hàng thương mại gần như đi ngang, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do lại biến động trong biên độ hẹp, kết tuần tăng đến 3,7% so với cuối năm 2022. Tính đến chiều ngày 7-12, tỷ giá trên thị trường tự do được chào bán ở mức 24.641 đồng/đô la, vẫn cao hơn một chút so với tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng, nhưng cũng đã hạ nhiệt đáng kể so với đầu tháng 11.
Trong giai đoạn tháng 9-10, đã từng có lúc tỷ giá tiền đồng tăng đến 4% so với hồi đầu năm, nhưng hiện nay thì mức tăng chỉ còn khoảng 2,7%, tức nằm trong giới hạn thông thường cho phép mất giá của Việt Nam (quanh mốc 3%).
Trong khi đó, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tiếp tục dư thừa. Nhiều ngân hàng thương mại lớn tiếp tục giảm lãi suất huy động thêm khoảng 10-30 điểm cơ bản trong tuần trước. Mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng nằm trong khoảng 4,3-48%/năm, tức về mức thấp nhất trong lịch sử, theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI. Hiện nay, NHNN cũng đã dừng hoạt động phát hành tín phiếu để hút tiền trên thị trường liên ngân hàng.
Trong khi đó, dòng chảy đô la Mỹ cuối năm lại tiếp tục dồi dào. Cụ thể, nguồn thặng dư thương mại tăng mạnh (11 tháng năm 2023 thặng dư 23,8 tỉ đô la, cao hơn nhiều so với cả năm 2022), đi cùng đó là dòng giải ngân vốn FDI (hơn 20 tỉ đô trong 11 tháng đầu năm, tăng 2,9%). Đặc biệt đáng chú ý là năm nay kiều hối dự kiến tăng cao. Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM mới đây cho biết trong 9 tháng đầu năm, lượng kiều hối chuyển về địa bàn đạt gần 6,9 tỉ đô la, tăng 40% so với cùng kỳ và vượt cả năm 2022.
Sức ép giảm bớt
Tại hội thảo kinh tế vào thứ sáu tuần trước, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá áp lực tỷ giá đã dịu bớt đáng kể, khi đồng đô la Mỹ đã và đang có xu hướng giảm, nhiều khả năng sẽ không còn tăng giá nữa.
Chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác), tính đến chiều ngày 7-12 đã giảm khoảng 2,7% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 11. Trước đó tính riêng trong tháng 11 thì chỉ số này giảm 3%.
Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI, thông tin về kinh tế Mỹ cũng như các bài phát biểu của lãnh đạo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giúp cho đồng đô la Mỹ có xu hướng giảm. Các chỉ báo kinh tế cho thấy kinh tế Mỹ đang chậm lại nên Fed được kỳ vọng sẽ thận trọng hơn trước việc tăng lãi suất.
SSI dẫn lại công cụ dự báo của CME, cho thấy có 60% khả năng Fed giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 3 (tăng so với dự báo 25% trước đó một tuần) và đến 90% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong tháng 5. Diễn biến này khiến cho các đồng tiền khác được hưởng lợi khi tăng giá so với đô la Mỹ. Chẳng hạn như trong tuần trước đồng bảng Anh tăng 0,86%, đồng yen Nhật tăng 1,78%, kể cả đồng baht Thái cũng tăng đến 1,48%.
Không chỉ sức ép bên ngoài giảm bớt, câu chuyện lạm phát trong nước cũng “dễ thở” hơn là một lý do giúp giảm áp lực lên tỷ giá.
Theo Công ty chứng khoán Maybank IB (MSVN), những thông tin vĩ mô mới nhất cho thấy sức ép lên tiền đồng đã giảm bớt khi chỉ số CPI có xu hướng yếu đi. Thậm chí, MSVN điều chỉnh dự báo chỉ số CPI năm nay sẽ giảm từ mức dự kiến trước đó là 3,4% về mức 3,3%, do lạm phát trong quí 4 có thể thấp hơn dự kiến.
Tương tự, nhóm phân tích của Ngân hàng HSBC bình luận lạm phát nhìn chung vẫn duy trì trong mức kiểm soát, khi lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, kéo theo lạm phát so với cùng kỳ năm trước cũng “dịu” xuống 3,4% trong tháng 11 vừa qua.
Hiện nay chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la vẫn đang được duy trì, đồng thời nhu cầu ngoại tệ tăng cao trong giai đoạn kinh tế “vào mùa” sôi động nhất năm cũng sẽ gây áp lực đến tỷ giá. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá tỷ giá chỉ giảm khoảng 3% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Áp lực tỷ giá giảm đáng kể trong thời gian qua cũng sẽ đem lại sự thuận lợi cho Việt Nam trong việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như là cơ hội để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối.
Một thực tế là tỷ giá đã ổn định ở mức hiện tại trong nhiều tuần qua mà NHNN không cần phải tăng lãi suất. Cùng với đà tăng đô la Mỹ có vẻ như đã kết thúc, chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ tiếp tục nhằm hỗ trợ nên kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhóm phân tích của HSBC, dù nền kinh tế hiện nay có các dấu hiệu tích cực (lạm phát và triển vọng kinh tế) cũng như các yếu tố bên ngoài đang “có sự ổn định nhất định”, điều này không có nghĩa là rủi ro đã hoàn toàn biến mất. Theo đó, HSBC lưu ý đến rủi ro tăng giá như giá thực phẩm và năng lượng (giá điện tăng), đi cùng đó là dự báo NHNN sẽ thực hiện chính sách lãi suất ổn định ở mức 4,5% trong năm sau.