(KTSG Online) - Xin nói thẳng, khi đọc tin giật tít kiểu này (có chữ “điều kiện”), lòng mình sao thấy vừa lạ, vừa buồn. Tại sao dân mình ăn Tết mà lại phải có “điều kiện”?
Có lẽ trong suốt nhiều thập kỷ trở lại đây, kể cả trong những năm khó khăn nhất khi chúng ta phải gồng mình chịu đựng chính sách bao vây cấm vận, chưa bao giờ người dân lại phải “thỏa mãn các điều kiện” để được về quê ăn Tết.
Vẫn biết, đại dịch Covid-19 là dịch bệnh “chưa từng có trong lịch sử hiện đại ở Việt Nam”, nhưng phải chăng thực sự cần thiết khiến một số chính quyền địa phương phải đặt ra “điều kiện” để người dân được phép trở về quê hương mình trong mấy ngày Tết. Đây là một truyền thống chưa bao giờ đứt đoạn, chỉ trừ những năm đất nước bị chia cắt mà người ngoài Bắc, trong Nam đành ngậm ngùi dõi trông về nơi chôn nhau cắt rốn suốt mấy ngày đầu năm.
Đành rằng chống dịch lây lan là cần thiết, việc nhiều địa phương đang đặt ra các “điều kiện” buộc người trở về phải tuân thủ để được về quê ăn Tết lại như “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi một kiểu, đang làm người dân khổ thêm. Tết năm nay vốn đã kém vui - từ việc làm, thu nhập, chuyện học hành của con cái, chuyện đi lại, v.v… thì nay những người dân mong chờ ngày trở về quê ăn Tết lại gặp thêm một rào cản khiến lòng họ càng thêm rối bời.
Khi đã có các bộ khung chung về vấn đề này - ví dụ Nghị quyết 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Dịch Covid-19” - thì tại sao chính quyền địa phương không căn cứ vào đó mà thực hiện để dân nhờ? Các đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng về vấn đề này và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất. Nếu cần, Chính phủ có thể đưa ra các quy định bổ sung, nhưng không thể để mỗi nơi làm một cách như hiện nay. Và Chính phủ trung ương cần kiên quyết không để “phép Vua thua lệ làng” trong trường hợp này. Ai vi phạm cần xử lý đến nơi đến chốn.
Chuyện này báo chí cũng đã nói nhiều. Giờ chỉ chờ các nơi có trách nhiệm thực hiện. Nhưng ở đây, cũng xin lạm bàn sang một chuyện khác. Tuy chỉ là chữ nghĩa, nhưng tác động an dân của nó có thể lớn hơn nhiều so với những người dùng nó đã nghĩ (nếu có nghĩ).
Người viết bài không rõ chữ “điều kiện” ban đầu xuất phát từ đâu, nhưng chữ này chắc hẳn đã được dùng trong các văn bản địa phương và báo chí đã dẫn lại. Thiết nghĩ, với người dân nóng lòng trở về quê trong ba ngày Tết, đây là một chữ có thể rất nhạy cảm. Tại sao lại phải có “điều kiện” mới được về quê ăn Tết? Lẽ ra, người ta nên chọn một chữ khác để sử dụng trong trường hợp này, giúp tránh được tình huống nhạy cảm. Sao lại không dùng “quy định”, hay “yêu cầu”, thay cho “điều kiện”? Thực sự, các từ này diễn đạt cùng nội dung, nhưng lại tránh được cho người dân thực hiện sự ức chế không cần thiết.
Nhân dịp này cũng xin trở lại với một tình huống tương tự mới vừa rộ lên đầu năm nay (thực ra là lại rộ lên một lần nữa sau một số lần làm xôn xao dư luận trước đây). Đó là chuyện xử phạt “xe không chính chủ”. Lần này, báo chí cũng phải tốn nhiều giấy mực, trong đó có tờ báo dẫn lời cơ quan liên quan giải thích với người dân rằng không có chuyện đi xe của người khác (như người thân trong gia đình) bị phạt vì lỗi “xe không chính chủ”, miễn là có đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu của pháp luật (mà ai lưu thông tương tự trên đường cũng đều phải có). Người đi “xe không chính chủ” chỉ bị phạt trong trường hợp xe đã đổi chủ mà không thực hiện thủ tục sang tên.
Theo người viết bài, ở đây cũng là một trường hợp dùng từ dễ gây hiểu lầm khi đưa ra một khái niệm mới không thực sự cần thiết với số đông. Thử hỏi, có bao nhiêu trường hợp không sang tên đổi chủ trong số mấy chục triệu người sở hữu xe ở Việt Nam? Người ta đưa ra khái niệm “xe không chính chủ” để làm gì? Tại sao không nói thẳng là chỉ phạt người hay xe chưa sang tên, đổi chủ và gọi đó là “xe chưa sang tên, đổi chủ”, thay vì “xe không chính chủ”? Trong tình huống này, việc dùng một khái niệm chưa thích hợp với số đông đã tạo ra sự không rõ ràng, gây lúng túng trong người dân một cách không đáng có.
Trở lại với “điều kiện về quê ăn Tết”, có lẽ nơi nào dùng chữ này cũng cần nên xem lại để dân đỡ thấy phiền lòng! Với chính quyền, chuyện chữ nghĩa cũng không phải chuyện xem thường được.