Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Định mức khuây khỏa”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Định mức khuây khỏa”

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần xuất hiện những yếu tố tích cực để chờ đợi ngày phát triển trở lại -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG) – Bộ phim mới nhất về điệp viên 007 James Bond mang tên “Quantum of Solace” (Định mức khuây khỏa) đã không thỏa mãn kỳ vọng của những người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy.

Nó đơn thuần là những mảnh ghép các pha hành động, thiếu một dòng cảm xúc gắn kết các nhân vật và cốt truyện. Nó giống như những biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, chỉ đủ sức làm khuây khỏa giới đầu tư.

Lãi suất tụt dốc

Ngày 14-11-2008 lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn ba năm do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành chỉ còn 11%/năm. Trên thị trường mức chiết khấu trái phiếu tùy kỳ hạn giảm 250 – 300 điểm so với đầu tháng 11-2008, thấp nhất 11%, cao nhất 11,5%/năm. Trên sàn Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài trong 5 phiên từ ngày 10 đến 14-11-2008 giao dịch 5.861 tỉ đồng trái phiếu, trong đó bán 3.924 tỉ đồng và mua 1.937 tỉ đồng. Tính ra họ bán ròng 1.987 tỉ đồng, tương đương 117 triệu đô la Mỹ, nâng tổng giá trị trái phiếu bán ròng của họ từ tháng 8-2008 đến nay lên khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ.

Lãi suất trái phiếu trong các đợt đấu thầu đang là kim chỉ nam dẫn dắt lãi suất thị trường, chứ không phải lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước điều hành. Các ngân hàng đang rất muốn hạ lãi suất huy động nhiều hơn nữa, nhằm hạ lãi suất cho vay, nhưng lãi suất tiết kiệm chỉ giảm cầm chừng vì các ngân hàng đang đo lường lẫn nhau. Những ngân hàng hạ lãi suất đầu vào sớm có thể sẽ sớm mất khách hàng tổ chức – nguồn cung ứng tiền gửi chủ yếu cho ngân hàng. Chính vì thế mặc dù giảm lãi suất cho vay ưu đãi xuống 14% và 14,4%/năm, nhưng BIDV và Agribank vẫn gần như giữ nguyên lãi suất huy động.

Ông Nguyễn Thế Bình, Tổng giám đốc Agribank, cho biết chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra tối thiểu phải 3%/năm thì các ngân hàng mới “sống” được. Mức chênh lệch đó bây giờ là mơ ước của các ngân hàng.

Tuy nhiên, Agribank vẫn còn 60.000 tỉ đồng huy động lãi suất ưu đãi, chủ yếu tiền gửi không kỳ hạn của doanh nghiệp, để bù đắp lợi nhuận âm khi cho nông dân vay lãi suất thấp. Song, các ngân hàng cổ phần không thể có được nguồn ấy. Một số ngân hàng cổ phần một mặt vẫn tiếp tục đổ tiền vào trái phiếu, mặt khác tích cực tham gia mua lại các khoản nợ của doanh nghiệp với ngân hàng nước ngoài. Một số ngân hàng nước ngoài cần chuyển vốn về nước, đang muốn bán lại những khoản mà họ cho doanh nghiệp Việt Nam vay trước hạn. Mức chiết khấu các khoản nợ vay này dao động trong khoảng 10-30% tùy giá trị và thời hạn. Tất nhiên đó là một mức chiết khấu hời, nhưng bên mua không thể không tính đến rủi ro tỷ giá vì các khoản nợ vay chủ yếu bằng ngoại tệ.

Những “định mức khuây khỏa”

Lãi suất đang tác động đến chứng khoán, điều đó là rõ ràng. Sự sụt giảm lãi suất tiết kiệm đã thúc đẩy không ít nhà đầu tư tìm mua cổ phiếu có thị giá dưới 20.000 đồng, nhưng mức chi trả cổ tức cao, thông thường 15-20%/năm. Bên cạnh đó, trong vòng hai tuần trở lại đây, bộ phận tự doanh của một số công ty chứng khoán bắt đầu hoạt động tích cực trở lại, dù chủ yếu với mục tiêu “lướt sóng”. Sự cộng hưởng của hai động thái này và sự tham gia của các nhà đầu tư giá trị lâu dài, đang chọn mua vào những cổ phiếu tốt từ khi VN-Index dập dình quanh mức 340-350 điểm, đã tạo thanh khoản cho thị trường. Trong khi đó, số lượng nhà đầu tư bán cổ phiếu để cắt lỗ cũng ít đi. Một khi VN-Index đang rất gần với đáy 322 điểm thiết lập vào ngày 28-10-2008, thì việc cắt lỗ lúc này không còn mang nhiều ý nghĩa. Do đó đã xuất hiện những phiên nguồn cung cổ phiếu giá thấp bị hạn chế đáng kể.

Một trong những mối quan ngại lớn nhất của thị trường hiện tại là sự bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tiết giảm giá trị bán ra nhưng khối lượng mua vào của họ đang ngày một thu hẹp và có phiên chỉ đạt 1 triệu đô la Mỹ đối với sàn TPHCM. Mức mua vào thấp kỷ lục này chỉ có vào năm 2003. Bây giờ nó đang lặp lại.

Việc bán ròng để rút vốn hoặc tái cơ cấu danh mục đầu tư đang mang lại cho các quỹ nước ngoài một lượng tiền mặt đáng kể. Lượng tiền mặt của Quỹ Vietnam Growth Fund (VGF) và VEIL do Dragon Capital quản lý đã tăng từ 10% và 0% lên tương ứng 14% và 5% vốn của quỹ. Quỹ VOF của VinaCapital đang bán ra cổ phiếu REE, loại chứng khoán mà họ nắm giữ lâu nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy quá trình gom tiền mặt của nhà đầu tư nước ngoài, chuẩn bị cho một đợt tham gia mới vào thị trường khi điều kiện thuận lợi, vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên với sự sụt giảm nhanh của lãi suất, các nhà đầu tư nội đang có vẻ đi trước các nhà đầu tư ngoại và họ mới chính là động lực đẩy thị trường tiến về phía trước. Giới tài chính tin tưởng gần như 100% rằng một đợt cắt giảm lãi suất cơ bản thứ ba sẽ diễn ra trong tháng 11 này. Xăng giảm giá lần thứ sáu liên tiếp (dù giảm nhỏ giọt); chỉ số CPI tháng 11 có thể âm hoặc tăng nhẹ so với tháng trước, lãi suất sẽ còn giảm… là những định mức có thể làm khuây khỏa nhà đầu tư. Dù sao trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu giảm giá, kinh tế thế giới suy thoái, các “định mức khuây khỏa” nói trên chưa thể ngay lập tức tạo ra đột biến, nhưng nó giống như sóng vỗ bờ, bồi đắp phù sa từng ngày để đến một thời điểm nào đó, cánh đồng chứng khoán nở hoa.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới