Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Điện hạt nhân trong bức tranh cung ứng năng lượng Việt Nam

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Nếu không quan tâm tới điện hạt nhân thì Việt Nam chưa tìm thấy nguồn cung điện nào đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ước tính 10%/năm. Song song với đó, cần khuyến khích sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...”, PGS.TS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Lựa chọn cuối cùng?

KTSG: Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện của Việt Nam phải đạt khoảng 150.000MW, như vậy, mỗi năm cần đưa trên 10.000MW nguồn điện mới vào vận hành, trong đó, chúng ta phải chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn cung để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Phải chăng bối cảnh này đặt ra yêu cầu phải tiến tới việc sớm tái khởi động điện hạt nhân, thưa ông?

- PGS.TS. Trần Văn Bình: Điện năng là một sản phẩm vật chất nhưng người dùng không thể nhìn thấy nó được. Việc sử dụng điện đòi hỏi đảm bảo một sự cân bằng gần như tuyệt đối giữa cung và cầu, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện lại luôn biến đổi theo thời gian, có mức chênh lệch lớn giữa các thời điểm khác nhau trong ngày, cũng như giữa các mùa trong năm.

Theo cơ cấu phát điện của Việt Nam năm 2019, nhiệt điện than cung ứng 41,6% sản lượng tiêu thụ, thủy điện và tuabine khí chiếm lần lượt 37,7% và 18%, còn lại từ các nguồn khác. Vậy nhưng, tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác tới hạn, còn nguồn nhiên liệu hóa thạch, không tái tạo để sản xuất điện ngày càng bị cạn kiệt.

Về năng lượng tái tạo, vài năm vừa qua, Việt Nam đã thu hút một lượng vốn khổng lồ đầu tư cho loại hình này, chủ yếu nhờ vào giá FIT (Feed-in Tariff), mức giá 9,35 cent Mỹ/kWh được cam kết trong 20 năm. Tuy nhiên, cuộc chạy đua đầu tư để hưởng giá FIT đã tác động tới Quy hoạch điện 7, không đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới, khiến nhiều dự án đã đóng điện nhưng không huy động được vì đường dây quá tải.

Nếu không quan tâm tới điện hạt nhân thì Việt Nam chưa tìm thấy nguồn cung điện nào đáp ứng cho sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu đời sống dân sinh.

Dù theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, Việt Nam ước tính có 1,2 terawatt tiềm năng năng lượng tái tạo, gấp 15 lần công suất lắp đặt hiện tại nhưng những địa điểm thuận lợi, dễ dàng xây dựng nhà máy thì chúng ta đã có dự án rồi. Với nhu cầu của Việt Nam, trong vòng 20-30 năm tới, chúng ta cũng sẽ khai thác hết công suất đáp ứng của nguồn năng lượng này.

Mặt khác, điện tái tạo có đặc tính không ổn định, không tốn nhiên liệu đầu vào nhưng độ tin cậy thấp. Khi công nghệ lưu trữ năng lượng còn chưa được áp dụng thì điện từ năng lượng tái tạo chỉ được phép chiếm một tỷ lệ nào đó trong hệ thống.

Nhìn vào bài toán tổng thể như vậy, có thể thấy, nếu không quan tâm tới điện hạt nhân thì Việt Nam chưa tìm thấy nguồn cung điện nào đáp ứng cho sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu đời sống dân sinh. Đặt vấn đề tái khởi động điện hạt nhân là phù hợp.

Việt Nam muốn đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, do đó, điện hạt nhân còn có một thuận lợi nữa là phát thải thấp. Ngoài ra, các nhà máy điện hạt nhân có thể dùng để chạy nền cho đồ thị phụ tải của quốc gia, thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than truyền thống.

KTSG: Mới đây, Mỹ công bố kế hoạch tăng công suất điện hạt nhân thêm 200 GW vào năm 2050, gấp 3 lần so với năm 2020. Đây được cho là một trong những giải pháp cung ứng năng lượng để Mỹ duy trì sự dẫn đầu trong các ngành công nghệ mới nổi vốn tiêu thụ rất nhiều điện, như trí tuệ nhân tạo (AI). Việt Nam đã bày tỏ quyết tâm xây dựng nền kinh tế số, làm chủ một số công nghệ mới nổi, vậy nên, điện hạt nhân lại càng trở thành một phương án buộc phải lựa chọn?

- Khi đề cập đến điện hạt nhân, chúng ta chỉ đang nói đến một nguồn cung cấp năng lượng cho nhu cầu của đất nước. Vì không còn nguồn nào, chúng ta buộc phải nghĩ đến điện hạt nhân.

Trong Quy hoạch điện 7, Việt Nam dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án được triển khai, dự kiến vận hành vào năm 2023, nhưng đến năm 2016 thì dừng lại. Trước đây, chúng ta đã triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực. Tới thời điểm này, đặt ra vấn đề tái khởi động dự án điện hạt nhân là thuận lợi nhất.

Từ trước tới nay, điều khiến nhiều người nghi ngại về điện hạt nhân là vấn đề an toàn. Thực tế là nhiều lò hạt nhân thiết kế thế hệ II và III vẫn vận hành an toàn ở nhiều nước và các lò đang xây dựng đã dựa trên thiết kế mới nhất của thế hệ III+, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn.

Tất nhiên, cái khó của Việt Nam là chúng ta chưa làm chủ được công nghệ. Dù vậy, như phương án đưa ra khi quyết triển khai điện hạt nhân, chúng ta có thể hợp tác với các quốc gia phát triển, nhập công nghệ, học hỏi và nhận chuyển giao. Từ trước tới nay, điều khiến nhiều người nghi ngại về điện hạt nhân là vấn đề an toàn. Thực tế là nhiều lò hạt nhân thiết kế thế hệ 2 và 3 vẫn vận hành an toàn ở nhiều nước và các lò đang xây dựng đã dựa trên thiết kế mới nhất của thế hệ 3+, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn. Khi khoa học công nghệ tiến bộ hơn, rủi ro từ sự cố điện hạt nhân, vốn có xác suất cực thấp, sẽ càng được giảm thiểu.

Những nút thắt cần hóa giải

KTSG: Thưa ông, kể cả khai thác năng lượng tái tạo hay điện hạt nhân, mức giá điện bán ra chắc chắn sẽ cao hơn, phần nào sẽ có những tác động tới nền kinh tế. Vấn đề này cần được cân nhắc như thế nào?

- Trong hàng chục năm vừa qua, nền kinh tế của chúng ta hướng đến xuất khẩu, mở cửa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tới xây dựng nhà máy, sản xuất, gia công các sản phẩm tại Việt Nam rồi xuất đi nước ngoài. Điều này đã tạo nên thành tích tăng trưởng GDP cho toàn nền kinh tế, tuy nhiên, đi cùng với nó, giá điện cạnh tranh trở thành một yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư.

Tại khu vực sản xuất nội địa, doanh nghiệp Việt đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiên về gia công, không có nguồn lực để đổi mới máy móc, thiết bị nên sử dụng các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Chính sách giá năng lượng thấp được duy trì, vừa để tăng lợi thế thu hút FDI, vừa để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa bởi nếu tăng giá, sức cạnh tranh của họ sẽ giảm thiểu, dẫn đến khó tồn tại trên thị trường. Ở chiều ngược lại, chính vì được hưởng giá điện thấp, doanh nghiệp không quan tâm lộ trình đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng không tiết kiệm, hiệu quả. Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam mỗi năm tăng xấp xỉ 10%, các nguồn khai thác ngày càng cạn kiệt, nếu không tiết kiệm, chúng ta không thể sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngay cả việc tạo thêm nguồn cung mới cho lưới điện cũng không hề đơn giản. Theo Quy hoạch điện 8, chỉ riêng giai đoạn 2021-2030 Việt Nam cần đầu tư hơn 134 tỉ đô la Mỹ, tương ứng khoảng 13 tỉ đô la Mỹ/năm, cho nhu cầu phát triển nguồn điện. Tất cả các dự án đầu tư của ngành điện từ trước tới nay đều phụ thuộc vào vốn vay, nhưng kể cả vậy, chủ đầu tư phải tự chủ thu xếp được ít nhất 30% tổng nguồn vốn. Mà đầu tư vào ngành điện đang được đánh giá là không hấp dẫn, do giá điện thấp, thời gian thu hồi vốn lâu.

Tôi lấy ví dụ với giá điện tái tạo, mức giá FIT 9,35 cent Mỹ/kWh, tương đương 2.200 đồng/kWh. Để điện đến hộ tiêu dùng, phải cộng thêm phí truyền tải (78 đồng/kWh), phí phân phối (309 đồng/kWh), phí quản lý (6,7 đồng/kWh), tức là ở mức 2.593,7 đồng/kWh. Trong khi đó, giá điện ở bậc thang thứ 3 (cho hộ dùng từ 101-200kWh) đang áp dụng là 2.271 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức giá năng lượng tái tạo tính đúng, tính đủ nêu trên.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất cơ cấu giá điện hai thành phần gồm giá tính theo công suất đăng ký và giá tiền điện thu hàng tháng. Khi ký hợp đồng cung ứng điện, các hộ gia đình phải đăng ký mức công suất tối đa mà mình sử dụng. Hộ tiêu thụ không được sử dụng quá mức công suất này và lượng công suất đăng ký sử dụng càng lớn thì thành phần chi phí này càng cao. Như đã nói, cung và cầu điện luôn đòi hỏi sự cân bằng tuyệt đối. Khi xác định được nhu cầu điện, ngành điện sẽ chuẩn bị đủ công suất đáp ứng, tránh thừa gây lãng phí, hoặc thiếu sẽ làm giảm chất lượng điện (điện áp và tần số). Về phía khách hàng, họ phải trả đủ chi phí mà việc kết nối của họ gây ra cho hệ thống điện. Theo tôi, chặng đường xây dựng biểu giá này không đơn giản nhưng buộc phải bắt đầu, để đưa giá điện đến mức hợp lý, khuyến khích đầu tư phát triển các dự án phát điện và sử dụng điện hiệu quả.

KTSG: Vậy giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam tới năm 2050 và lâu hơn nữa là gì? Song song với đầu tư mới, sử dụng tiết kiệm, phải chăng chúng ta phải tính được các giải pháp tối ưu hóa thu hồi năng lượng sản xuất, thưa ông?

- Chúng ta đã đề cập đến tái khởi động điện hạt nhân, cơ cấu lại giá điện để khuyến khích sử dụng tiết kiệm. Đối với khu vực FDI, quan điểm thu hút dòng đầu tư chất lượng cao, công nghệ tiên tiến đã và sẽ tiếp tục được hiện thực hóa.

Về tối đa hóa hiệu quả đầu tư, Quy hoạch điện 8 đề ra mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2050 có 50% số hộ gia đình và công sở lắp đặt các công trình điện mặt trời mái nhà để tự sản xuất điện cho nhu cầu của mình. Hiện chúng ta có khoảng 26 triệu hộ gia đình, 50% số hộ là 13 triệu. Mỗi hộ đặt một cụm điện mặt trời áp mái 5 kWp. Tính theo cường độ bức xạ và số giờ nắng trung bình cả nước thì hàng tháng mỗi trạm sẽ sản xuất được khoảng 450 kWh điện. Như vậy chúng ta sẽ có 65 triệu KW công suất đặt và hơn 350 tỉ kWh điện năng mỗi năm thay thế cho công suất và điện thương phẩm cung cấp từ hệ thống quốc gia. Đấy là chưa tính đến các công sở.

Xét về góc độ tài chính, nguồn vốn đầu tư này là do các hộ gia đình tự bỏ ra. Nếu tính suất đầu tư 25 triệu đồng/KWp như hiện nay thì ngành điện sẽ giảm được lượng đầu tư khoảng 70 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, thành bại của mục tiêu này nằm ở chất lượng mô đun điện mặt trời mái nhà đảm bảo thu hồi cao nhất và thời gian sử dụng lâu nhất. Với những pin mặt trời mới, hiệu suất chuyển đổi ánh sáng có thể đạt 20-25%, vòng đời 20-30 năm. Tuy nhiên, nếu sử dụng loại chất lượng kém, hiệu suất chuyển đổi ánh sáng chỉ 12-15%, thu hồi năng lượng thấp, dùng vài năm là phải bỏ đi. Nhà nước cần xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật cho các mô đun điện mặt trời mái nhà và giám sát chặt chẽ về chất lượng. Mặt khác, cần khuyến khích các doanh nghiệp dấn thân vào một thị trường mới đang rộng mở.

Vấn đề thứ hai cần giải quyết là về pin lưu trữ. Tương tự, cần khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa phát triển công nghệ này. Nếu doanh nghiệp được cạnh tranh công bằng, minh bạch, bình đẳng dựa trên chất lượng sản phẩm cung ứng, họ sẽ sẵn sàng đầu tư.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới