Thứ sáu, 11/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Điều chỉnh hội nhập và củng cố nội lực trước xu hướng mới của thế giới

Trần Văn Thọ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khuynh hướng bảo hộ ngày càng mạnh tại các nước là hai xu thế mới trên thế giới. Là nước hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế với một số đặc điểm không bền vững, trong thời gian tới Việt Nam cần điều chỉnh hội nhập và củng cố nội lực.

Trước mắt chọn lựa một số khu công nghiệp, khu công nghệ cao để tập trung cải thiện hạ tầng phần cứng và phần mềm, sau đó sẽ từng bước mở rộng sang các địa điểm khác. Trong ảnh: Một góc Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: H.P

Xu hướng mới của kinh tế thế giới

Hiện nay toàn cầu hóa đang chững lại do nhiều nguyên nhân. Một là, chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc làm yếu phân công quốc tế không những giữa hai nước mà ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều công ty đa quốc gia. Hai là, đại dịch làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Ba là, cùng với phong trào dân túy ở một số nước, tình trạng khó khăn chung của các nền kinh tế làm cho khuynh hướng bảo hộ công nghiệp trong nước ngày càng mạnh. Thuật ngữ “chính sách công nghiệp” (industrial policy) từ lâu đã vắng bóng trên các thảo luận, nghiên cứu về chiến lược phát triển kinh tế gần đây xuất hiện trở lại.

Từ thập niên 1980 trở về trước, thuật ngữ “chính sách công nghiệp” dùng để phân tích chiến lược phát triển công nghiệp tại các nước đang trong quá trình đuổi theo các nước tiên tiến. Nội dung chính của chiến lược đó là chọn lựa các ngành tiềm năng và có chính sách bảo hộ, nuôi dưỡng cho đến khi cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời (năm 1995) và với sự xuất hiện của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), khuynh hướng tự do mậu dịch trở thành chủ đạo và “chính sách công nghiệp” xem như không được chấp nhận.

Thuật ngữ “chính sách công nghiệp” (industrial policy) từ lâu đã vắng bóng trên các thảo luận, nghiên cứu về chiến lược phát triển kinh tế gần đây xuất hiện trở lại.

Tuy nhiên từ thập niên 2010, với khuynh hướng bảo hộ ngày càng mạnh, thuật ngữ “chính sách công nghiệp” được nói đến nhiều. Ngay các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản cũng hỗ trợ đầu tư vào các ngành công nghệ cao như linh kiện bán dẫn, hoặc khuyến khích doanh nghiệp nước mình trở lại đầu tư trong nước. Mua sắm của chính phủ cũng có khuynh hướng ưu tiên cho hàng sản xuất trong nước. Chẳng hạn, tháng 5-2021 Trung Quốc đưa ra 315 danh mục các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất, thuộc ngành y tế, hàng không, vũ trụ, được ưu tiên trong mua sắm của chính phủ. Cuối tháng 7-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu chính sách mới về mua sắm chính phủ trong đó ưu tiên các mặt hàng sản xuất trong nước. Hiện nay mỗi năm chính phủ liên bang mua sắm khoảng 600 tỉ đô la Mỹ, trong đó khoảng 55% là hàng sản xuất trong nước. Theo chính sách mới, sẽ nâng tỷ lệ lên 75% vào năm 2029.

Chính sách công nghiệp trong thời đại mới được đưa lên tầm chiến lược quốc gia, điển hình là Chương trình Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India) năm 2014 và Chiến lược quốc gia Chế tạo Trung Quốc 2025 năm 2015.

Đại dịch từ đầu năm 2020 vừa đẩy mạnh khuynh hướng bảo hộ nói trên vừa làm phát sinh những xu hướng mới. Thứ nhất, đại dịch làm trầm trọng vấn đề lương thực toàn cầu. Thế giới vốn thiếu lương thực. Kết quả điều tra tình hình 76 nước do Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện, cho thấy vào năm 2019 - trước khi có đại dịch, đã có 20% dân số toàn cầu thiếu ăn. Chỉ một năm sau khi đại dịch xảy ra (điều tra vào tháng 9-2020), tỷ lệ người thiếu ăn đã tăng lên 24%. Với tình hình dịch bệnh trầm trọng sau đó, tỷ lệ này hiện nay chắc chắn còn cao hơn nữa. Thứ hai, đại dịch làm thay đổi mạnh cơ cấu cung cầu lao động trên thế giới. Từ hơn 10 năm trước, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa đã làm giảm nhu cầu lao động giản đơn và tăng nhu cầu lao động có kỹ năng cao. Với đại dịch khuynh hướng này càng mạnh hơn. Để tránh lây lan, những nước thiếu lao động sẽ có khuynh hướng giảm nhập khẩu lao động giản đơn, thay vào đó là tăng cường tự động hóa trong những lĩnh vực có thể.

Các vấn đề hội nhập của Việt Nam hiện nay

Trong quá trình đổi mới, nhất là từ giữa thập niên 2000, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Hiện nay kim ngạch xuất và nhập khẩu đã lên tới 200% GDP. Tuy Việt Nam có quan hệ buôn bán với trên 150 nước nhưng có độ tập trung rất lớn vào một vài nước.

Như biểu đồ 1 cho thấy, vào năm 2020, có tới 45% xuất khẩu tập trung vào hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt riêng Mỹ chiếm gần 30%. Về nhập khẩu, riêng Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tới 50%.

Nhưng đáng nói hơn là cơ cấu xuất nhập siêu của các mặt hàng. Biểu đồ 2 cho thấy Việt Nam xuất siêu nhiều với Mỹ và chủ yếu là xuất siêu trong sản phẩm tiêu thụ. Mặt khác, Việt Nam nhập siêu nhiều với Trung Quốc và Hàn Quốc, chủ yếu là các sản phẩm trung gian như bán chế và linh kiện. Cơ cấu này có thể hình dung là một tam giác Thái Bình Dương trong đó Việt Nam là một góc, Mỹ là một góc, góc còn lại là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Mậu dịch tập trung vào vài thị trường sẽ dễ gặp rủi ro, nhất là với tình hình Mỹ nhập siêu nhiều với Việt Nam mà sản phẩm nhập lại có hàm lượng lớn từ sản phẩm trung gian của Trung Quốc và Hàn Quốc. Mỹ có thể sẽ gây sức ép với Việt Nam. Cơ cấu mậu dịch cũng cho thấy công nghiệp hóa của Việt Nam hiện nay chủ yếu là lắp ráp, chế biến, chưa thâm sâu vào những sản phẩm trung gian ở trung và thượng nguồn.

Việt Nam cũng là nước phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chưa có một nước nào với số dân đông như Việt Nam mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng FDI chưa đóng vai trò chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, chưa làm thâm sâu công nghiệp hóa như cơ cấu mậu dịch đã cho thấy. Mặt khác, những nước đầu tư nhiều chủ yếu vẫn là những nước ở chung quanh Việt Nam. Những nước này chưa có bề dày phát triển, nhiều nước mới ở mức thu nhập trung bình, các công ty đa quốc gia hầu hết chưa có công nghệ cao, chưa xác lập văn hóa kinh doanh. Nhiều dự án đầu tư của họ có khuynh hướng cạnh tranh chứ không bổ sung với doanh nghiệp trong nước. Ngoài Nhật Bản, đầu tư từ các nước tiên tiến còn rất ít. Chẳng hạn Mỹ là quốc gia lớn nhất thế giới, có công nghệ và năng lực kinh doanh tiên tiến hàng đầu nhưng đầu tư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Theo thống kê, FDI lũy kế đến tháng 10-2021, thì Mỹ xếp thứ 11, còn thống kê mười tháng đầu năm 2021 thì xếp thứ chín.

Liên quan hội nhập, một vấn đề nữa là về việc người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Gần đây lại đọc nhiều tin tức về tình cảnh rất thương tâm của lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là trường hợp 400 lao động Việt Nam do công ty Trung Quốc đưa sang Serbia mà báo chí nêu lên vào cuối tháng 11-2021. Thông thường việc người lao động ra nước ngoài làm việc giản đơn phản ảnh trình độ phát triển còn thấp của một nước đông dân, chưa tạo đủ việc làm trong nước cho mọi lao động. Nhưng kinh tế phải phát triển theo hướng toàn dụng lao động để chấm dứt tình trạng đó. Những nước thành công trong phát triển thường chỉ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc trong khoảng thời gian độ 10 hoặc 20 năm. Hàn Quốc và Thái Lan từng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nhưng đã chấm dứt sớm và trở thành nước nhận lao động nước ngoài. Kể từ thời người Việt Nam sang lao động ở Đông Âu tới nay đã hơn 40 năm rồi. Công nghệ tự động hóa và đại dịch làm giảm nhu cầu lao động giản đơn trở thành cơ hội để Việt Nam sớm chấm dứt tình trạng người lao động phải bất đắc dĩ ra nước ngoài tìm việc làm giản đơn.

Hướng phát triển trong thời gian tới

Hai phần phân tích trên đây đã cho thấy hướng phát triển của Việt Nam. Ở đây chỉ tóm tắt mấy điểm chính.

Thứ nhất, cần sớm đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng thâm sâu hơn, sản xuất các sản phẩm ở trung và thượng nguồn, hay nói khác đi là tiến hành thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, làm thay đổi tam giác Thái Bình Dương. Nỗ lực này cũng là để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, tăng giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Phân tích xuất xứ đầu vào của hàng công nghiệp xuất khẩu ta thấy được trình độ còn thấp của cơ cấu công nghiệp Việt Nam (hình 1). So với các nước khác, tỷ lệ của sản phẩm trung gian nhập khẩu (C) của Việt Nam rất cao và tỷ lệ gia tăng trong nước (B) còn nhỏ phản ảnh tình hình mà tam giác Thái Bình Dương cho thấy. Một điểm quan trọng nữa là tỷ lệ hàng xuất khẩu được nước ngoài dùng làm sản phẩm trung gian (A). Một nước có tỷ lệ này càng cao càng cho thấy trình độ công nghiệp càng cao, ngày càng sản xuất các linh kiện, các bộ phận cốt lõi mà nước khác nhập để sản xuất hàng công nghiệp. Hình 1 cho thấy tỷ lệ đó của Nhật Bản và Đài Loan khá cao, tiếp theo là Trung Quốc. Tỷ lệ của Việt Nam còn rất nhỏ.

Thứ hai, để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa thâm sâu nói trên cần nhiều biện pháp.

Một là, thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tích cực tiếp thị các công ty đa quốc gia có uy tín, nhất là xuất xứ từ các nước tiên tiến. Ngày 20-8-2019, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả của FDI đến năm 2030. Sau đó Chính phủ có lập Tổ công tác FDI nhưng chưa thấy có chính sách cụ thể để thực hiện, và kết quả thu hút FDI cho đến tháng 10-2021 chưa thấy thay đổi.

Hai là, cải thiện chất lượng hạ tầng để có thể thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực công nghiệp trung và thượng nguồn. Trước mắt chọn lựa một số khu công nghiệp, khu công nghệ cao để tập trung cải thiện hạ tầng phần cứng và phần mềm (quản lý, thủ tục hành chính...) sau đó sẽ từng bước mở rộng sang các địa điểm khác.

Ba là, để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng mới cần cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao. Chấn chỉnh lại hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng với nội dung giáo dục đáp ứng nhu cầu mới. Tùy lĩnh vực mà kỹ năng đặc biệt có thể khác nhau nhưng khả năng tối thiểu về tiếng Anh, công nghệ thông tin, sử dụng Internet có lẽ là những kỹ năng cơ bản đòi hỏi trong thời đại mới đối với lao động trung cấp trở lên. Nhu cầu lao động kỹ năng là bức thiết, khó đào tạo kịp thời nên cần tích cực sử dụng thực tập sinh đang ở nước ngoài. Riêng ở Nhật Bản, số lượng thực tập sinh đã lên tới 200.000, trong đó khoảng 2.300 là thực tập sinh đặc biệt có tay nghề cao.

Biện pháp thứ hai và thứ ba (nêu dưới đây) cũng là tiền đề để thu hút những dự án FDI đáp ứng nhu cầu mới của công nghiệp hóa.

Thứ ba, trong thời đại mới, thế giới thiếu lương thực và các nước ngày càng chú trọng bảo đảm an ninh lương thực. Mặt khác, thành phần trung lưu trở lên trên thế giới ngày càng đông nên nhu cầu thực phẩm chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn về sức khỏe rất lớn. Do đó, nguồn lực phong phú về nông ngư nghiệp là một thế mạnh của ta. Việt Nam nên chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng phẩm chất của nông sản và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng tỷ trọng của những mặt hàng có giá trị cao, có nhu cầu cao trên thị trường trong nước và thế giới. Mặt khác, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp hóa, chế biến các loại nông phẩm thủy sản thành hàng công nghiệp thực phẩm cho cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Với phương hướng mới này, ta sẽ vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa xây dựng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.

Việc hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước để liên kết hiệu quả với doanh nghiệp FDI và từng bước thay thế dần vai trò của FDI trong những lĩnh vực có thể cũng quan trọng nhưng ở đây không có điều kiện bàn thêm.

Trong một trật tự thế giới thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, điều chỉnh hội nhập và tăng nội lực là cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới