Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Điều khiển robot trực tuyến sẽ trở thành làn sóng làm việc từ xa thứ 2?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều khiển robot trực tuyến sẽ trở thành làn sóng làm việc từ xa thứ 2?

Lê Hiếu – Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Tương tự như Slack, Zoom và nhiều công cụ khác giúp nhân viên văn phòng trên toàn cầu có thể làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch, robot điều khiển từ xa được cho là đại diện cho làn sóng công nghệ làm việc từ xa thứ hai sẽ phổ biến trong thời gian tới.

Điều khiển robot trực tuyến sẽ trở thành làn sóng làm việc từ xa thứ 2?
Robot đang làm việc tại cửa hàng tiện lợi Lawson do một nhân viên điều khiển từ một địa điểm cách đó 10 cây số. Ảnh chụp từ clip.

Trong một cửa hàng tiện lợi của chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson nằm trong tòa nhà cao tầng nhìn ra Vịnh Tokyo, một robot đang chăm chỉ lắp đầy hàng vào các kệ hàng. Robot có đôi bàn tay kỳ lạ có thể lấy đồ vật bằng cả lực hút và lực nắm của ba ngón tay. Nhưng nó lại không hoạt động theo các lập trình đã chọn sẵn, một nhân viên ở một địa điểm cách đó cả 10 cây số đang sử dụng thiết bị thực tế ảo để điều khiển từ xa robot sắp xếp hàng lên kệ.

Hệ thống làm việc này là thành quả của gần 40 năm nghiên cứu của các nhà khoa học, nhưng quá trình thương mại hóa nó lại được thực hiện trong chưa đầy ba năm tại công ty khởi nghiệp Telexistence ở Tokyo.

Robot của Telexistence đại diện cho một loại hình làm việc trực tuyến mới được gọi là “telerobotics” hay điều khiển robot từ xa. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, nhưng telerobotics đã có rất nhiều ứng dụng trong thực tế, bao gồm điều khiển máy bay không người lái của Không quân Mỹ, các bác sĩ sử dụng robot để vận hành từ xa và các công ty khởi nghiệp sử dụng con người để điều khiển từ xa các con robot giao hàng và canh gác an ninh.

Mô hình làm việc mới

Yuichiro Hikosaka, một trong những người sáng lập Telexistence, cho biết hiện chỉ có một robot của công ty đang làm việc bên ngoài phòng thí nghiệm. Giải quyết bài toán thiếu người làm việc ở Nhật Bản chỉ là phần nhỏ, Telexistence có nhiều tham vọng hơn là chỉ gói gọn trong việc cửa hàng tiện lợi, tiếng Nhật gọi là konbini, có hàng đầy kệ. “Chúng tôi muốn trở thành một nền tảng mà sẽ giúp mọi người trong việc được giải phóng khỏi mọi giới hạn về khoảng cách và thời gian làm việc”, ông Hikosaka nói.

Chuyên gia robot của Telexistence đang “khám sức khỏe” cho robot Model T. Ảnh: Reuters

Model T là robot thương mại đầu tiên của Telexistence, và còn rất lâu nữa robot này mới thực hiện được hoài bão của startup. Một thách thức đối với robot điều khiển từ xa là hiệu quả kinh tế. Sự kết hợp giữa hệ thống này và một nhân viên từ xa sẽ phải rẻ hơn so với việc thuê một nhân viên trực tiếp có mặt tại chỗ làm việc. Do đó, mặc dù Model T trông có vẻ hiện đại và đắt tiền, nhưng thực sự Telexistence sử dụng các bộ phận rẻ tiền để tạo nên. Vì thế, Model T chỉ có thể nâng các đồ vật nặng tối đa là hai ký bằng mỗi cánh tay.

Dù được con người điều khiển, nhưng robot này vẫn không có sự khéo léo hay nhanh nhẹn như con người. Chẳng hạn, một nhân viên đóng hàng có kinh nghiệm có thể đưa một chai lên kệ trong vòng một giây, thì Model T do con người điều khiển có thể mất tới 8-9 giây. Cuối cùng, nếu chế tạo một robot như Model T với tiêu chí “vừa nhanh, vừa rẻ” thì có nghĩa là phải tự động hóa một phần công việc của nó.

Telexistence tin rằng họ sớm có thể thu thập đủ dữ liệu để “đào tạo” trí tuệ nhân tạo (AI) thực hiện một số công việc của robot. Điều này giống như bạn tạo ra bộ khung hay cơ thể và AI sẽ như trí tuệ của của cơ thể học dần các kỹ năng. 

Chuyên gia từ xa

Với loại kính Google Glasses đặc biệt, chuyên gia từ xa có thể giúp thợ máy của Robotic Skies tại hiện trường bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị bay drone. Ảnh: Robotic Skies

Một hình thức làm việc trực tuyến khác, có thể gọi là chuyên gia từ xa, cho phép các nhân viên tuyến đầu trong các công việc đa dạng như bảo trì trung tâm dữ liệu, sản xuất dược phẩm hay kỹ thuật dầu khí, sử dụng kính thông minh để chia sẻ những gì họ đang thấy với một chuyên gia ở một địa điểm khác. Chuyên gia này có thể giao tiếp với nhân viên hay chuyên gia tại chỗ và giúp xử lý các vấn đề tại hiện trường. 

Công ty bảo trì thiết bị bay không người lái Robotic Skies đã giao các tai nghe Google Glass Enterprise Edition 2 cho thợ cơ khí tại hơn 200 trạm sửa chữa drone trong mạng lưới của họ. Đeo tai nghe này, thợ mát sẽ mô tả những gì họ quan sát từ drone cho một chuyên gia từ xa và nhận các hướng dẫn sửa chữa từ chuyên gia này.

Brad Hayden, Giám đốc điều hành của Robotic Skies, cho biết điều này cũng tương tự như việc có một chuyên gia đảm nhận vai trò của một người thợ máy. Điều này cũng đã rất cần thiết trong thời kỳ đại dịch. Trước khi Covid-19 bùng phát, các kỹ thuật viên của ông thường xuyên di chuyển đến các địa điểm. Nhưng giờ đây, họ đã chuyển sang làm việc từ xa, bằng cách ngồi tại bàn và kết nối với tai nghe từ máy tính. Dù sự chuyển đổi sang mô hình làm việc này là hệ quả của dịch Covid-19 bùng nổ, nhưng Hayden dự định sẽ tiếp tục mô hình này trong tương lai bất kể sự tiến triển của dịch bệnh.

“Chúng tôi tiếp tục triển khai công nghệ cho phép chúng tôi mở rộng quy mô nhanh hơn trên thị trường toàn cầu khi lĩnh vực sửa chữa drone sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”, Hayden nói với tờ Wall Street Journal.

Có trụ sở tại Austin, Texas và Washington D.C., hãng Upskill đã bán các hệ thống kính thông minh với công nghệ của Vuzix và Google cho nhiều khách hàng, trong đó có Boeing và Accenture. Giám đốc điều hành Brian Ballard nói rằng đại dịch và các hạn chế đi lại khiến nhu cầu kính thông mình bùng nổ. Khách hàng của Upskill là một hãng dược đã nâng số người sử dụng kính thông minh mỗi tháng trung bình từ 15 người lên 600 người.

Tương lai của việc làm thay đổi

Nhưng không phải tất cả các mô hình làm việc từ xa cần phải phức tạp như Model T hoặc Google Glasses. Hãng Dendra Systems có trụ sở tại Oxford, Anh đã sử dụng máy bay drone để khảo sát các hệ sinh thái hoang dã đang bị suy thoái và giúp hồi phục chúng bằng cách dùng drone gieo hạt từ trên không.

Từ trước đến nay, việc gieo hạt thường được thực hiện bằng tay vì có nhiều vị trí ở những nơi hoang dã mà máy không thể đến được. Susan Graham, người sáng lập và CEO của Dendra, một người có thể gieo được khoảng nửa ha đất trong mỗi giờ, nhưng nếu người đó điều khiển drone gieo hạt từ trên không, anh ta có thể bao phủ diện tích gấp 10 lần trong một giờ.

Trong một tương lai gần, các hệ thống cho phép điều khiển từ xa nhưng vẫn yêu cầu con người thực hiện một số chức năng sẽ là thực tế mới của làm việc từ xa. Tức con người vẫn có vai trò nhất định nào đó.

Trong trường hợp như cửa hàng Lawson và Telexistence điều hành ở Tokyo, thì việc thanh toán không cần thu ngân theo kiểu Amazon Go có thể loại giảm bớt 30% lao động. Robot như Model T sẽ làm mất đi 30% số công việc của con người, nhưng chúng hầu như không thể xóa bỏ vai trò của nhà thiết kế, nhà sản xuất và kỹ thuật viên.

Mặt trái của telerobotics là nó sẽ loại bỏ một số công việc có kỹ năng thấp, đào tạo tương đối ít, như một vài công việc trong ngành dịch vụ. Cứ ba công nhân Mỹ thì có hai người làm trong ngành dịch vụ. Điều gì sẽ xảy ra khi một trung tâm với tai nghe thông minh và kính thực tế ảo ở một nước đang phát triển có mức lương thấp hơn giành lấy các công việc đơn giản trong ngành dịch vụ? Chắc chắn, công nhân cổ xanh ở Mỹ sẽ mất việc. 

Mô hình làm việc từ xa này có thể ảnh hưởng nhiều đối với lao động chân tay, kỹ năng thấp ở các nước giàu trong tương lai ngắn hạn. Nhưng tác động đối với nhân viên cổ cồn sẽ ngược lại vì mô hình làm tăng giá trị của các chuyên gia từ xa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới