Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Điều kiện kinh doanh chỉ nên là lựa chọn sau cùng

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bộ Xây dựng đã quyết định bỏ đề xuất mỗi cá nhân chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua từ 3-5 căn nhà trong một năm trong dự thảo mới nhất nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Thay vào đó, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ thực hiện theo các quy định đã được nêu ngay trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Đây là sự tiếp thu rất nhanh chóng ý kiến phản biện của giới chuyên gia và doanh nhân của cơ quan làm dự thảo.

Không khó để nhận ra Bộ Xây dựng muốn đưa quy định trên vào dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản là nhằm hạn chế nạn đầu cơ, lướt sóng - hành động làm cho thị trường dễ bị hỗn loạn, khiến cho giá cả bị thổi lên một cách vô tội vạ và làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người có nhu cầu thật, như đã xảy ra trong thời gian qua.

Mục tiêu này là đúng, nhưng giải pháp thực hiện, bằng cách đưa ra những điều kiện để hạn chế quyền mua, bán, cho thuê nhà đất của người dân - quyền mà ngay chính Luật Kinh doanh bất động sản cũng không cấm, là không ổn. Giải pháp này chẳng những không có nhiều tác dụng trong thực tế, khó thực hiện, mà còn gây ra bao rắc rối và phiền hà cho người dân.

Điều đáng nói là ngoài giải pháp hành chính như vậy, vẫn còn những chọn lựa khác mang tính “thị trường” hơn và cũng dễ có hiệu quả cũng như dễ thực hiện hơn để đạt được mục tiêu chống đầu cơ, lướt sóng, như nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định đã chỉ ra, đó là dùng chính sách thuế. Đây lẽ ra là giải pháp mà cơ quan làm dự thảo nên nghĩ đến ngay từ đầu.

Trong quá khứ, khi đứng trước những bất cập về thị trường cần giải quyết, các cơ quan quản lý nhà nước thường có xu hướng đưa thêm vào văn bản luật các điều kiện kinh doanh mới, còn gọi là “giấy phép con”, để hạn chế bớt quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Việc cơ quan làm dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản ban đầu chọn điều kiện kinh doanh như giải pháp để hạn chế nạn đầu cơ, lướt sóng nhà đất, thay vì chọn công cụ có chức năng điều chỉnh thị trường hơn là thuế, phần nào cho thấy tâm lý “sính” loại giải pháp hành chính này vẫn còn.

Trong khi đó, kinh nghiệm từ quá khứ đã cho thấy việc thiết lập các điều kiện kinh doanh thường không phải là giải pháp hữu hiệu để giải quyết các bất cập của thị trường, mà nó chỉ làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp thêm khó khăn và phiền hà hơn mà thôi. Đó là lý do vì sao trong nhiều năm qua Chính phủ liên tục phải nỗ lực để bãi bỏ rất nhiều những điều kiện kinh doanh không cần thiết. Vì vậy, trước các bất cập về thị trường cần giải quyết, điều kiện kinh doanh chỉ nên là lựa chọn cuối cùng.

Trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua nhiều luật mới, nên trong năm nay và những năm tới sẽ có thêm nhiều nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn được ban hành. Hy vọng rằng các nghị định và thông tư mới này sẽ không làm phát sinh thêm những điều kiện kinh doanh không cần thiết nữa.

2 BÌNH LUẬN

  1. Điều kiện kinh doanh, có hai kiểu : Tiên quyết/ Tự quyết. Tiên quyết, phải đủ điều kiện trước mới làm, quy định này cần chỉ ra một cách công khai minh bạch, cụ thể, để người kinh doanh tự tính toán đưa ra quyết định của mình. Tự quyết, nghĩa là căn cứ hành lang pháp lý đã ban hành, người kinh doanh chủ động triển khai, gắn với hậu kiểm của cơ quan quản lý khi cần thiết. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận cơ quan có thẩm quyền, vẫn là điều quan trọng nhất. Cơ chế văn minh, chỉ có một cách, tập trung một đầu mối xử lý. Hiện nay, người kinh doanh phải “chạy” đủ nơi, đủ đường, đủ người… vẫn chưa chắc thành việc. Đổi mới kiểu gì đi nữa, nếu không thay đổi cách tiếp cận quản lý, sẽ vẫn như cũ.

  2. Các bước quy trình pháp lý cơ bản để triển khai một dự án đầu tư : Bước 1: Tìm kiếm, lựa chọn địa điểm đầu tư, thực hiện dự án; Quyết định hình thức đầu tư / Bước 2: Chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với các dự án thuộc diện xin quyết định chủ trương đầu tư) và Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; / Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; / Bước 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; / Bước 5: Các loại giấy phép, chấp thuận, phê duyệt khác như: – Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; – Phê duyệt thiết kế, cấp giấy phép xây dựng (đối với các dự án có hạng mục xây dựng); – Phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy; – Xác nhận cam kết bảo vệ môi trường; / Bước 6: Giấy phép hoạt động đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. NẾU RÚT GỌN, chỉ cần 3 BƯỚC : Bước 1: Lựa chọn quyết định hình thức đầu tư/ Bước 2: Gộp các bước 2+3+4/ Bước 3: Cấp các loại giấy phép tiền kiểm. Kèm theo mô hình TẬP TRUNG XỬ LÝ TẠI MỘT ĐẦU MỐI HÀNH CHÍNH. Vậy là OK ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới