Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Định chế độc lập có giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia kiến nghị Chính phủ tổ chức một cơ quan hoặc định chế độc lập chịu trách nhiệm quản lý, vận hành thị trường vốn và trái phiếu để bảo đảm mục tiêu phát hành lành mạnh, bền vững hai thị trường này.

Tại tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” diễn ra ngày 13-9, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng Việt Nam cần một cơ quan hoặc định chế độc lập với chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng nếu muốn hai thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững.

"Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vậy ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa? Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng”, ông Phước đặt vấn đề.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ khó phát triển bền vững nếu thiếu hệ thống xếp hạng tín nhiệm. Ảnh minh họa: TTXVN

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, đánh giá việc đặt bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách vì thị trường này có độ rủi ro tương đối cao. Vậy nên cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, ra quyết định đầu tư theo khẩu vị rủi ro.

Tuy nhiên, hiện chưa có đủ định chế thật sự để quản lý, giám sát, phát triển thị trường này.

“Cách làm như vậy có vấn đề, khi sai phạm thì hình sự hóa. Cứ mỗi lần như vậy thị trường bị rủi ro nhiều trong khi đây là thị trường cần có niềm tin", ông Nghĩa đánh giá.

Cũng theo ông Nghĩa, niềm tin của các thành phần gia thị trường cần gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý.

“Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Để xây dựng niềm tin cho các thành phần tham gia thị trường vốn và trái phiếu, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị các cơ quan quản lý sớm xây dựng hệ thống dựa trên xếp hạng tín nhiệm theo hướng tất cả các doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp bị xếp hạng thấp vẫn được quyền phát hành.

“Nhà đầu tư có mua không và mua với lãi suất bao nhiêu thì tuỳ vào khẩu vị rủi ro của họ”, ông Ánh nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực kinh tế tư nhân thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB), cho rằng Việt Nam rất cần các đơn vị xếp hạng tín nhiệm với các yêu cầu bắt buộc. Ngoài ra, cần có những doanh nghiệp thực hiện những yêu cầu bắt buộc này làm ví dụ cho thị trường.

“Thực tế, không ít công ty khá kém về việc công bố thông tin, các tổ chức tín nhiệm sẽ đảm nhận vai trò này để mang lại sự minh bạch cho nhà đầu tư”, ông Don Lambert nói.

Cũng theo đại diện ADB, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu hoạt động tại các thị trường phát triển để xây dựng các đơn vị xếp hạng có uy tín.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SB Law, khuyến nghị cơ quan quản lý xây dựng cơ chế để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân mua TPDN sau những vụ việc xảy ra gần đây.

Theo ông Hà, đại diện của một số nhà đầu tư mua TPDN bày tỏ mong muốn lấy lại tiền khi mua trái phiếu, đặc biệt trái phiếu đến hạn. Ngoài ra, họ mong muốn lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý được Cơ quan Điều tra cho phép tại ngoại để xử lý các vấn đề.

Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện hành khó cho phép bị can được tại ngoại để xử lý vấn đề liên quan tới doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp mong muốn bán các dự án để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cơ chế xử lý hiện nay không cho phép xử lý các tài sản liên quan tới vụ án, mà phải chờ các bản án của toà hoặc quyết định thi hành án của các cơ quan tư pháp.

“Với khía cạnh tư pháp, Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp doanh nghiệp sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Theo đó, Nghị định 153 Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cần có cơ chế đảm bảo việc này, nhất là khi niềm tin của nhà đầu tư đã đi xuống sau những vụ việc vừa qua”, ông Hà nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới