Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đình thần Châu Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đình thần Châu Phú

Cát Lộc

Đình thần Châu Phú
Đình thần Châu Phú. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Đình Châu Phú tọa lạc ngay góc đường Nguyễn Văn Thoại và Trần Hưng Đạo, bên bờ sông Châu Đốc (phường Châu Phú, thị xã Châu Đốc, An Giang). Ban đầu, đây là một ngôi đền có tên chữ là Trung Nghĩa Từ, hay là Lễ Công Từ đường (gọi tắt là đền Lễ Công), dân chúng địa phương thì gọi là đền Ông, là nơi thờ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), do Nguyễn Văn Thoại đứng ra xây dựng vào năm 1822, khi ông đến làm Án thủ Châu Đốc kiêm Quản vụ trấn Hà Tiên.

Ban đầu ngôi đền tọa lạc trong một khuôn viên rộng, thoáng mát, nhiều bóng cây cổ thụ, hướng ra dòng sông Hậu. Đến năm 1926, nhà cầm quyền Pháp ở tỉnh Châu Đốc quyết định xây dựng bệnh viện (Bệnh viện đa khoa Châu Đốc ngày nay) trên mảnh đất của đền. Bà Huỳnh Thị Phú và hương chủ Lan đứng ra vận động dân chúng góp tiền của để chuyển đình đến đầu chợ Châu Đốc xây cất kiên cố, kiến trúc đẹp, đồ sộ như hiện nay. Trong thời Pháp thuộc, như nhiều đền thờ khác, Lễ Công từ đường cũng bị đồng hóa, trở thành đình thờ thần hoàng làng, với tên gọi đình Châu Phú.

Cổng tam quan đình Châu Phú đẹp cổ kính, với dòng chữ số 1926, bên dưới là bốn chữ quốc ngữ màu vàng trên nền đỏ: Đình thần Châu Phú, bên dưới nữa là 3 chữ Hán. Cổng có hai liễn đối, chữ Hán, màu đen trên nền đỏ. Trên cổng có cặp lưỡng long tranh châu. Sân đình có cây dương cổ thụ, cao lớn, phủ bóng mát.

Mặt chính dình Châu Phú. Ảnh TL.

Đình được xây cất đồ sộ với chiều ngang 16 mét, dài 48 mét, kiểu chữ “Tam”. Nóc có lầu; mái tam cấp, lợp ngói đại tiểu màu đỏ, trên nóc chạm khắc nhiều tượng đẹp, khỏe, như: Bát tiên, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, chim, công, phụng, sư tử… Nền lót gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột gỗ căm xe và cà chắt. Nội thất đình có bốn hàng cột, mỗi hàng mười cây cột to bằng căm xe, cà chắt. Tất cả kèo, cột đều có hoành phi, liễn đối, có đến 29 hoành phi và 22 liễn đối chạm trổ khéo léo, tô son phết vàng rực rỡ.

Các liễn đối đều là lời ca ngợi công đức Nguyễn Hữu Cảnh, như “Khai thác quân thần, công tại biên thùy, danh tại sử; Trung thần chánh khí, sanh vi chân tướng, tử vi thần”. Tạm dịch: “Đấng quân thần mở mang bờ cõi, công ở biên thùy, danh ở sử; Người chính khí trung thành, sống làm tướng, thác làm thần”… Có nhiều dù lọng, chấn đỏ thêu rồng phụng sặc sỡ, đính kim tuyến lấp lánh, tôn thêm vẻ tôn nghiêm và nét đẹp cổ truyền. Đình còn có bia ký cùng hàng trăm hiện vật quý khác như lư hương, khánh thờ, kiệu, đồ lễ bộ, trống, đàn… Bàn thờ giữa đình thờ bài vị trên cao nhất cùng tượng Lễ Thành hầu Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh và hai vị quan văn võ hầu.

Nguyễn Hữu Cảnh còn có tên Nguyễn Hữu Kỉnh, sinh năm 1650 tại Huế, con thứ ba của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật – một dòng họ làm quan từ nhiều đời – tiên tổ là Ức Trai Nguyễn Trãi. Từ nhỏ ông được rèn luyện văn võ, theo cha trấn đóng tại Quảng Bình và lập nhiều công lớn, giữ chức Chưởng cơ. Ông lâm bệnh mất ngày mồng 5 tháng 5 năm Canh Thìn (1700) tại cồn Cây Sao (Cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày nay). Có tài liệu nói ông mất ngày mùng 9 tháng 5 tại Rạch Gầm (Mỹ Tho, Tiền Giang).

Bên trong đình Châu Phú. Ảnh TL.

Sau khi ông mất được nhiều sắc phong của triều đình Gia Long (năm 1810), Minh Mạng (năm 1833), Tự Đức (năm 1852) với các danh vị Đô Thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ thành hầu… Ông là người có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, trị an ở vùng đồng bằng nên nơi đây có rất nhiều đền thờ ông. Đình Châu Phú là đền thờ chính. Ngày nay, có nhiều tên đường, tên trường, tên sông, rạch, cù lao mang tên ông.

Phía dưới bài vị thờ Nguyễn Hữu Cảnh là bài vị ông Thoại Ngọc Hầu. Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, tức Thụy (1761-1829), người huyện Điện Phước, Quảng Nam. Khi được điều vào Nam, năm 1815, Nguyễn Văn Thoại chủ trương xây đồn Châu Đốc. Năm 1817, ông giữ chức Trấn thủ Vĩnh Thanh (gồm An Giang và Vĩnh Long). Trong giai đoạn nầy ông thực hiện nhiều công trình lớn ở An Giang mang tầm cỡ quốc gia, như: đào kinh Thoại Hà (1818), kinh Vĩnh Tế (1819-1824), đắp lộ từ Châu Đốc đến núi Sam, làm lộ từ Châu Đốc đến Lò Gò… di dân lập ấp hai bên bờ kinh Vĩnh Tế… Kế bên bài vị Nguyễn Văn Thoại là bài vị ông Vệ Thủy Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh. Hai bên thờ tả hữu ban, tiền hiền, hậu hiền tiền bổn hội, hậu bổn hội, thiện nam tín nữ…

Đình Châu Phú thể hiện những tinh hoa, những kiến trúc tiêu biểu vừa mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn, vừa mang phong cách truyền thống của đình làng Nam bộ nên đã được Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1988. Hàng năm, đình tổ chức lễ kỳ yên vào ngày 10 và 11 tháng 5 âm lịch (lễ giỗ Nguyễn Hữu Cảnh), và tổ chức lễ giỗ ông Thoại Ngọc hầu vào ngày mùng Sáu tháng Sáu âm lịch. Lễ nào cũng thu hút đông đảo nhân dân đến cúng bái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới