Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Digital Hub của khu vực – đường dài đầy trắc trở

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia đã nhắc tới những tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành Digital Hub (trung tâm số). Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu về cơ chế, chính sách vượt trội về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp vẫn cần được tạo điều kiện trong đầu tư cho hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh trên toàn cầu.

Các trung tâm dữ liệu quy mô còn nhỏ hẹp

Trong dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông đến năm 2030, Bộ Thông tin Truyền thông đã đặt ra các yêu cầu phát triển với Internet Việt Nam chặng đường sắp tới. Trong đó Việt Nam sẽ trở thành digital hub – nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới. Do đó, Bộ này đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư trung tâm dữ liệu – một trong những hạ tần quang trọng của digital hub. Thực tế gần đây các doanh nghiệp đầu tư trung tâm dữ liệu ngày càng nhiều do nhận thấy cơ hội và tiềm năng từ thị trường này.

Ngày 25-10 vừa qua, VNPT đã khai trương trung tâm dữ liệu (IDC) tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. IDC này quy mô 2.000 tủ racks (lớn nhất tại Việt Nam hiện nay) và đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế, xây dựng lắp đặt.

Tại buổi lễ trên, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT cho biết, sự kiện khai trương trung tâm IDC này là một quá trình nỗ lực phấn đấu, từ khát vọng nung nấu đưa VNPT trở thành nhà cung cấp IDC hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Phát biểu tại lễ khai trương trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cứ sau 3 năm là dữ liệu thế giới lại tăng gấp đôi. Dữ liệu tại Việt Nam thì tăng nhanh hơn. Việt Nam đang có 39 trung tâm dữ liệu loại vừa và nhỏ, tương đương với 15 trung tâm dữ liệu của VNPT mới khai trương tại Hoà Lạc. Như vậy, mỗi năm cần phải có thêm ít nhất 5 trung tâm tương tự VNPT IDC Hòa Lạc mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dữ liệu của Việt Nam.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông còn cho rằng: “Việt Nam vẫn chưa có một trung tâm dữ liệu lớn nào. VNPT IDC Hòa Lạc có dung lượng 2.000 racks là thuộc loại vừa. Một trung tâm loại lớn thì ít nhất là 5.000 racks.”

Ông Hùng yêu cầu VNPT tiếp tục xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn ngang tầm quốc tế trong thời gian tới. Để các doanh nghiệp Việt Nam không còn lo lắng tìm kiếm nơi lưu trữ, xử lý dữ liệu bên ngoài Việt Nam, cũng như thu hút được các khách hàng trên toàn cầu sử dụng các trung tâm dữ liệu do doanh nghiệp Việt cung cấp.

Lãnh đạo VNPT cho hay dự kiến trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới, tầm cỡ khu vực và thế giới.

Được biết, cùng với IDC Hòa Lạc, hiện VNPT đang sở hữu 8 trung tâm dữ liệu tại các tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Trong đó, VNPT IDC Hòa Lạc là lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam.

Được biết không chỉ VNPT, cuối năm ngoái, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, bao gồm trung tâm dữ liệu. Theo đó, Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với 13 trung tâm, quy mô hơn 9.000 tủ rack.

Viettel cho biết, tới năm 2025 Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack.

Ngoài các doanh nghiệp trên, tập đoàn FPT cũng đã đầu tư vài ngàn tỉ đồng để xây dựng 4 trung tâm dữ liệu lớn ở Hà Nội và TP.HCM trong nhiều năm qua. FPT cũng có kế hoạch tiếp tục đầu tư vài ngàn tỉ đồng cho các trung tâm dữ liệu mới trong thời gian tới.

CMC Telecom cũng là một doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng 3 IDC theo tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nội và TP.HCM với tổng quy mô 3.000 racks.

Chia sẻ về tiềm năng Việt Nam có thể trở thành Digital Hub của khu vực với báo chí, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC và CMC Telecom cho rằng nước ta hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực. Việt Nam có khả năng trở thành trung tâm số, nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới. Đến năm 2025 Việt Nam có thể hình thành tối thiểu một trung tâm dữ liệu phục vụ mục tiêu trung tâm cho khu vực và quốc tế. Đến năm 2030, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái công nghệ của digital hub.

Trong một diễn biến khác, tại cuộc hội thảo về xây dựng trung tâm dữ liệu vùng do Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, ông Lê Thành Công, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions, cho rằng Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các IDC vùng.

Ông phân tích Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, gần các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, nằm trên trục chính của hành lang kinh tế Đông - Tây. Vị trí này được đánh giá là thuận lợi về mặt kết nối. Các doanh nghiệp nội địa đang tích cực đầu tư mở rộng xây dựng các IDC. Tuy nhiên, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi xây dựng IDC vùng là mức đầu tư lớn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để trở thành trung tâm kết nối số phục vụ cho khu vực, các tiêu chuẩn an ninh bảo mật, hạ tầng kỹ thuật của các IDC phải được đẩy lên tầm cao hơn. Thực tế, để hình thành những IDC với quy mô lớn và đảm bảo tiêu chuẩn cao về bảo mật, dự phòng... đòi hỏi vốn đầu tư có khi hàng ngàn tỉ, việc xoay được khoản vốn này cũng không phải vấn đề nhỏ và dễ dàng với các doanh nghiệp.

Và thiếu cả cáp quang biển kết nối quốc tế

Để kết nối internet đi quốc tế các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng cả hạ tầng cáp quang biển và cáp quang đất liền. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình có bờ biển dài nên phần lớn dung lượng kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam là cáp quang biển. Hiện tại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang tham gia đầu tư, khai thác 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG, APG, SMW3, AAE-1 và IA.

Song trong thực tế, đã có tình huống toàn bộ các tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố làm cho kết nối internet Việt Nam đi quốc tế ảnh hưởng rất nhiều.

Cung cấp thông tin cho báo chí về nội dung này, ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhận xét Việt Nam đang có số lượng kết nối quốc tế ít hơn một số nước trong khu vực. Theo kế hoạch mà các nhà mạng Viettel và VNPT công bố, sắp tới sẽ khai thác thêm 2 tuyến cáp cập bờ Quy Nhơn. Nếu các tuyến này đi vào hoạt động thì sẽ giải quyết căn bản khả năng dự phòng và thêm dung lượng kết nối quốc tế cho các nhà mạng.

Theo nhận định của ông Bình, trong 5 năm tới Việt Nam cần thêm ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Còn nếu kỳ vọng biến Việt Nam thành một trạm trung chuyển của khu vực, thì còn cần nhiều hơn thế. Với tình trạng sự cố các tuyến cáp quang biển ngày càng nhiều và càng dày, nhu cầu bổ sung các tuyến cáp mới càng trở nên cấp bách.

Khuyến cáo của các chuyên gia là vậy, song việc đầu tư cáp quang biển là điều không dễ dàng với các doanh nghiệp, bởi nguồn vốn đầu tư lớn vài ngàn tỉ đồng. Do đó các doanh nghiệp buộc phải đầu tư theo nhu cầu sử dụng và tăng trưởng khách hàng.

Được biết, hiện Viettel đang cùng với nhà thầu NEC và 8 doanh nghiệp quốc tế khác đầu tư tuyến cáp quang biển quốc tế ADC – dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong quí 1 năm sau.

ADC là tuyến cáp biển dài khoảng 9.800 km kết nối Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. ADC có khả năng truyền tải hơn 140 Tbps lưu lượng dữ liệu, cho phép truyền tải dung lượng cao qua khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Đây cũng là tuyến cáp quang biển sử dụng công nghệ truyền tải hiện đại, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 290 triệu đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch dự kiến, cuối năm nay, liên minh cáp biển có VNPT tham gia đầu tư sẽ đưa vào vận hành tuyến cáp biển mới SJC2. Các chuyên gia cho rằng, việc 2 tuyến cáp SJC2, ADC vẫn kết nối tới HongKong, Singapore khẳng định một thực tế về vai trò lớn của 2 hub chính này. Song cũng cho thấy Việt Nam có thể từng bước có cơ hội trở thành 1 trạm trung chuyển, kết nối của khu vực nếu hạ tầng kết nối trong nước được phát triển mạnh mẽ hơn.

Cũng nỗ lực tăng cường mở rộng băng thông kết nối quốc tế, cuối tháng 4 vừa qua, FPT Telecom đã thông tin về việc tham gia đầu tư 87 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 2.100 tỉ đồng) vào tuyến cáp quang biển mới nối Việt Nam đi quốc tế có tên Asia Link Cable (ALC). Đây là tuyến cáp quang biển có chiều dài khoảng 6.000km. Tuyến cáp này kết nối nhiều địa điểm tại khu vực châu Á như Hồng Kông, Hải Nam (Trung Quốc), Luna, Bauang (Philippines), Tungku (Brunei) và Changi (Singapore). Dự kiến tuyến này sẽ được hoàn thành vào quí 3-2025.

Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tăng cường và mở rộng đầu tư hạ tầng cáp quang biển, tại cuộc họp báo tháng 5 của Bộ Thông tin Truyền thông, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thời gian tới Bộ này sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng thêm từ 4 - 6 tuyến cáp quang biển mới, phù hợp với dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông 2021 - 2030 và đáp ứng nhu cầu đến năm 2030.

Theo chia sẻ của các chuyên gia, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hiện tại, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có 3 digital hub là HongKong (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản. Để trở thành trung tâm số của khu vực, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia trong “cuộc đua” giành vị trí trung tâm số tiếp theo trong khu vực. Để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hạ tầng Internet, hạ tầng số.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới