Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Diễn đàn Ngân hàng 2023: Cân bằng phương trình ‘ổn định vĩ mô’ của chính sách tiền tệ

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thế giới đã đi qua 1/3 thời gian của năm 2023, với hàng loạt biến động về kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục xu hướng tăng lãi suất, Việt Nam bất ngờ giảm các loại lãi suất điều hành trong tháng 3 vừa qua.

Sự chuyển động về chính sách tiền tệ đã tạo ra những tác động tích cực cho nền kinh tế, giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh “dễ thở” hơn và doanh nghiệp nhìn thấy những tín hiệu lạc quan trong tương lai gần. Tuy nhiên, các yếu tố bất định vẫn chưa dừng lại, kinh tế thế giới phục hồi chậm, lạm phát và mặt bằng lãi suất cao vẫn tiếp tục duy trì tại nhiều nền kinh tế, đã có nhiều ngân hàng quy mô toàn cầu sụp đổ.

Nền kinh tế Việt Nam nửa cuối năm được dự báo tiếp tục đối diện nhiều thách thức, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu do nhu cầu thế giới sụt giảm, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn.

Đợt giảm lãi suất trong tháng 3 vừa qua được xem là động thái điều hành mang tính linh hoạt, là sự định hướng quan trọng cho xu hướng của thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều rủi ro bất định, sự linh hoạt trong ứng xử, điều hành cũng đồng thời góp phần tạo thêm dư địa để kinh tế Việt Nam thích ứng với những biến động trên toàn cầu, từ đó ổn định vĩ mô.

Tháng 5 sắp tới được dự báo là thời điểm mà kinh tế thế giới đứng trước “ngã ba” đường, với những đánh giá, quyết định về khả năng tiếp tục tăng lãi suất đồng đô la Mỹ hay không, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế cũng như sự tác động dây chuyền đến hệ thống ngân hàng, tài chính.

Do đó, đây cũng là thời điểm phù hợp để Việt Nam có những sự nhìn nhận, đánh giá tổng quan về thị trường và chính sách tiền tệ. Từ đó, nhà điều hành sẽ có những định hướng, trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp đến các cơ quan làm chính sách trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Phản ánh nhịp đập của thị trường tài chính và bám sát diễn tiến thời sự, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2023 (Vietnam Banking Forum 2023), với chủ đề: “Điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến khó lường, rủi ro lạm phát và biến động hệ thống tài chính”.

Tiếp nối thành công của những diễn đàn trước đây, mục tiêu cuối cùng của sự kiện năm nay là làm thế nào để gia tăng tính hiệu quả và tính linh hoạt của chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, nội dung dự kiến của diễn đàn được chia làm hai phần. Phần đầu tiên là tham luận của các diễn giả uy tín về triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023, những kỳ vọng về tỷ giá, lạm phát và khuyến nghị chính sách.

Phần tiếp theo sẽ là bàn tròn thảo luận giữa đại diện cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, các thành viên tham gia thị trường, các chuyên gia và doanh nghiệp – đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách tiền tệ. Nội dung tập trung thảo luận về định hướng chính sách tiền tệ, làm thế nào để tăng cường hiệu quả chính sách tiền tệ trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định.

Sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày 10-5 tới đây tại Trung tâm hội nghị Quốc tế ICC Hà Nội, cùng sự góp mặt của hơn 120 khách mời là các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại và nhiều định chế tài chính khác như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới