Thứ năm, 5/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Điện thoại – thu dùm; xe hơi – chi thật

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lâu nay, một số quan điểm cho rằng xe gắn máy là thủ phạm gây ra nạn kẹt xe ở Việt Nam. Một bức ảnh được đăng trên báo Tuổi Trẻ online(1) cho thấy điều ngược lại, ít nhất là tại thời điểm đó. Trong bức ảnh - có lẽ chụp bằng flycam - với chú thích “Cảnh ùn tắc giao thông trên đường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An vào giờ cao điểm”, số lượng xe hơi trên đường vượt hẳn xe gắn máy, gần như chiếm trọn diện tích mặt đường.

Dĩ nhiên, một việc xảy ra thường có lý do của nó. Bài viết nói trên của Tuổi Trẻ cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do trong năm 2021, nhiều người ở Nghệ An “đua nhau” (chữ dùng trên tựa bài báo) sắm xế hộp. Trích số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, bài báo viết năm ngoái, người xứ Nghệ đã đăng kiểm lần đầu hơn 14.600 ô tô dưới chín chỗ (mua xe mới), chiếm vị trí thứ tư về số lượng tiêu thụ ô tô trong 63 tỉnh, thành toàn quốc - chỉ xếp sau Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng - trong khi ăn đứt các khu vực “giàu nhất nước”, như Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sở hữu một chiếc xe hơi âu cũng là giấc mơ của nhiều người Việt. Thế nên, việc nhiều người xứ Nghệ sắm xe hơi, nhìn chung, là điều đáng mừng, nhất là khi trong năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Nghệ An đạt mức tăng trưởng 6,2%, đứng thứ ba trong khu vực Bắc Trung bộ.

Và không chỉ có người thuộc tỉnh “chưa phải là giàu” như Nghệ An, nhiều người Việt khác cũng đã mua xe như họ. Số liệu thống kê cho thấy, dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trong năm 2021, người Việt đã rước về nhà tổng cộng 410.390 ô tô các loại (nhập khẩu và lắp ráp trong nước), tăng 2.930 xe so với năm 2020(2).

Tuy nhiên, nói gì thì nói, xét hiện trạng kinh tế Việt Nam, nhất là bối cảnh kinh tế trong năm qua, xe hơi vẫn là mặt hàng xa xỉ đối với đa số người Việt bởi lẽ giá của một chiếc xe thuộc phân khúc phổ thông, khoảng 600-700 triệu đồng/chiếc cũng đã khoảng xấp xỉ 10 lần thu nhập bình quân trong một năm (3.000 đô la Mỹ lấy tròn) của một người Việt - nghĩa là người này phải làm việc 10 năm không nghỉ, không tiêu mới đủ tiền sắm nổi chiếc xe mình hằng mơ ước. Thế cho nên, xu hướng “ô tô hóa” ở một số nơi cũng là một vấn đề cần suy nghĩ.

Trước hết là các con số. Trong năm 2021, Việt Nam nhập 160.000 ô tô thành phẩm và phải trả 3,66 tỉ đô la Mỹ cho các chiếc xe này - tăng 52,1% về lượng và 55,7% về giá trị so với năm 2020(3). Đây là một mức kỷ lục từ trước đến nay, cao hơn hẳn năm 2020 với 105.000 xe, và năm nhập kỷ lục trước đó (năm 2019) với 139.427 xe.

Trong năm 2021, giá trị nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô (để lắp ráp xe trong nước và xuất khẩu phụ tùng) đạt 4,92 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,9% (khoảng 916 triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm trước(4), một con số không hề nhỏ.

Bây giờ, chúng ta thử so sánh với một con số khác vốn là niềm tự hào trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam: doanh số xuất khẩu điện thoại di động (ĐTDĐ). Trong ba năm gần đây nhất, từ 2019 đến 2021, doanh số xuất khẩu ĐTDĐ đều vượt mốc 50 tỉ đô la Mỹ(5).

Như vậy, số tiền người Việt bỏ ra để nhập khẩu xe hơi năm 2021 vào khoảng 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu ĐTDĐ (3,7 tỉ đô la Mỹ so với 51-57 tỉ). Chỉ riêng con số phầm trăm đã hoàn toàn không nhỏ. Quan trọng hơn, các yếu tố cấu thành đằng sau hai con số này là rất khác nhau. Giá trị gia tăng dành cho người Việt trong mỗi chiếc ĐTDĐ Việt Nam bán ra là không đáng kể so với giá bán của nó. Trong khi đó, từng đô la trong số tiền người Việt phải trả cho mỗi chiếc xe hơi nhập về là công sức và mồ hôi, nước mắt họ phải bỏ ra để kiếm được. Nói một cách ví von, xuất ĐTDĐ là thu dùm, còn mua xe hơi là chi thật. Tương tự như việc ngân hàng hay bưu tiện thu hộ tiền điện, nước, Internet, chỉ có thể ăn một tỷ lệ phần trăm hoa hồng rất nhỏ, trong khi nếu đã đưa một chiếc xe hơi về nhà thì các sổ tiết kiệm dành dụm trong bao nhiêu năm nay sẽ ra đi. Nói nôm na, đó là xài thật.

Bây giờ, chúng ta trở lại với Nghệ An. Thử làm một so sánh thứ hai để có cái nhìn sâu hơn. Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, năm 2020 tỉnh này có 3.366.000 người với xấp xỉ 85% (chính xác là 84,5%) dân số sống ở khu vực nông thôn(6).

TPHCM có gần 9 triệu dân có hộ khẩu (gấp gần 2,7 lần Nghệ An). Vô cùng tình cờ, tỷ lệ dân số thành thị so với nông thôn ở TPHCM là đảo ngược với Nghệ An - 85% người Sài Gòn sống ở khu vực đô thị(7) (tỷ lệ này cao hơn Nghệ An 5,6 lần).

Vậy mà, năm ngoái, số ô tô dưới chín chỗ tiêu thụ ở Nghệ An là hơn 14.600 xe, xấp xỉ phân nửa số xe hơi bán ra ở TPHCM. Đồng ý, so sánh này có phần khập khiểng vì năm ngoài người Sài Gòn chịu nhiều ảnh hưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng không thể không đề cập đến mục đích của việc sở hữu ô tô của người Việt.

Không rõ con số thực ra bao nhiêu, nhưng số xe hơi được người Sài Gòn mua để chạy xe công nghệ chắc cũng đáng kể. Tuy nhiên, thật khó nói rằng sẽ có một tỷ lệ tương đương ở Nghệ An, nơi 85% dân số sống ở nông thôn. Vậy ô tô mới mua dùng để làm gì?

Đồng ý rằng người dân chi xài thế nào là quyền của họ. Tuy nhiên, người dân cũng cần cân nhắc, đừng vung tay quá trán trong mua sắm ô tô. Ngoài số tiền phải trả ban đầu để xe lăn bánh, mỗi tháng chủ xe còn phải chi một khoản đáng kể tiền vận hành. Vì thế, nếu phải vay mượn để mua được một chiếc xe nhằm “phục vu đi lại, che nắng, che mưa” như một số chủ xe cho biết, e rằng hậu quả sẽ nhãn tiền.

Đến đây, thử bàn thêm chuyện nhỏ về chính sách. Theo một dự báo, nhu cầu sắm xe hơi ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 và có thể sẽ tăng 16% so với năm ngoái. Nghĩa là chúng ta sẽ trả thêm tiền cho nhu cầu mua sắm xe hơi của mình.

Trong bối cảnh Việt Nam rất cần tiền để chi dùng cho các nhu cầu khác, liệu các biện pháp kích cầu mua sắm xe hơi có thực sự cần thiết trên bình diện chung của nền kinh tế?

Trừ những ai cần mua xe hơi, người dân bình thường chắc cảm thấy khó hiểu khi nhiều mặt hàng thiết yếu nhất của họ cũng chỉ được giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng, trong khi thuế trước bạ cho xe hơi - được liệt vào loại hàng xa xỉ - lại được giảm 50%. Ở đây không bàn đến các con số thực thu đàng sau, câu hỏi là tại sao phải khuyến khích người tiêu dùng mua xe hơi?

Đặt ra câu hỏi này là bởi lẽ, nguồn lực quốc gia nên được dùng để khuyến khích sản xuất các sản phẩm mang lại tiền của cho đất nước, thay vì tiêu tốn nguồn lực vốn đã ít ỏi đó. Ví dụ, tính đến giữa tháng 11 năm 2021, xuất khẩu phụ tùng ô tô ở Việt Nam đạt 5,7 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 20% so với 2020(8). Câu chuyện này có lẽ cần được phân tích thấu đáo hơn để đề ra các biện pháp thích hợp hơn nhằm kích thích tốt hơn xuất khẩu phụ tùng xe hơi chứ không phải nhập về ô tô nguyên chiếc.

Thiết nghĩ, Chính phủ cần cân nhắc chuyện chấm dứt giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô tuy có thể làm buồn lòng các nhà lắp ráp xe hơi và giới buôn bán mặt hàng này.

Hôm qua, báo Tuổi Trẻ vừa đăng bài về việc chính quyền thủ đô Brussels của nước Bỉ đã đưa chương trình trả 900 euro cho mỗi người đồng ý hủy đăng ký xe hay từ bỏ việc lái xe(9). Từ năm 2017, thủ đô nước Bỉ đã đề ra các giải pháp làm không khí sạch hơn, như trợ giá cho xe đạp. Nay thì họ đi một bước trực tiếp hơn bằng cách trả tiền cho người hủy đăng ký xe (có thể đem bán).

Ở Việt Nam, dù chất lượng không khí tại các thành phố lớn - như Sài Gòn - đang xấu đi, biện pháp tương tự như Brussles hiện giờ chỉ có… trong mơ.

Để kết thúc bài viết, xin mượn một ý tuyệt vời trong bài báo của đồng nghiệp. Nhà báo này viết rằng “làm giàu để nâng cao đời sống là điều đáng mừng. Nhưng vay tiền để mua ô tô cho ‘có’ với người ta, coi chừng sẽ trở thành “nghèo bền vững”(10).

-----------

(1)https://tuoitre.vn/vi-sao-nguoi-dan-nghe-an-ha-tinh-dua-nhau-mua-xe-hop-20220317135248328.htm

(2)https://thanhnien.vn/nguoi-viet-mua-sam-410-000-o-to-nam-2021-xe-han-ngay-cang-duoc-ua-chuong-post1420676.html

(3)https://vtc.vn/nam-2021-viet-nam-chi-hon-3-6-ty-usd-nhap-khau-o-to-nguyen-chiec-ar657524.html

(4)https://baomoi.com/nam-2021-viet-nam-nhap-khau-o-to-nguyen-chiec-cac-loai-dat-160-035-xe/c/41580303.epi

(5)https://baodautu.vn/xuat-khau-2022-van-trong-cho-ngoi-vuong-quan-quan-dien-thoai-d160924.html

(6)http://www.nghean.gov.vn/tiem-nang-xu-nghe/gioi-thieu-tong-quan-ve-tinh-nghe-an-224798

(7)https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh#Kinh_t%E1%BA%BF

(8)https://thuonghieusanpham.vn/nhap-khau-linh-kien-phu-tung-o-to-cua-viet-nam-dat-gan-425-ty-usd-26647.html

(9)https://tuoitre.vn/duoc-nhan-hon-22-trieu-dong-de-thoi-lai-xe-20220319171253294.htm

(10)https://vietbao.vn/dan-tinh-ngheo-mua-o-to-nhieu-nguoi-ta-di-xe-sang-minh-cung-sam-mot-chiec-332205.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Xứ Nghệ cứ tưởng là nghèo nhưng thực ra rất giàu. Kiểu ngấm ngầm. Thực tế, tiêu chí nghèo là chiếu theo “quy định” của cơ quan thẩm quyền thu chi cấp trên. Chứ còn giàu là từ nguồn lực của xã hội, quan chức và doanh nghiệp mà ra… Buồn một nỗi là tại sao rất nhiều địa phương, bao nhiêu người cố phấn đấu để thoát nghèo, hóa giàu, thì lại vẫn có nơi lại … tự hào về điều này ?

  2. Ở Bà Rịa Vũng Tàu, người làm trong ngành dầu khí là những người có quê hương ở ngoài này không à, còn lại đa phần là dân nghèo làm ăn không có dư để mua xe hơi đâu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới