Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Điện mặt trời: cơ chế đang đi ngược với mục tiêu ‘xanh’?

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất được xem là một trong những cách để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu giảm phát thải của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp than rằng họ đang gặp khó khăn do chính sách cũng như thủ tục đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời.

Nhu cầu lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tại nhà xưởng để sản xuất nhằm giảm phát thải của nhiều doanh nghiệp tăng cao, hướng đến sản xuất bền vững, xanh.

Là doanh nghiệp sản xuất và gia công cho hơn 10 nhãn hàng thời trang ở châu Âu và Mỹ, doanh nghiệp dệt may lớn ở tỉnh Đồng Nai (xin không nêu tên), đã sớm triển khai các tiêu chuẩn sản xuất thân thiện về môi trường để đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng. Nỗ lực sản xuất ít phát thải đã giúp công ty nhận về hơn 10 chứng chỉ “xanh” trong nước và quốc tế liên quan đến môi trường.

Nhưng hơn ba năm qua, công ty lại trầy trật với thủ tục lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng để sử dụng.

“Chúng tôi rất muốn làm điện mặt trời để tiết kiệm chi phí sản xuất và đáp ứng tiêu chí xanh của đối tác nhập khẩu, nhưng vướng nhiều thủ tục làm ảnh hưởng đến lộ trình sản xuất xanh của doanh nghiệp”, người đại diện doanh nghiệp bày tỏ, và bức xúc: “Nhiều thị trường nhập khẩu, nhãn hàng quốc tế ngày càng khắt khe với sản phẩm làm ra ít phát thải và Nhà nước cũng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh,… nhưng thủ tục đầu tư điện mặt trời để doanh nghiệp phát triển bền vững thì đang ngược lại”.

Doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác có nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp (KCN) cũng than gặp vướng mắc khi muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HBA), cho biết Hiệp hội nhận nhiều phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn khi muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy. Ông Đức cho biết: “Doanh nghiệp trong các KCN đang rất cần cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Họ cam kết chỉ dùng điện này cho sản xuất tại nhà máy của họ, không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia”.

Một chủ doanh nghiệp da giày ở Bình Dương cho biết khi lắp đặt hệ thống năng lượng này doanh nghiệp sản xuất không phải tốn một khoản đầu tư ban đầu nào vì tất cả thiết bị đều do nhà cung cấp thiết bị lắp đặt miễn phí, trong khi giá điện từ nguồn năng lượng mặt trời họ bán cho công ty thấp hơn 20-25% so với điện lưới quốc gia.

Các doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ… khác cũng cho biết họ bắt buộc phải đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái các nhà xưởng nếu muốn đáp ứng các tiêu chuẩn phát thải khi xuất hàng sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục môi trường, xây dựng theo quy định. Đây được xem là một trong những nút thắt lớn, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất muốn lắp đặt trên mái nhà xưởng của mình cũng rất khó khăn và mất thời gian.

Thời gian qua, một số địa phương và nhiều doanh nghiệp cũng đã gửi văn bản kiến nghị lên các bộ, ngành nhưng mỗi nơi hướng dẫn mỗi khác, nên sự việc vẫn bế tắc.

Cuối tháng 6-2023, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Đề xuất này nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện 8 với mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ với tổng công suất 2.600MW. Nhưng cơ chế khuyến khích này không áp dụng với nhà xưởng, bệnh viện, trường học...

Bộ Công Thương cho biết trước mắt chỉ khuyến khích phát triển loại nguồn điện tại gia đình, trụ sở công sở, doanh nghiệp theo hình thức tự dùng với công suất phù hợp, không ảnh hưởng nhiều tới vận hành hệ thống điện. Việc hạn chế điện mặt trời tại mái nhà, nhà xưởng, nhà máy, trường học, bệnh viện... với quy mô lớn phải cần thời gian nghiên cứu, thẩm định nhằm kiểm soát công suất phù hợp với hệ thống, tránh phát triển ồ ạt gây áp lực lên hệ thống điện.

Ông Đào Xuân Đức cho hay vẫn không hiểu vì sao Bộ Công Thương chỉ nhắc đến điện mặt trời mái nhà ở và cơ quan công sở mà bỏ qua mái nhà xưởng trong các KCN. “Sẽ là lãng phí rất lớn nếu bỏ qua điện mặt trời mái nhà tại các KCN”, ông Đức nói.

3 BÌNH LUẬN

  1. NN (Bộ Công Thương ) thì không muốn thất thu thuế, EVN thì không muốn thất thoát doanh thu, lãnh đạo địa phương thì không muốn ai làm gì trên khu vực mà miễn phí. Sau cùng viện cớ chưa có qui định chung, chờ luật cấp,…. Doanh nghiệp cấp ĐMT không biết nên chung chi cho ai để được lắp đặt. Thay vì tạo điều kiện cho doanh nghiệp cấp ĐMT và doanh nghiệp kinh doanh sử dụng ĐMT cùng phát triển để đáp ứng thị trường xuất khẩu bằng cách cho lắp cùng nhiều cam kết chờ bổ sung khi có qui định chung mới, thì lại gây khó khăn… Rồi thì tất cả cùng ngồi nhìn nhau mất 1 khoản thu.

  2. Hãy thanh tra ngay sao điện mặt trời áp mái lại phát triển quá tải tại những nơi xa dân cư, xa nhà xưởng…, lại ở trong rừng hay hoang mạc. Tại sao các khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc lại không thể phát triển và bây giờ là không được phát triển….

  3. Mấy ông điện mặt trời mà nở rộ, nhiều, phù hợp với “xanh” của thế giới, giúp đồng bào hít thở khí sạch sẽ hơn…, dù không bán cho ai và chỉ cần một mình dùng thôi, nhưng EVN còn bán điện cho ai được. Chính đây là nguyên nhân cái oái ăm trên??

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới