Điều chỉnh tỷ giá tới đâu?
Nguyễn Hoài Thanh
![]() |
Tỷ giá đô la Mỹ vẫn ở mức cao. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) – Cán cân thương mại tháng 1-2010 tiếp tục thâm hụt, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn đứng ở mức cao, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Liệu đây có phải là những dấu hiệu cho thấy áp lực lên tỷ giá vẫn còn và cần phải tiếp tục điều chỉnh?
Bài viết này tập trung phân tích các dữ liệu về cán cân thương mại và lạm phát trong thời gian qua để từ đó đưa ra những nhận định về chính sách tỷ giá hiện nay. Nói một cách hình tượng, có thể xem tỷ giá hối đoái, cán cân thương mại (hoặc cán cân thanh toán) và lạm phát là ba mặt của một “lăng kính hình trụ”. Ở một thời điểm nào đó có thể tạm thời chấp nhận một mặt nào đó bị khiếm khuyết (mất cân đối) nhưng nếu từ hai mặt trở lên bị mất cân đối thì “lăng kính” này khó có thể trụ vững. Người viết cho rằng một khi lạm phát ở mức cao và cán cân thương mại (hoặc cán cân thanh toán) thâm hụt kéo dài thì sớm hoặc muộn gì nó cũng gây áp lực lên tỷ giá.
Những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá
Trước hết chúng ta hãy nhìn vào số liệu cán cân thương mại (BOT) của Việt Nam trong 15 năm qua (bảng 1).
Điểm đáng lưu ý trong bảng số liệu dưới đây là cán cân thương mại năm 1999 gần như là cân bằng (chỉ thâm hụt 200 triệu đô la Mỹ). Ta thấy rằng kim ngạch xuất khẩu của năm này vẫn tăng so với các năm trước đó trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng không đáng kể. Tuy nhiên những năm tiếp theo ngay sau đó, cán cân thương mại thâm hụt trở lại và có xu hướng ngày càng tăng do tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu.
![]() |
Tiếp theo chúng ta lại có dữ liệu thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn trên (bảng 2).
Điều khá thú vị và trùng hợp là năm 1999 và năm 2000 là hai năm có CPI thấp nhất trong suốt giai đoạn trên. Nhưng năm 2000 thì cán cân thương mại đã bắt đầu thâm hụt trở lại mặc dù CPI giảm. Đó có thể là do độ trễ của chính sách từ các năm trước chuyển sang.
Có nhiều lý do để giải thích vì sao hai chỉ tiêu vĩ mô là cán cân thương mại và CPI của năm 1999 lại ổn định đến như vậy. Ở đây không đi sâu phân tích mà giả định rằng tỷ giá năm 1999 góp phần không nhỏ trong việc ổn định cán cân thương mại. Vì thế tỷ giá năm 1999 có thể được chọn làm cơ sở (gốc) trong việc tính toán, dự báo và nhận định mức tỷ giá hiện nay.
Trong năm 1999, do tỷ giá đã được điều chỉnh vài lần nên việc xác định mức tỷ giá nào để tham chiếu gặp một chút khó khăn. Dựa trên các số liệu thống kê, người viết tính toán mức tỷ giá bình quân đô la Mỹ/đồng Việt Nam (USD/VND) trong năm 1999 là 13.900 và chọn đây là tỷ giá tham chiếu trong các tính toán của mình.
Theo lý thuyết kinh điển về điều chỉnh tỷ giá theo tỷ lệ lạm phát (hay CPI), chúng ta tiếp tục có bảng thống kê CPI của Việt Nam và Mỹ giai đoạn 1999-2009 (năm 1999 được chọn làm gốc nên CPI = 100%). Từ đó tính được tỷ giá điều chỉnh theo CPI theo công thức: Tỷ giá USD/VND (năm t+1) = Tỷ giá USD/VND (năm t) x CPI VN (năm t+1) / CPI US (năm t+1).
Bảng 3 cho thấy mức tỷ giá USD/VND theo lý thuyết vào cuối năm 2008 đã vượt ngưỡng 20.000. Với mức tỷ giá USD/VND hiện nay trong hệ thống ngân hàng (khoảng 19.100) thì đồng tiền Việt Nam đang được định giá khá cao so với đồng đô la Mỹ. Đây có lẽ chính là căn cứ mà một số chuyên gia đã nhận định và khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục điều chỉnh tỷ giá mà không bị xem là phá giá đồng tiền.
Tuy nhiên điều chỉnh tỷ giá theo CPI chỉ là một cơ sở để tham khảo chứ không phải là căn cứ duy nhất để điều hành tỷ giá vì bản thân CPI cũng có những hạn chế của nó. Chúng ta có quan hệ thương mại với nhiều nước chứ không phải chỉ riêng với Mỹ nên không thể dùng duy nhất CPI của Mỹ để so sánh và tính toán. Ngay trong bảng 3 chúng ta cũng có thể thấy hạn chế của cách điều chỉnh tỷ giá theo CPI. Trong hai năm 2000 và 2001, CPI của Việt Nam thấp hơn của Mỹ nhưng tỷ giá USD/VND thực tế ở Việt Nam không giảm mà vẫn trong xu hướng tăng (mặc dù theo lý thuyết là điều chỉnh giảm). Điều đó chỉ có thể giải thích là do cán cân thương mại đã bắt đầu thâm hụt trở lại nên gây áp lực lên tỷ giá.
Xét theo cán cân thanh toán tổng thể, thâm hụt thương mại của Việt Nam được bù đắp bằng nguồn kiều hối, vốn nước ngoài (vốn vay + vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp). Vì vậy, cán cân thanh toán tổng thể không những không thâm hụt mà còn có thặng dư. Đó có thể là lý do mà Chính phủ muốn giữ tỷ giá ổn định. Tuy nhiên do sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn yếu nên chúng ta không thể tiếp tục duy trì thâm hụt thương mại ở mức cao như vậy.
Điều chỉnh tới đâu?
Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ ngày càng lớn và dòng vốn đầu tư nước ngoài (chảy vào và chảy ra) sẽ sôi động hơn. Điều đó khiến cho quy mô của thị trường ngoại hối Việt Nam cũng sẽ lớn dần lên và chúng ta không dễ kiểm soát vì nguồn dự trữ ngoại hối quá thấp, không như Trung Quốc có thể duy trì ổn định tỷ giá của đồng nhân dân tệ vì họ có nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ.
Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá (giảm giá đồng Việt Nam) và tiến tới để tỷ giá biến động trong một khung linh hoạt hơn theo thị trường sẽ có những mặt tích cực sau:
1. Hạn chế hàng nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu. Nếu có chính sách phân phối nguồn thu nhập từ xuất khẩu hợp lý thì sẽ cải thiện đáng kể đời sống của người dân tham gia trong chuỗi sản phẩm xuất khẩu. Từ đó sẽ cải thiện đáng kể sức cầu của thị trường nội địa và hiển nhiên là thúc đẩy kinh tế phát triển.
2. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu. Hiện nay nhiều mặt hàng xuất khẩu dùng nguyên phụ liệu nước ngoài vì các nhà sản xuất tính toán rằng nhập khẩu rẻ hơn là mua hoặc sản xuất trong nước.
3. Xóa bỏ hệ thống hai tỷ giá đang tồn tại trong nền kinh tế, thu hẹp quy mô hoạt động của thị trường tự do và lành mạnh hóa hoạt động ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại.
4. Khắc phục sự bất hợp lý trên thị trường vàng hiện nay. Có vẻ như giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khi tính theo tỷ giá chính thức của ngân hàng. Tuy nhiên điều bất hợp lý này có thể được giải thích khi chúng ta thừa nhận rằng đồng Việt Nam đang được định giá cao. Và mức giá vàng trong nước hiện nay cũng có thể là một căn cứ tham chiếu để điều chỉnh tỷ giá USD/VND?
5. Nâng cao khả năng quản trị rủi ro của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trong môi trường biến động tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi giúp đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, những mặt tiêu cực của việc điều chỉnh tỷ giá cũng không phải là ít. Trước hết đó là ảnh hưởng về mặt tâm lý, về niềm tin của người dân đối với đồng tiền quốc gia. Việc liên tục điều chỉnh tỷ giá sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đô la hóa đang phổ biến hiện nay.
Đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu đương nhiên không chịu tác động nhiều của việc điều chỉnh tỷ giá. Đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất là người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ nội địa có nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang nợ nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng. Chính phủ cũng có thể bị ảnh hưởng đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ của mình nhưng ngân sách có nguồn thu ngoại tệ từ dầu thô và các nguồn tài nguyên khác nên tạm thời không đáng lo.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của cú sốc tỷ giá đối với nhóm này (đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu, thiết yếu mà trong nước chưa sản xuất được), Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua chính sách thuế và các giải pháp khác. Ở đây nên có sự chia sẻ giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ (tỷ lệ như thế nào còn phụ thuộc vào độ co giãn của cầu các mặt hàng nhập khẩu này).
Điều cuối cùng cần lưu ý là khi điều chỉnh giảm giá đồng Việt Nam thì giá trị tài sản của Việt Nam nói chung và giá trị của các doanh nghiệp nói riêng (cổ phiếu trên thị trường chứng khoán) sẽ trở nên rẻ hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, có thể kích thích dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là tài sản quốc gia sẽ bị bán rẻ. Đó là lý do vì sao chúng ta không thể phá giá tiền đồng mà chỉ điều chỉnh trong giới hạn cho phép.
Một trong những mức giới hạn mà chúng ta có thể tham khảo là điều chỉnh theo CPI như đã tính toán ở trên. Hơn nữa bản thân việc điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ không phải là một phép màu giúp giảm thâm hụt thương mại. Về cơ bản, nó phải đi đôi và đồng bộ với các giải pháp khác nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập.