Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Diễn biến ‘rung lắc’ mạnh của VN-Index liệu đã kết thúc?

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tuần giao dịch trước (từ 16 đến 20-10-2023) tiếp tục ghi nhận áp lực điều chỉnh mạnh của chỉ số VN-Index với 4/5 phiên giao dịch mất hơn 1%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bán lẻ, bất động sản chịu áp lực lớn khi nhà đầu tư bán tháo với không ít mã giảm sàn. Kết thúc tuần, VN-Index giảm 46 điểm so với tuần trước đó (giảm 4%), lùi về mức 1.108 điểm.

Tuần giao dịch trước (từ 16 đến 20-10-2023) tiếp tục ghi nhận áp lực điều chỉnh mạnh của chỉ số VN-Index với 4/5 phiên giao dịch mất hơn 1%. Ảnh minh họa: TL

Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng khi quay trở lại mua ròng mạnh sau hai tuần bán ròng liên tiếp trước đó. Lũy kế năm phiên, khối ngoại mua ròng 923 tỉ đồng.

Cổ phiếu VHM và STB được khối ngoại mua ròng lần lượt 579 và 491 tỉ đồng, trong đó riêng VHM xuất hiện giao dịch thỏa thuận đột biến trong phiên cuối tuần (20-10-2023) tại mức giá tham chiếu (42.500 đồng/cổ phiếu) với tổng khối lượng lên đến 19,2 triệu đơn vị. VHM sau đó cũng nhanh chóng quay đầu bứt phá mạnh và đóng cửa phiên tại 44.500 đồng/cổ phiếu, tăng 4,71%, qua đó đóng góp lớn nhất vào VN-Index trong phiên cuối tuần.

Ở chiều ngược lại, MWG bị khối ngoại bán ra mạnh nhất trong tuần qua với 186 tỉ đồng. Điều này khiến cổ phiếu đầu ngành bán lẻ nối dài chuỗi hở “room” với tỷ lệ cao kỷ lục. Số liệu tại thời điểm cuối phiên ngày 20-10 ghi nhận tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG đạt 47,58%, tương ứng số lượng cổ phiếu khối ngoại có thể mua thêm lên tới gần 21 triệu đơn vị.

Về dòng tiền của các quỹ, đáng chú ý trong tuần qua là động thái từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF. Cụ thể, trong phiên giao dịch 19-10, quỹ này đã phát hành ròng 16 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng khoảng 5,8 triệu đô la Mỹ (khoảng 142 tỉ đồng) - mức lớn nhất trong vòng bảy tháng trở lại đây của quỹ này.

Đặc biệt, trong bốn phiên giao dịch từ ngày 16 đến 19-10, tranh thủ nhịp rơi gần 67 điểm của VN-Index, quỹ Fubon đã hút ròng được gần 320 tỉ đồng. Tuy vậy, hiệu suất hoạt động của quỹ vẫn ghi nhận đà sụt giảm. Tính từ thời điểm 19-9 khi quỹ trở lại hút ròng tới nay, hiệu suất của quỹ vẫn âm hơn 13%.

Về diễn biến thị trường tài chính thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần (chỉ số S&P 500 giảm 2,4%, Dow Jones trượt 1,6% trong khi Nasdaq hạ 3,2%) khi đà tăng vọt của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ làm dấy lên lo ngại về tình trạng của nền kinh tế.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt ngưỡng 5% lần đầu tiên trong 16 năm. Mức lợi suất này có thể tác động đến nền kinh tế thông qua việc gia tăng lãi suất thế chấp, thẻ tín dụng, các khoản cho vay mua ô tô… Chưa kể, nó còn mang đến cho nhà đầu tư một giải pháp thay thế hấp dẫn cho cổ phiếu.

Thanh khoản thị trường bất động sản - một động lực chủ chốt của kinh tế Trung Quốc - tiếp tục sụt giảm, trong khi giá nhà ở giảm nhanh nhất trong gần một năm. Chỉ số CSI 300 giảm hơn 4% và khép lại tuần tệ nhất trong một năm, xóa sạch đà tăng đã gây dựng được kể từ khi Trung Quốc gỡ bỏ biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19.

Làn sóng bán tháo vẫn diễn ra trên TTCK Trung Quốc dù chính phủ nước này đã nỗ lực tung ra các biện pháp hỗ trợ thị trường, bao gồm siết chặt hoạt động bán khống, kêu gọi quỹ quản lý tài sản quốc gia mua cổ phiếu và ngân hàng trung ương bơm thanh khoản.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền nước ngoài vẫn tiếp tục rút ra khỏi TTCK Trung Quốc với mức bán ròng trong tuần trước đạt 24 tỉ nhân dân tệ (tương đương 3,3 tỉ đô la Mỹ) - mức cao nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 18-8-2023.

Về các tin tức vĩ mô trong nước, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm quy mô phát hành tín phiếu xuống còn 55.900 tỉ đồng (tuần trước là 65.000 tỉ đồng) trong khi đã có 20.000 tỉ đồng đến hạn. Như vậy, lượng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng là 35.900 tỉ đồng.

Trong khi đó, tỷ giá có hạ nhiệt đôi chút về cuối tuần nhưng vẫn neo ở mức khá cao (24.540 đồng/đô la Mỹ). Về mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quí 3, ngoài nhóm ngành chứng khoán có hầu hết công ty ghi nhận kết quả tích cực thì ở các nhóm ngành khác, sự phân hóa giữa các doanh nghiệp là điều có thể nhận thấy.

Trong tuần giao dịch này, nhà đầu tư sẽ tiếp tục dồn sự chú ý vào mùa báo cáo KQKD quí 3, diễn biến của tỷ giá và hoạt động bơm/hút tín phiếu của NHNN. Tuy vậy, thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các nhà giao dịch ngắn hạn vẫn cần ưu tiên mục tiêu quản trị danh mục, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp trước khi thị trường ổn định trở lại và cho tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới